Vùng đất từng gánh 2 triệu tấn bom đạn, 4 triệu lít chất độc vươn lên mạnh mẽ

Thứ Bảy, 29/12/2018 16:35

|

(CAO) Trong ngày 29-12-2018, tại Cần Giờ đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi nhằm chào mừng kỷ niệm 40 năm Cần Giờ (Duyên Hải) sáp nhập về TP.HCM.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG Ý NGHĨA

Điển hình, sáng cùng ngày, Bệnh viện huyện Cần Giờ đã được khánh thành trong sự phấn khởi của bà con nhân dân huyện Cần Giờ. Bệnh viện được trang bị các thiết bị, dụng cụ y tế hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên môn giỏi nhằm mục đích phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh đến bà con.

Huyện Duyên Hải (Cần Giờ) nằm về hướng Đông Nam, cách trung tâm TP.HCM 50km theo đường chim bay. Huyện có 20km bờ biển, có các cửa sông lớn như: Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.
Huyện Cần Giờ có tổng diện tích tự nhiên 71.361 ha, chiếm 1/3 diện tích TP. Trong đó, huyện có trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch. Đến nay, dân số huyện khoảng 75.452 người. Cần Giờ gồm 6 xã và 1 thị trấn Cần Thạnh. Trong đó, Thạnh An là xã nằm trên cù lao Phú Lợi, một hòn đảo cách xa đất liền khoảng 7km.

Sau lễ khánh thành, bệnh viện đã tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 100 người thuộc diện gia đình chính sách.

Cùng thời điểm đó, tại Trung tâm văn hoá huyện Cần Giờ đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm "Cần Giờ 40 năm xây dựng và phát triển" để người dân có cái nhìn rõ nét hơn về sự "trưởng thành" của Cần Giờ qua 50 bức ảnh sinh động, ấn tượng.

Đây còn là sự tự hào của người dân Cần Giờ khi đã khoác lớp áo mới lên vùng đất "chết" ngày nào. Từ đó, hun đúc một niềm tin mãnh liệt vào sự phát triển của Cần Giờ trong tương lai.

Quá trình trưởng thành của Cần Giờ được tái hiện qua 50 bức ảnh sống động

Chiều cùng ngày, Hội nghị đánh giá thành tựu kinh tế - xã hội huyện Duyên Hải (Cần Giờ) 40 năm sáp nhập về TP được tổ chức tại Hội trường UBND huyện. Những kết quả này là sự nổ lực của cả hệ thống chính trị luôn đồng hành cùng người dân giải quyết mọi khó khăn, đưa Cần Giờ phát triển như ngày hôm nay.

Bên canh đó, nhiều hoạt động ý nghĩa khác, như: tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác; chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 40 năm huyện Duyên Hải (Cần Giờ) sáp nhập về TP.HCM tại Trung tâm văn hóa huyện; giải Futsal Cần Giờ mở rộng và giải bi sắt Cần Giờ mở rộng tại nhà thi đấu TDTT huyện; giải Việt dã lực lượng vũ trang TP năm 2018 và giải Việt dã thể thao học sinh TP năm học 2018-2019 tại thị trấn Cần Thạnh; giải đua xe đạp chào mừng tại xã Bình Khánh, thị trấn Cần Thạnh.

Giải Việt dã lực lượng vũ trang

NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ

Trước 30-4-1975, Duyên Hải là một quận của tỉnh Gia Định, có căn cứ quân sự tiền tiêu của địch, canh phòng cho con đường thủy huyết mạch từ Biển Đông vào Sài Gòn. Duyên Hải đã gánh hơn 2 triệu tấn bom đạn, 4 triệu lít chất độc hóa học, đã biến rừng ngập mặn thành bình địa trơ trụi, hệ sinh thái môi trường bị biến đổi nghiêm trọng.

Sau 30-4-1975, Duyên Hải được thành lập từ quận cần Giờ và quận Quảng Xuyên (tỉnh Đồng Nai) gồm 8 xã. Thời điểm này, chính quyền Duyên Hải phải đối mặt với nạn đói, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, kinh tế yếu kém, y tế nghèo nàn, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy,… khiến cuộc sống của gần 30.000 bà con vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Đến tháng 11-1977, Tổng bí thư Lê Duẩn cùng lãnh đạo TP.HCM về thăm Duyên Hải. Sau khi thực địa và làm việc với lãnh đạo huyện, nhận thấy tầm quan trọng vị trí tiền tiêu của TP, không chỉ quan trọng về khía cạnh an ninh quốc phòng mà còn hướng đến khai thác tiềm năng của huyện.

Cần Giờ nay được phủ màu xanh bạt ngàn

Đồng thời, Duyên Hải còn là con đường thủy quốc tế vào TP, rất cần mở con đường bộ từ nội thành về bờ biển và khôi phục Rừng Sác Cần Giờ. Ngày 12-1-1978, Thường vụ Hội đồng Chính phủ ra quyết định sáp nhập huyện Duyên Hải vào TP.HCM, đến 29-12-1978, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI ban hành Nghị quyết phê chuẩn huyện Duyên Hải chính thức sát nhập vào TP.HCM, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển huyện. Đến ngày 18-12-1991, huyện Duyên Hải đổi tên thành huyện Cần Giờ.

40 năm vươn lên xây dựng, kiến thiết vùng đất sình lầy, hoang hóa thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, với hơn 33.917 ha (được UNESCO công nhận năm 2000). Một trong những thành quả tiêu biểu là: tuyến đường Rừng Sác với 6 làn xe cơ giới; lưới điện quốc gia được kéo về tận nhà bà con; nước sạch cũng được đưa đến người dân; không còn hộ đói, nạn mù chữ;...

Từ vùng đất "chết", Cần Giờ đã có bước phát triển vượt bậc sau 40 năm sáp nhập vào TP. HCM
Huyện Cần Giờ - “Người cận vệ môi trường của TP.HCM”.
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang