Hòa cùng không khí cả nước sôi nổi, thành kính với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ công ơn của các thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với nước. Để hiểu hơn về công tác tìm kiếm này, Báo CATP đã tìm đến những người đồng chí, đồng đội cùng tham gia kháng chiến nay họ lại những người trực tiếp đi tìm đồng đội của mình…
“Tôi đi vì đó là mệnh lệnh từ trái tim” - Đại tá Huỳnh Minh Phụng (Tư Phụng), nguyên Cục phó Cục Công tác Chính trị (X15), nguyên Bí thư Thanh niên Cách mạng Ban An ninh Trung ương cục miền Nam đã nói như vậy về hành trình mấy mươi năm lặn lội trong các cánh rừng chiến khu D tìm kiếm hài cốt đồng đội mình năm xưa.
19 ngày và 12 người
Đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu, đi lại cũng chậm chạp hẳn, nhưng ký ức về những năm tháng làm việc cùng Ban chỉ đạo quy tập mộ liệt sỹ Bộ Công an (BCA) vẫn nguyên vẹn trong tâm khảm đại tá Tư Phụng.
Ngoài những lúc thực hiện nhiệm vụ công tác, hầu như thời gian còn lại ông đều băng rừng, lội suối trên một vùng rộng lớn của chiến trường xưa. Trong hành trình gian khó mà nặng ân tình, lần nào tìm được và đưa tro cốt đồng đội về với quê hương, vị đại tá vốn rắn rỏi, bản lĩnh ấy cũng bật khóc.
Đại tá Hùynh Minh Phụng say xưa kể lại những kỷ niệm trong việc đi tìm hài cốt
liệt sĩMỗi câu chuyện ông kể đều là những kỷ niệm khó quên, năm 1945, đồng chí Ngô Xuân Hòa (SN 1922 tại Hải Thành, Hải Lăng, Quảng Trị) tham gia cách mạng, là công an Nam Bộ, hoạt động tại chiến khu D. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm Phó trưởng Ty công an Bắc Thái rồi chuyển về cơ quan BCA đến năm 1968 thì được điều đi công tác ở chiến trường Campuchia.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bà Huỳnh Thị Thuận (vợ đồng chí Hòa) mỏi mắt chờ chồng, nhưng ông vẫn bặt vô âm tín. Bà lặn lội vào TP.HCM tìm gặp những thủ trưởng, bạn bè của chồng dò hỏi thông tin để rồi gục ngã khi biết ông đã mất tích trên đường từ Phnôm Pênh (Campuchia) về Việt Nam năm 1970. Trở ra Hà Nội, bà Thuận gõ cửa Bộ Nội vụ, lên Ty công an Bắc Thái thì nhận được giấy báo tử của chồng, không rõ ngày tháng, nơi hy sinh.
Nỗi đau mất chồng, cộng thêm việc không biết hài cốt ông đang ở đâu, có còn cơ hội tìm được mộ phần khiến bà Thuận đổ bệnh nằm liệt giường. Khi nghe tin đồng chí Bùi Thiện Ngộ, bạn cũ của chồng trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là BCA), bà Thuận liền nhờ con gái là cô giáo Ngô Thị Hảo chắp bút viết thư xin giúp đỡ tìm và đưa hài cốt liệt sỹ Hòa về quê hương.
Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ đã gửi thư an ủi gia đình bà Thuận, đồng thời gửi thư cho rất nhiều cá nhân, tổ chức liên quan chỉ đạo việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Ngô Xuân Hòa. Đại tá Tư Phụng là một trong số đó.
Sau nhiều cuộc gặp, tìm kiếm và sàng lọc mối quan hệ những năm chiến đấu của liệt sỹ Hòa, đại tá Tư Phụng được giới thiệu gặp đống chí Nguyễn Gia Đằng (Tư Cam). Ông Tư Cam cho biết trong hai năm hoạt động bên Campuchia, liệt sỹ Hòa lấy tên Năm Lực.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trưng ương Đảng (khóa VIII), Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh tiễn hài cốt liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang năm 1998
Năm 1970, Camphuchia xảy ra đảo chính, ông đã góp phần hiệu quả đưa cán bộ và bà con Việt Kiều thoát khỏi sự tàn sát của lính Lon Nol. Tối ngày 19-3-1970, đồng chí Năm Hòa nhận được chỉ thị phải rời Phnôn Pênh về căn cứ Trung ương cục (R) sáng sớm ngày 20-3-1970.
Cải trang ra đồng làm ruộng cùng người dân, đồng chí Năm Hòa đã vượt qua các chốt gác, đến chốt cuối cùng cách thị xã Kampong Cham khoảng 3km thì bị lính Lon Nol chặn lại. Sau đó chúng cho đi tiếp chừng 15m thì bất ngờ xả súng bắn sau lưng. Đồng chí Năm Hòa hy sinh trong hoàn cảnh như vậy.
