Báo Công an TPHCM: Một hiện tượng báo chí đại chúng đặc biệt đầy thú vị

Thứ Ba, 21/06/2022 07:55

|

(CATP) 46 năm qua, Báo Công an TPHCM đã xây dựng nên một thương hiệu báo chí đại chúng đặc biệt, một hiện tượng báo chí thú vị, có thời kỳ báo in đạt kỷ lục hơn 750 ngàn bản/kỳ phát hành.

Điều gì đã làm nên một thương hiệu lẫy lừng như vậy? Đó là thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, xây dựng một tờ báo của lực lượng Công an TPHCM, trung thực, khách quan và hướng thiện, tôn trọng sự thật, để góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc; cùng với những chương trình từ thiện được tổ chức quy mô, rộng khắp, đã làm cho tờ báo trở nên thân thiết, gần gũi với người dân…

Lịch sử báo chí Việt Nam đã có gần 150 năm nếu tính từ tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ra đời năm 1865, tờ Gia Định Báo. Với chặng đường phát triển như vậy, báo chí Việt Nam đã có một nền tảng văn hóa, lịch sử và gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Ý thức được sức mạnh của báo chí, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Tuần báo Thanh Niên như là cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội (21-6-1925).

Đây là cột mốc đánh dấu sự hình thành của báo chí cách mạng Việt Nam, để ngày hôm nay giới làm báo có một ngày kỷ niệm đặc biệt với nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Sau Tuần báo Thanh Niên, là sự ra đời của nhiều tờ báo khác như tờ Tranh Đấu, Cờ Vô Sản..., trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng sắc sảo, trong đó có Báo Công an TPHCM với tuổi đời 46 năm.

Báo Công an TPHCM là một trong những tờ báo lên sạp được bạn đọc yêu thích hàng đầu. Ảnh: M.Tân

"Báo chí góp phần làm cho dân biết, dân hiểu, dân theo, dân tin và dân làm"

Chiều 17-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì gặp mặt Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Người làm báo là một trong những lực lượng trên tuyến đầu của các "mặt trận". Báo chí góp phần làm cho dân biết, dân hiểu, dân theo, dân tin và dân làm". Thủ tướng đề nghị báo chí phát huy tinh thần "mắt sáng, lòng trong, bút sắc", là vũ khí sắc bén trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.

Phát biểu đó của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, Đảng, Chính phủ rất tin yêu đội ngũ báo chí.

Báo chí Việt Nam đã bước sang giai đoạn phát triển mới trên nền tảng Internet với các công cụ của truyền thông đa phương tiện và mang tính toàn cầu hóa, cùng với tính cạnh tranh cao, đặc biệt với các mạng thông tin trực tuyến.

Trong bối cảnh đó và trên những tính chất căn bản của báo chí cổ điển, yêu cầu mới cho báo chí nước ta là xây dựng một nền báo chí trung thực, khách quan, nhanh nhạy và hướng thiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là một nhà báo, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam hiểu rất rõ tính trung thực của báo chí, coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức của nhà báo cách mạng: "Viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng"; "chống tham ô thì phải nói rõ ai tham ô, ai lãng phí? cơ quan nào tham ô? lãng phí cách thế nào?... Chớ viết lung tung".

Chương trình "Công an TPHCM - Hạt gạo nghĩa tình" được Ban giám đốc CATP giao Báo CATP và phòng PX03 phối hợp thực hiện đã thổi bùng bầu nhiệt huyết, tính xung kích của toàn lực lượng khi xông pha giữa tâm dịch hỗ trợ nhân dân

Tính trung thực và khách quan được các nhà báo chuyên nghiệp coi như nguyên tắc làm báo, làm nên sức mạnh của báo chí. Báo chí là tiếng nói của nhân dân, phải nói đúng tiếng nói của nhân dân. Nhân dân có khen, có chê và mấu chốt là chính quyền phải nghe dân. "Dân biết, dân hiểu, dân theo, dân tin và dân làm", là như vậy.

Khách quan và trung thực của báo chí làm nên tính phản biện của báo chí. Nếu không có báo chí làm sao trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về việc lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông. Đó chỉ là một ví dụ để cho thấy báo chí đã thực hiện tốt một trong những chức năng của mình là nói lên tiếng nói của nhân dân.

Báo Công an TPHCM đã thực hiện tốt chức năng của mình khi vạch trần cái ác, cái xấu đang ngày càng phức tạp; lên tiếng cảnh báo nhiều vấn đề trong lĩnh vực an ninh trật tự, văn hóa tư tưởng; cổ vũ cái mới, để xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập.

Báo Công an TPHCM là một thương hiệu quý

Hành trình 46 năm của Báo Công an TPHCM, đã xây dựng được một thương hiệu báo chí quý giá, là một hiện tượng đặc biệt trong làng báo. Có thời điểm nhiều năm liền, báo giấy Báo Công an TPHCM có lượng bản in lớn nhất nước, lên đến hơn 750 ngàn bản/kỳ phát hành, phủ sóng gần như cả nước, tận hang cùng ngõ hẻm, đến bếp ăn của bà nội trợ, các văn phòng làm việc tại các đô thị... Hồi tòa soạn báo ở Nguyễn Cư Trinh, cho đến khi tòa soạn dời về đường Nguyễn Du, mỗi buổi sáng nhìn cảnh những người bán báo vẫy chào những tờ báo in nóng hổi, bán đắt như tôm tươi, mới thấy sức mạnh của thông tin mà Báo Công an TPHCM chuyển tải.

Ngày 20-6-2022, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TPHCM thăm và làm việc với báo, phát biểu rất xúc động, với cán bộ chiến sĩ, phóng viên, biên tập viên Chuyên đề Báo Công an TPHCM, khi đồng chí cho rằng: "Dù bây giờ báo đã chuyển thành Chuyên đề Công an TPHCM nhưng cho phép tôi vẫn gọi là "Báo Công an TPHCM", vì đây là tờ báo được người dân yêu quý, đã đi vào lòng dân trong suốt hơn 45 năm qua. Báo Công an TPHCM như là một "danh hiệu", bởi khi nhắc đến, người dân rất yêu quý, kính trọng".

Phó chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu đến thăm, chúc mừng Báo Công an TPHCM nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng đánh giá rất cao sự lan tỏa, tầm ảnh hưởng của Báo CATP trong mấy chúc năm qua. Ông Châu mong muốn giữ gìn, phát triển Báo Công an TPHCM, bởi đó là hạt giống quý của lực lượng Công an TPHCM, của Đảng, của nhân dân.

Điều gì đã làm nên thương hiệu của Báo Công an TPHCM trong 46 năm qua? Đó là thông tin chính xác, nhanh nhạy, luôn bám sát thời sự bằng nhiều loạt bài chống tham nhũng, tiêu cực nổi tiếng ở nhiều địa bàn; những loạt bài điều tra đặc biệt về các vấn nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cho vay lãi nặng... Thông tin "nóng" về an ninh trật tự là ưu thế của báo, qua đó góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội, cảnh báo cái xấu, cái ác... Tất cả hình thành tính chiến đấu rất cao của tờ báo.

Một hoạt động khác làm nên thương hiệu của Báo Công an TPHCM là hoạt động xã hội - từ thiện. Dù đây là những hoạt động phía sau mặt báo nhưng lại là "mặt trước" của báo. Trong 46 năm qua, Báo Công an TPHCM phủ công tác từ thiện từ Nam chí Bắc, từ nơi vùng núi xa xôi đến vùng biển nghèo tận Cà Mau, Bạc Liêu... bám sâu vào lòng dân.

Hễ nhắc đến công tác từ thiện là nghĩ ngay đến Báo Công an TPHCM. Hàng ngày, trên báo giấy đều có mục "Những mảnh đời bất hạnh", kêu gọi bạn đọc giúp đỡ những người nghèo, những người yếu thế. Hoạt động từ thiện - xã hội luôn có trong các nghị quyết hàng năm của báo.

