Ngăn chặn suy thoái khi mới manh nha
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), với tinh thần rất cao trước Đảng và nhân dân, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phân tích thực trạng của Đảng đầy sâu sắc. Từ Hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Quốc Huy
Nghị quyết Hội nghị về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay được ban hành sau đó nêu rõ: “Trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn.
Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước chậm được củng cố và đổi mới. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy rmạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng phải có biện pháp phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ”.
Nhớ lại giai đoạn này, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, sở dĩ có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) - khoá VIII là vì trong Đảng khi đó có một số vấn đề suy thoái, cả về tư tưởng chính trị cũng như lối sống - dù mới chỉ chớm nở, bắt đầu thì bị phát hiện.
“Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Bộ Chính trị đã họp bàn và quyết định phải có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) - mặc dù trước đó đã có Nghị quyết Trung ương 6 rồi, để chấn chỉnh, chỉnh đốn kịp thời”- Thượng tướng Phạm Thanh Ngân chia sẻ.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân bồi hồi nhớ về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Theo ông Ngân, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người rất tâm huyết với công tác xây dựng Đảng. Ông luôn đặt vấn đề xây dựng Đảng là then chốt và rất chú ý đến đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, sao cho phù hợp, lập lại kỉ cương trong Đảng.
“Thực tế trong Đảng cũng có những giai đoạn có vấn đề này, vấn đề khác không đi đúng quỹ đạo. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã rất kiên quyết để chấn chỉnh, và Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã ra đời trong bối cảnh đó” – ông Ngân lý giải và khẳng định, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đã kịp thời ngăn chặn sự suy thoái khi nó mới manh nha. Nghị quyết này cũng tạo nên một sức mạnh mới, sức chiến đấu mới để xây dựng Đảng và lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Lan toả quyết tâm chỉnh đốn Đảng
Cũng nói về sự ra đời của Nghị quyết trên, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt nhìn nhận, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) rất có ý nghĩa, rất có giá trị về nguyên tắc, về vai trò lãnh đạo của Đảng.
“Gọi là Trung ương 6 (lần 2) vì Hội nghị Trung ương 6 chỉ bàn được một việc về kinh tế, nên phải họp tiếp một phiên, bàn riêng về vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng, lấy tên là Trung ương 6 (lần 2)”- ông Duyệt giải thích.
Vẫn mạch hồi tưởng, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kể: “Chúng tôi đã có những bàn bạc, anh Phiêu đã chỉ đạo rất chặt chẽ, đặt ra vấn đề phải có cơ quan thường trực giúp cho Bộ Chính trị, cho Thường vụ, cho Thường trực, cho Tổng Bí thư. Anh Vũ Quốc Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương được đưa sang làm Trưởng Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2), làm việc ngay ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân.
Các vụ việc lớn mà Trung ương phải xử lý thì việc gì phải đưa ra Bộ Chính trị, ra Thường vụ, ra Trung ương, các cái đó đều phải bàn. Với quyết tâm rất lớn từ đồng chí Tổng Bí thư, đó là thời gian giải quyết được rất nhiều vụ việc”- ông Duyệt nhìn nhận.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong lần tiếp ông Trần Trọng Dũng - Tổng biên tập Báo Công an TPHCM (hiện đã nghỉ hưu, làm Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM) - Ảnh: Quốc Huy
Cho rằng khoảng thời gian đó tuy ngắn nhưng theo ông Phạm Thế Duyệt, thời điểm đó đã làm được rất nhiều việc, tạo sự chuyển biến từ trên xuống dưới, tạo được thái độ thẳng thắn chân thực không bị dao động hay thiếu bản lĩnh trong những quyết định.
“Cuộc kiểm điểm phê và tự phê bình trong Bộ Chính trị được làm rất nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn tới mức dư luận bên ngoài lúc ấy đặt câu hỏi, người ta không hiểu trong nội bộ có việc gì. Bộ Chính trị phải kiểm điểm từ đồng chí Tổng Bí thư trở xuống” – ông Duyệt kể, đồng thời cho biết, đó là những cuộc kiểm điểm ấy “khác so với các cuộc sinh hoạt bình thường”. Từ các cuộc kiểm điểm này, quyết tâm chỉnh đốn Đảng lan toả ra toàn thể Ban Chấp hành Trung ương, ra toàn thể các cấp uỷ.
Có thể nói, nhiệt huyết mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dành cho Đảng, cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn cháy bỏng, bất kể ông còn đương chức hay đã nghỉ hưu. Đó là bởi ông vẫn luôn một niềm tin yêu với lý tưởng mà mình đã chọn. Sau này, trong một lần chia sẻ với Báo Công an TPHCM, ông nói: “Cần phải thấy rằng vấn đề Đảng, vấn đề dân là quan trọng. Phải làm sao Đảng phải thật sự trong sạch, thật sự là người đầy tớ của dân”.
Nguyên Tổng Bí thư cũng lưu ý, Đảng phải bàn chính bản thân Đảng cho đến nơi đến chốn mà trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng đã đành rồi, nhưng đạo đức, phẩm chất của một Đảng cầm quyền cũng phải xem sao, lòng dân đối với Đảng ra sao. Từ con người đảng viên, cho đến con người cấp uỷ đảng viên, cho đến tổ chức của Đảng phải xem lại thì mới giải quyết được vấn đề.
“Tôi tin, nếu chúng ta làm tốt tinh thần này thì dứt khoát chúng ta sẽ nâng cao sức chiến đấu của Đảng và Đảng mới trở lại đúng bản chất của Đảng mà Bác Hồ đã dày công rèn luyện, xây dựng cho chúng ta” – nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nêu quan điểm.
(CATP) Cách đây không lâu, Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên chúng tôi vào thăm ông tại Khoa A11 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thấy ông yếu lắm rồi, chỉ cầm tay, cùng chảy nước mắt mà chẳng nói được gì. Dù biết rằng ngày ông vĩnh biệt mọi người không còn xa nữa, nhưng khi nghe hung tin, tôi vẫn xúc động tiếc thương ông. Biết bao kỷ niệm cũ ập ùa về trong tâm trí tôi.