Quán triệt Quy định số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy định số 113-QĐ/TW của Ban Bí thư

Thứ Tư, 26/07/2023 17:10

|

(CAO) Sáng 26/7, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tại điểm cầu chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. (Ảnh: Minh Hiệp)

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính triển khai Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký (11/7/2023), thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định gồm 5 chương, 16 điều; trong đó quy định những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; xử lý vi phạm… Về xử lý vi phạm, Quy định 114-QĐ/TW quy định về: Xử lý trách nhiệm khi vi phạm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; Xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định 114-QĐ/TW nêu rõ các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn như dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình; để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ; lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác này; chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định; trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ; khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý… Quy định chỉ rõ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm thì cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Cấp có thẩm quyền cũng xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương quán triệt Quy định số 113-QĐ/TW ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Quy định gồm 5 điều, quy định đối tượng áp dụng, nguyên tắc thực hiện, điều kiện, thẩm quyền, tổ chức thực hiện.

Có dư luận bức xúc phải kiểm tra, xử lý nghiêm

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã nhấn mạnh đến các điểm, các điều khoản mới trong việc bố trí, cân nhắc cán bộ; xử lý kỷ luật cán bộ và lưu ý người đứng đầu cấp ủy các cấp phải gương mẫu xử lý vấn đề để làm sao dư luận đồng tình; đồng thời, đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng phải triển khai, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm các quy định; phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh VOV)

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị cấp ủy đảng các cấp, người đứng đầu các địa phương, đơn vị quán triệt và triển khai nghiêm túc các nội dung quy định mới. Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, các địa phương, đơn vị cần kịp thời cụ thể hóa, triển khai đảm bảo sát thực tiễn, đúng quy định. Ban Tổ chức Trung ương sẽ kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các văn bản.

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, quá trình triển khai có vướng mắc, khó khăn và vấn đề thực tiễn phát sinh, các đơn vị cần báo cáo, phản hồi để Ban Tổ chức Trung ương kịp thời tổng hợp, tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền. Đồng chí Trương Thị Mai đặc biệt lưu ý các ngành, địa phương, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm theo Quy định là không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, đặc biệt là 13 ngành đã nêu cụ thể trong Quy định.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng nhìn nhận, đây là quy định khó, vì đụng chạm đến con người, tâm tư, tình cảm, mong muốn. Ai cũng muốn con em, người trong gia đình mình trưởng thành, phát triển. Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng. Là người đứng đầu, người cán bộ lãnh đạo quản lý phải cân nhắc đầy đủ, gương mẫu. Quy định cấm thì không được làm, yêu cầu gương mẫu thì phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng. “Người có chức vụ càng cao thì càng cần phải gương mẫu; MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cần vào cuộc để giám sát quá trình triển khai, thực hiện quy định” – đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt trong phạm vi, chức trách của mình, cụ thể hóa, thường xuyên kiểm tra, giám sát Quy định 114, khi phát hiện bất bình thường, có dư luận bức xúc phải kiểm tra, xử lý nghiêm theo Quy định. Có như vậy Quy định 114 mới đi vào thực chất, tạo niềm tin của cán bộ đảng viên, nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang