Lo Việt Nam thành "bãi đáp" cho DN Trung Quốc né thương chiến với Mỹ

Thứ Sáu, 04/10/2019 09:51

|

(CAO) Nếu chậm cụ thể hoá Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, các nhà đầu tư kém chất lượng có thể vào sớm và chiếm những chỗ lẽ ra được dành cho các nhà đầu tư thận trọng hơn, phù hợp với yêu cầu phát triển dài hạn của Việt Nam.

Sáng 4-10, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức toạ đàm để chuẩn bị cho hoạt động thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019.

Tại cuộc toạ đàm, Ths Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã trình bày báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2019: Một số đánh giá và đề xuất chính sách”.

Quang cảnh buổi toạ đàm

Trên cơ sở phân tích bối cảnh và tình hình nền kinh tế trong 9 tháng qua, Ths Nguyễn Anh Dương chỉ ra các vấn đề cần xử lý trong thời gian tới, như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao chưa đi kèm với cải thiện tương xứng về chất lượng tăng trưởng, là điều đáng phải quan tâm. 

Phân tích cụ thể, chuyên gia của CIEM chỉ ra, diễn biến tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm  cho thấy rủi ro về việc quay trở lại mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác và xuất khẩu khoáng sản; tăng trưởng chậm của khu vực nông-lâm-thủy sản.

Trong khi đó, bản thân tính bền vững của tăng trưởng kinh tế, theo ông Dương, cũng là một dấu hỏi. Tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm, tốc độ tăng tích lũy tài sản thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, kéo theo lo ngại về duy trì năng lực sản xuất trong tương lai...

Một vấn đề nữa, theo Ths Dương, là hiệu quả sử dụng nguồn lực ở khu vực công vẫn còn bất cập. Giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm còn chậm, thậm chí thấp hơn 2018.

"Hết tháng 9, số vốn giải ngân mới đạt hơn 192.130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao, trong đó thấp nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, ODA" - bản tham luận nêu rõ.

Thực tế không ít rào cản chính sách/vấn đề thực thi đối với giải ngân đầu tư công đã được chỉ ra trước đây, nhưng vẫn tồn tại, kể cả sau khi có Luật Đầu tư công (sửa đổi). Việc này đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, bởi nguồn vốn ấy lẽ ra có thể được sử dụng với mục đích khác và/hoặc ở khu vực khác với hiệu quả cao hơn.

Lo ngại có thể sẽ gia tăng nếu việc phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn được thực hiện một cách thiếu linh hoạt, không tính đến hiện trạng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Khu vực doanh nghiệp nhà nước còn quản lý lượng tài sản lớn, nhưng việc giao chỉ tiêu và đánh giá hiệu quả cho khu vực này còn chưa tương xứng. Tình trạng lãng phí trong sử dụng NSNN vẫn hiện hữu.

Vấn đề thứ ba được chuyên gia Nguyễn Anh Dương chỉ ra, là những chuyển dịch đầu tư gắn với xuất nhập khẩu gần đây, đặc biệt trong tương tác với các đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc, đặt Việt Nam đối mặt với thách thức không nhỏ.

Chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc (với vốn đăng ký mới đạt hơn 2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, chỉ thấp hơn Hàn Quốc) – đi kèm với gia tăng nhập khẩu từ nước này - có thể kéo theo lo ngại Việt Nam thành “bãi đáp” cho các doanh nghiệp Trung Quốc lẩn tránh các biện pháp áp thuế quan và các biện pháp khác của Mỹ, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

"Hình ảnh về đầu tư của Trung Quốc chỉ có thể được cải thiện nếu có những đột phá tích cực, với kết quả đủ nhanh và đủ bao trùm, song hiện thực hóa yêu cầu này là không đơn giản" - Ths Nguyễn Anh Dương nêu quan điểm.

Bản thân xu hướng chuyển dịch đầu tư nói trên có thể làm trầm trọng thêm vấn đề cạnh tranh, chèn lấn của doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước - vốn đã hiện hữu trong nhiều năm. Việt Nam không phân biệt đối tác đầu tư, nhưng thách thức chính là làm sao cân đối giữa yêu cầu sàng lọc dự án đầu tư với việc giảm các chi phí chính sách không cần thiết cho hoạt động đầu tư.

Theo chuyên gia này, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng nếu chậm cụ thể hóa, các nhà đầu tư kém chất lượng có thể vào sớm và chiếm những chỗ lẽ ra được dành cho các nhà đầu tư thận trọng hơn nhưng phù hợp với yêu cầu phát triển dài hạn của Việt Nam hơn.

Lo ngại nữa, là khả năng tận dụng lợi ích từ thương mại vẫn là một thách thức lớn, ngay cả khi Việt Nam đã thực hiện CPTPP và đang kỳ vọng rất nhiều vào EVFTA.

Quá trình chuẩn bị cho đàm phán và phê chuẩn CPTPP đã diễn ra trong thời gian không ngắn, nhưng theo Ths Dương, những rà soát, chuẩn bị về một số văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chậm (cả so với yêu cầu của ta cũng như so với mức độ chuẩn bị của các đối tác trong CPTPP). Nếu không kịp hành động trên cơ sở bài học này, ông Dương cho rằng, lợi ích từ EVFTA nói riêng và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung có thể bị suy giảm.

Bản thân việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay cũng không dễ (trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc và EU đều giảm so với cùng kỳ 2018).

Để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam là một yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, trong nhiều năm, một khái niệm tưởng chừng đơn giản như “hàng Việt Nam” hầu như lại chưa được định nghĩa một cách xác đáng, khoa học. 

Khẳng định việc nhìn nhận và thể hiện ra hành động thực chất là không đơn giản, Ths Nguyễn Anh Dương cho rằng, tiếp cận định nghĩa hàng Việt Nam theo chủ sở hữu doanh nghiệp là người Việt Nam là đơn giản nhất, song không giải quyết được vấn đề và rủi ro đang hiện hữu.

Ông Dương kiến nghị, các cơ quan Việt Nam có thể cần một cách làm “mềm” hơn gắn với trách nhiệm cá nhân và đối thoại nhà nước – tư nhân nhiều hơn trong việc đánh giá rủi ro gian lận xuất xứ, và tham gia giải trình, thậm chí bảo lãnh cho doanh nghiệp với phía đối tác nước ngoài.

Bình luận (0)

Lên đầu trang