Dự báo: Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Hà Tĩnh trong ngày hôm nay (30/12) có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to (lượng mưa 20-50mm/24h).
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận trong ngày và đêm nay có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/24giờ), riêng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nơi trên 100mm/24giờ).
Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông ở rìa phía Bắc rãnh áp thấp có trục ở khoảng 8-11 độ Vĩ Bắc, nên từ chiều và đêm mai (31/12) ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 70-150mm/24giờ, có nơi trên 200mm/24giờ). Sau đó mưa vừa, mưa to còn có khả năng kéo dài đến ngày 3-4/01/2019.
Khánh Hòa: Sạt lở núi, 3 người chết và mất tích
Ông Lương Đức Huệ, Chủ tịch UBND xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cho biết: Một vụ sạt lở núi làm sập một ngôi nhà xảy ra lúc 1 giờ ngày 30/12, tại địa bàn xã đã làm 2 người chết và một người vẫn chưa được tìm thấy trong đống đổ nát.
Vụ sạt lở xảy ra tại khu vực núi Dốc Đào, thôn Khánh Thành Nam, do mưa lớn. Chủ ngôi nhà bị sập là vợ chồng anh Hồ Tấn Lực. Cả nhà có 5 thành viên, khi sập nhà có 2 người chạy thoát ra ngoài. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn địa phương đang tiếp tục tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường.
Trong hai ngày 29 và 30/12, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 30 - 50mm/24 giờ.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, đến 16 giờ ngày 29/12, trên địa bàn tỉnh có 13 hồ chứa thủy lợi đang tiến hành điều tiết xả lũ. Việc xả nước điều tiết của các hồ chứa là nhằm đưa mực nước trong các hồ về cao trình an toàn, chuẩn bị ứng phó với mưa lớn dự kiến sẽ diễn ra trong những ngày tới.
Quốc lộ 27C đoạn Km57+800 (thuộc huyện Khánh Vĩnh, đèo Khánh Lê – Lâm Đồng) bị sạt lở nghiêm trọng; đoạn sạt lở dài 100m, với khoảng 11.000m3 đất đá, cây cối sạt xuống toàn bộ mặt đường gây chia cắt, phương tiện không thể lưu thông.
Hạt Quản lý đường bộ Khánh Vĩnh đang tập trung nhân lực, phương tiện để khắc phục; đồng thời phối hợp với cảnh sát giao thông tiến hành chốt chặt ở 2 đầu điểm sạt lở để hướng dẫn các phương tiện lưu thông qua tuyến khác. Dự kiến phải đến chiều 30/12 mới có thể khôi phục lưu thông 1 làn đường.
Trong khi đó tuyến Tỉnh lộ 9 qua đèo Khánh Sơn ở đoạn km20 – km28 có một số vị trí đất đá sạt lở xuống rãnh dọc, lề đường, một phần mặt đường; tuyến đường đèo Cù Hin (tuyến đường từ thành phố Nha Trang vào Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh) khu vực km13+900 cũng xảy ra hiện tượng đá sạt lở từ vách núi, lăn ra đường.
Ninh Thuận: Nhiều nơi ngập sâu trong nước
Từ ngày 29 đến sáng 30/12, tại Ninh Thuận có mưa to đến rất to, lượng mưa cao nhất từ 40 đến gần 50 mm. Do mưa lớn cộng với việc xả lũ từ các hồ chứa nên nhiều vùng trũng thấp ở một số địa phương trong tỉnh đã bị ngập, nhiều diện tích hoa mùa bị ngập sâu trong nước.
Nhiều nơi ở Ninh Thuận ngập sâu do mưa lũ. Ảnh: TTXVN
Theo Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, đến 7 giờ ngày 30/12, tổng lượng nước ở 21 hồ chứa trong tỉnh đã vượt dung tích thiết kế, với 198,08/194,49 triệu m3. Để đảm bảo an toàn công trình hồ đập, Công ty đã tiến hành mở cửa van của 10 hồ chứa để xả lũ, các hồ còn lại tràn tự do từ 10 đến 180 cm. Bên cạnh đó, lượng nước ở hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) hiện cũng đã vượt dung tích thiết kế 169,87/165 triệu m3 và đang xả với lưu lượng 73,99 m3/s.
Để đảm bảo an toàn hồ đập cũng như an toàn cho vùng hạ du trong thời gian xảy ra mưa lũ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh bố trí lực lượng túc trực tại các hồ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ để thực hiện tốt quy trình vận hành, xả lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du.
Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam cho biết, tại các địa phương vùng trũng thuộc huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận), mưa lớn trong hai ngày qua cộng với một số hồ chứa trên địa bàn huyện xả lũ nên đã làm cho hơn 200 ha lúa vụ Đông Xuân sớm mới gieo sạ bị ngập sâu trong nước.
Phú Yên: Các hồ thủy lợi xả lũ, một số vùng bị ngập
Ngày 29/12, tại Phú Yên, do mưa lớn kéo dài kết hợp với một số hồ thủy lợi điều tiết xả lũ khiến nước dâng cao tràn về hạ du gây chia cắt, cô lập một số khu dân cư.
Cụ thể, tại khu vực cầu Cây Cam và tuyến đường liên xã An Định, An Nghiệp, An Xuân (thuộc huyện Tuy An, khu vực hạ du của hồ chứa nước Đồng Tròn) nước ngập sâu 1,2m. Giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại, đơn vị chức năng đã cắm biển báo cấm lưu thông.
Một số khu dân cư ở xã Xuân Phước (huyện miền núi Đồng Xuân, khu vực hạ du của hồ chứa nước Phú Xuân), nước lũ lên cao. Các hộ dân đã được chính quyền thông báo di chuyển đồ đạc lên cao và sẵn sàng di chuyển đến nơi khác nếu lũ tiếp tục lên.
Mưa lớn kèm theo xả lũ của các hồ thủy lợi không chỉ khiến cho các tuyến giao thông, khu dân cư bị ngập mà hàng trăm héc-ta lúa vụ Đông Xuân mới gieo sạ cũng có nguy cơ mất trắng nếu lũ kéo dài.
Ngày 30/12, lũ trên các sông ở tỉnh Phú Yên đang ở mức cao. Các hồ thủy điện và thủy lợi tiếp tục xả lũ. Khu vực ngập nặng nhất là huyện miền núi Đồng Xuân. Đã có 1 người tại xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân bị cuốn trôi. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Đồng (SN 1984, trú thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân). Vị trí nạn nhân được tìm thấy cách khu vực nước cuốn trôi khoảng 300m. Tối 29/12, anh Nguyễn Văn Đồng đi qua tràn Phước Lộc, đoạn qua xã Xuân Quang 3 thì bị nước lũ cuốn đi. Khu vực này bị nước ngập do hồ thủy lợi Phú Xuân và hồ thủy điện La Hiêng 2 đang xả lũ.