Đại tá Tư Phụng bươn bả đi suốt 19 ngày, tìm gặp 12 người gồm đồng đội, đồng bào Việt Kiều, người dân Campuchia đã chôn cất liệt sỹ Ngô Xuân Hòa. Cuối cùng, ông cũng tìm thấy hài cốt liệt sỹ do người dân bên ấy chôn cất giúp. Vào thời điểm khó khăn, ngặt nghèo, hài cốt liệt sỹ được bà con gửi tạm vào chùa.
Năm 1992, tro cốt liệt sĩ Ngô Xuân Hòa được đưa về đất Mẹ, bà Thuận bật dậy, dò dẫm lần bờ tường đi tới. Không ai ngờ, sau nhiều năm bại liệt, bà lại có thể đứng tựa vào bàn thờ thắp nén nhang cho chồng.
Thiêng liêng hai tiếng “đồng đội”
Cho đến tận bây giờ, có những cuộc tìm kiếm vẫn còn ám ảnh tâm trí đại tá Tư Phụng. Chuyện về mộ phần hai liệt sĩ Nguyễn Văn Cao, Lâm Văn Hồng hy sinh trong một trận nã pháo của địch năm 1968 - 1969 là ví dụ.
Năm 1973, đại tá Tư Phụng đã cùng vài người bạn bắn bia vào gốc cây to cạnh mộ đồng đội để ghi nhớ. Trải qua 20 năm, mọi thứ đều thay đổi. Trước đây rừng rậm, có nhiều cây to, nay còn rất ít. Suốt một tuần liền, đội quy tập đào bới, quần nát khu vực mà năm xưa chính tay đại tá Tư Phụng chôn cất đồng đội nhưng không thấy gì.
Dùng rựa vạc vào thân cây bắn bia năm xưa, đại tá Tư Phụng và anh em trong đoàn nhặt được sáu viên đạn. Lật tung từng miếng đất, đào tới đào lui theo kiểu “giao thông hào” vẫn không thấy hài cốt đồng đội.
Đại tá Tư Phụng đứng giữa rừng, nghẹn giọng: “Đồng đội ơi! Tôi đến đây tìm, muốn đưa hai em về nghĩa trang cho đỡ lạnh lẽo cô quạnh, cũng là để trọn tình trọn nghĩa anh em mình. Sao không cho anh biết các em đang nằm chỗ nào? Có còn ở đây nữa không?”. Hôm ấy là chiều thứ 7. Sang ngày chủ nhật, đoàn nghỉ ngơi tại trụ sở công an huyện Tân Biên (Tây Ninh).
Trung tướng Trương Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ Công an (nay là Phó Thủ tướng thường trực chính phủ) thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Hồ Dầu Tiếng - 2007
Trong lúc căng võng dưới gốc xoài ngủ trưa, đại tá Tư Phụng gặp một giấc mơ lạ. Ông thấy mình được sống lại những năm tháng hào hùng, khuôn mặt đồng chí, đồng đội hiện lên gần gũi, thân thuộc như mới hôm qua. Cậu Bé (tức liệt sỹ Lâm Văn Hồng) đưa cho một chùm mây đã chín, đại tá Tư Phụng vừa ăn vừa phun hột mây lên người, đùa giỡn với anh em.
Tỉnh giấc, đại tá Tư Phụng sực nhớ ngay chỗ đoàn đi tìm hài cốt có một bụi mây to, trong lúc đào bới gai của nó đã vướng vào nhiều người. Như một điềm báo, ông lập tức gọi anh em đến họp, nhưng do ngày nghỉ nên mọi người tản mạn đi chơi hết.
Chỉ còn anh Năm Gấu (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm) ở lại, đại tá Tư Phùng bèn kể lại giấc mơ của mình. Vậy là hai anh em cùng ra rừng trở lại, trên đường ghé trạm biên phòng rủ thêm một số người nữa mang theo rựa, cuốc, xẻng.
Trời chập choạng tối, mấy anh em hì hục chặt khóm mây rồi nhằm chính giữa mà đào. Sau mấy nhát cuốc, một bọc nylon lộ ra. Đại tá Tư Phụng nhẹ nhàng nâng bọc hài cốt lên, cẩn thận mở ra và bật khóc nức nở khi nhìn thấy những kỷ vật của người em Lâm Văn Hồng. Hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Cao nằm bên phải, cách 0,5m. Đại tá Tư Phụng nói, ông khóc vì sung sướng khi tìm được hài cốt đồng đội và khóc vì sự linh thiêng của hai linh hồn liệt sĩ an ninh…