Nhớ trận đại hồng thủy năm 2020 ở miền Trung, các phóng viên của báo, cùng lực lượng Công an các địa phương "chạy đua" với lũ, vì không thể tập trung dân để phát quà, mang hàng chục ngàn phần quà đến tận tay người dân. Đó là cuộc chiến với đại hồng thủy mà người dân miền Trung nhớ mãi.

Đại dịch Covid-19, Báo Công an TPHCM dưới sự lãnh đạo của Ban giám đốc Công an TP đã thực hiện một chương trình từ thiện rất lớn "Hạt gạo nghĩa tình", đem hơn 1.000 tấn gạo đến tận tay người dân, cùng với hàng tỷ đồng các thiết bị phòng chống dịch. Trong đại dịch, kiếm được nguồn tài trợ đã khó, cho càng khó.

Phó chủ tịch UBNDTP Ngô Minh Châu phát biểu rằng, ông tận mắt chứng kiến gạo, thực phẩm đến tận tay người dân trong tâm dịch. Đó là hành trình đi từ trái tim đến trái tim. "Báo Công an là ngọn cờ đầu, phối hợp với Công an TP trong công cuộc phòng chống đại dịch vừa qua. Tôi mong rằng ngọn đuốc đó không bao giờ tắt, để Báo Công an luôn là hiện tượng đặc biệt trong làng báo".

Thời của báo điện tử, Báo Công an TPHCM cũng không ngoại lệ

Công an TPHCM đã có truyền thống 46 năm xây dựng nên một tờ báo đại chúng, được dân yêu, Đảng tin. Đó là niềm tự hào, trân trọng. Nhưng trong thời đại 4.0, báo chí đang khác đi rất nhiều và Báo Công an TPHCM cũng phải thích nghi để phát triển.

Nhiều chuyên gia truyền thông cùng nhận định rằng, các Web/blog đang làm thay đổi hình dạng của báo in và cũng chỉ ra những khó khăn không chỉ báo in sẽ gặp phải khi mà công nghệ biến Internet thành công cụ có thể bỏ trong túi được.

Báo giấy đang lao đao, đó là sự thật. Đó cũng là lý do Báo Công an TPHCM (báo giấy) liên tục cải tiến cả hình thức lẫn nội dung để thích nghi với thói quen đọc của bạn đọc.

Ở nước ta, hầu hết các báo giấy đều có báo điện tử kèm theo và tích hợp các công cụ của truyền thông đa phương tiện; các đài truyền hình, phát thanh đều có website. Tuy nhiên báo in vẫn còn sức sống, dù diện độc giả bị thu hẹp. Phải xác định rằng tương lai của báo chí vẫn là báo điện tử và đa phương tiện. Thấy rõ xu hướng đó, Báo điện tử Công an TPHCM cải tiến liên tục, ngày càng hấp dẫn hơn, đưa tin nhanh hơn, có những bài viết sâu sắc hơn, chất lượng hơn.

Đó cũng là nhiệm vụ mà Báo Công an TPHCM phải thực hiện trong trước mắt và lâu dài, như yêu cầu của lãnh đạo Công an TPHCM, phải xây dựng Báo Công an trở thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện của lực lượng Công an TP, của nhân dân, xứng đáng là một tờ báo được nhân dân tin yêu.

Báo Công an đang đi theo hướng đó, bởi báo chí đang có những thay đổi căn bản, buộc nhà báo hiện đại phải thích nghi. Nhà báo ngày nay phải thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện.

Trên nền tảng truyền thống gần 150 năm phát triển, đội ngũ báo chí nước ta đang cùng nhau xây dựng một nền báo chí trung thực, khách quan, hướng thiện, hiện đại và hội nhập, trong đó có Báo Công an TPHCM với bề dày lịch sử 46 năm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang