Người thương binh già đi tìm đồng đội

Thứ Năm, 27/07/2017 11:25

|

(CAO) Dù đã 75 tuổi lại là thương binh, nhưng Trung tá Nguyễn Phước Tấn (Ba Tấn) - nguyên B trưởng Trinh sát vũ trang (B5) – Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam (nay là Phòng Bảo vệ 180, Bộ Tư lệnh cảnh vệ - Bộ Công an) vẫn đồng hành cùng anh em Ban quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam suốt hơn 20 năm qua.

KÝ ỨC VỀ THỜI HOA LỬA

Tôi ghé thăm Trung tá Ba Tấn vào một ngày cuối tuần mưa lất phất. Trong căn nhà nhỏ đầu đường Thống Nhất, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM, ông ngồi lặng lẽ, miết tay lên từng tấm hình trắng đen chụp cùng đồng đội thời tóc hãy còn xanh. Trời trở gió, những mảnh đạn còn găm lại nơi gối trái khiến ông đau nhức, đi lại khó khăn.

Hỏi chuyện tìm hài cốt đồng đội, đôi mắt Trung tá đượm buồn: “Là chỉ huy, tôi đã phải nhiều lần tận mắt chứng kiến đồng đội ngã xuống. Vì nhiệm vụ công tác và bí mật khu, chỉ kịp chôn vội anh em giữa rừng rồi đi. Hết thời chống Mỹ, tôi qua chiến trường Campuchia. Cuối năm 1992, nghe tin Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quyết định quy tập hài cốt liệt sỹ công an, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở các tỉnh phía Nam và trên đất Campuchia tôi rất mừng. Năm xưa cùng “nếm mật nằm gai”, không ai bảo ai, chúng tôi đã tự hứa, người còn sẽ đi tìm người nằm xuống”.

Trung tá Ba Tấn kể lại những năm tháng đi tìm hài cốt đồng đội

Trung tá Ba Tấn sinh năm 1942 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Cha ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ, còn mẹ làm giao liên và nuôi giấu cán bộ cách mạng. 18 tuổi, Ba Tấn thoát ly gia đình, về tỉnh đoàn Cà Mau công tác. Đến năm 1961, ông chính thức rời mảnh đất Cà Mau thân yêu lên vùng rừng núi Tây Ninh. C260/1 - đơn vị bảo vệ Trung ương Cục miền Nam của ông ngày ấy toàn anh em còn trẻ, mới 18, 20 tuổi. Sống và chiến đấu với lý tưởng “chúng tôi đi không tiếc đời mình”, những người lính mới buổi sớm còn giăng võng ngồi, chia nhau bi đông đựng nước uống, đến trưa đã vĩnh viễn nằm xuống dưới mưa bom bão đạn là chuyện bình thường.

Trung tá Ba Tấn kể: “Ngày 10-10-1968, địch dùng máy bay đổ quân xuống gần căn cứ Trung ương Cục 3 tiểu đoàn liền bị quân chủ lực miền Đông đánh gây thiệt hại nặng nề. Ngày 11-6-1968, tại Trảng Xa Mát, Tiểu đội trinh sát chỉ còn tôi, các anh Kỷ, Ngọc, Thanh, Đồng, Tâm, Ba Xê. Địch điên cuồng nã pháo hòng luồn sâu vào bên trong đánh phá căn cứ Trung ương Cục. Đợi máy bay xuống tầm thấp, chúng tôi dùng AK và B40 bắn cháy 5 máy bay. Trong trận này, Thanh hy sinh”.

Trung tá Ba Tấn bảo, hồi đó ở Trung ương Cục, anh em hay gọi Đoàn 180 là “lính nhà vua” bởi “chúng tôi bảo vệ căn cứ, nơi làm việc của nhiều lãnh đạo cao cấp”. Nói rồi, ông lại cúi mặt, nhìn thật lâu tấm hình đen trắng, chỉ đây là Thành, là Thanh, Trường… Thành anh dũng hy sinh ven cánh rừng chồi sát biên giới Campuchia năm 1970. Trước đó, cuối thu 1969, để chi viện cho đơn vị bạn, trinh sát B5 băng rừng vượt suối dưới làn đại bác và rốc két, nhanh chóng tiếp cận trận địa. Quân địch thương vong vô số, tháo chạy tán loạn. Nhưng trong chiến công ấy, đồng chí Nhựt (liệt sỹ Lê Minh Nhựt, bạn thân của liệt sỹ Nguyễn Văn Thành) khựng lại và khuỵu xuống bởi một viên đạn xuyên qua ngực. “Có những đêm, tôi nằm trằn trọc mãi. Không biết sau bao năm, giờ đồng đội nằm ở đâu, làm sao tìm được để đưa anh em về với gia đình, quê hương. Cứ nghĩ đến đó, mắt tôi lại cay xè” - trung tá Ba Tấn chia sẻ.

VẸN MỘT TẤM LÒNG

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Trung tá Ba Tấn được điều động về Trung đoàn 2 Công an vũ trang. Chiến tranh biên giới nổ ra, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 688, Mặt trận 479. Năm 1985, người chỉ huy Trung đoàn thưở xưa về công tác tại Công ty lương thực Sài Gòn Satake cho đến ngày về hưu. Ai cũng nghĩ từ đây ông sẽ có những ngày an nhàn, sum vầy bên con cháu. Thế nhưng, con người trận mạc ấy đã chọn cho mình một cuộc chiến khác đầy gian nan và bi thương: đi tìm hài cốt đồng đội.

Trung tá Ba Tấn (giữa, hàng đầu) trong một chuyến đi trao nhà tình thương tại Long An

Khi Bộ Công an có chủ trương quy tập hài cốt liệt sỹ, trung tá Ba Tấn đã yếu nhiều. 18 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, những cánh rừng già đã được khai khẩn, vun xới dần trở thành đồng mía, luống khoai, cao su bạt ngàn. Trở lại chiến trường xưa, có những đợt ông cùng anh em Ban quy tập ở rừng cả tuần, ăn mì tôm, uống nước suốt. Lo sức khỏe ông, mọi người càn ràn, nói “anh Ba nghỉ ngơi đi”. Ông xua tay: “Đồng đội còn nằm dưới đất lạnh, mình nghỉ sao được”.

Bằng sự nhạy cảm và đôi tay rắn chắc của người lính, ông đào, xới khắp nơi, khi chân quá đau thì tựa vào thân cây cho vững. Cứ thế suốt từ năm 1993-2005, năm nào Trung tá Ba Tấn cũng cùng anh em Ban quy tập đi vài chuyến khắp các tỉnh/thành Nam Bộ, qua đất bạn Campuchia. Ngày ôm hài cốt liệt sỹ Thanh, liệt sỹ Thành (năm 1993) trên tay, ông bật khóc như đứa trẻ, nghẹn giọng gọi “Đồng đội ơi!”.

Trận càn Johnson City năm 1967, một toán địch đóng quân tại Bảy Bàu, trung tá Ba Tấn cùng 3 đồng chí nữa gài 4 trái mìn đánh địch. Lúc đó, đồng chí Được bị thương rất nặng. Trung tá Ba Tấn cõng đồng đội từ ngoài trảng chạy về căn cứ, máu ướt đẫm lưng áo ông. Gần tới Ngã ba Quốc tế, đồng chí Được chỉ còn nói trọ trẹ vài tiếng, tay huơ huơ mềm oặt: “Anh về tìm mẹ em, đưa cho mẹ cái đồng hồ này”. Đau đáu trước lời trăn trối ấy, sau khi tìm được hài cốt liệt sỹ Được, trung tá Ba Tấn lại lặn lội đi báo tin cho gia đình. Ông nhớ lại: “Lúc đó mẹ Được đã tám mươi mấy tuổi rồi. Bà ôm tôi khóc ngất, khản cổ gọi “Được ơi, Được hỡi”.

Hiện, Trung tá Ba Tấn là Phó ban liên lạc Đoàn 180 An ninh vũ trang. Bên cạnh hành trình đi tìm hài cốt đồng đội, ông còn kiên trì vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà tình thương, nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, học bổng, xe đạp cho con, cháu cán bộ, chiến sỹ Đoàn 180. Chỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây, Ban Liên lạc đã trao gần 80 căn nhà tại các tỉnh/thành Tây Ninh, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cần Thơ… nhằm giúp đồng đội cũ ổn định chỗ ở, an tâm làm ăn, Trung tá Ba Tấn bộc bạch: “Nhiều đồng đội vẫn còn nằm lại đâu đó trên rừng, dọc biên giới mà chúng tôi chưa tìm được. Ở tuổi xế chiều này, hễ còn chút sức là tôi còn đi tìm anh em”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang