Những tiện ích người dân được hưởng từ Đề án ứng dụng dữ liệu về dân cư

Thứ Năm, 20/01/2022 16:17  | Mai Loan

|

(CAO) Ngày 20-1, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CSQLHC về TTXH), Bộ Công an cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 06 phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, ngay trong tháng 1, 2 và 3-2022, Bộ Công an sẽ hoàn thành việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu đã có như: Cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (hoàn thành ngày 22-1-2022); Cơ sở dữ liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (hoàn thành ngày 25-1-2022); Cơ sở dữ liệu về thuế của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính (hoàn thành ngày 29-1-2022); Cơ sở dữ liệu trẻ em của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (hoàn thành ngày 15-2-2022); Cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (hoàn thành ngày 20-2-2022).

Cụ thể:

Trong tháng 1-2022, hoàn thành tổ chức tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số chứng minh nhân dân (9 số) với căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu thuế phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế.

Trong tháng 2-2022, hoàn thành hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong tháng 3-2022, hoàn thành việc đưa lên mức độ 3, mức độ 4 đối với 14/25 thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đến người dân, gồm: Xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ căn cước công dân; Cấp lại, cấp đổi thẻ căn cước công dân); Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú; Đăng ký, cấp biển số mô-tô, xe gắn máy;

Đồng thời, thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); Đăng ký khai sinh; Đăng ký khai tử; Đăng ký kết hôn; Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; Làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; Làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.

Những tiện tích người dân hưởng sau khi triển khai đề án

Theo lộ trình của Đề án, đến tháng 5-2022, sẽ tiếp tục hoàn thành việc đưa lên mức độ 3, mức độ 4 đối với 11/25 thủ tục hành chính thiết yếu gồm: Liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dưới 16 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí; Tích hợp giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình…

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Công an sẽ bảo đảm duy trì dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ các nhiệm vụ của Đề án; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật kết nối, chia sẻ để phục vụ phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng cao nhất các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương chủ động phối hợp với Bộ Công an trong quá trình thực hiện Đề án, nhất là trong kết nối, chia sẻ dữ liệu để hình thành Trung tâm dữ liệu lớn của Quốc gia, từ đó mở rộng triển khai việc định danh đối với các lĩnh vực, nhất là phương tiện giao thông, bất động sản... góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội...

Bình luận (0)

Lên đầu trang