Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017):

Bút ký: Côn Đảo - Đất thiêng vươn mình phát triển

Thứ Tư, 26/07/2017 08:57

|

(CAO) Dù nằm giữa biển khơi, Côn Đảo vẫn là một trong những địa danh quen thuộc với hàng chục triệu người Việt và đông đảo du khách quốc tế.

Tuy không phải là một hòn đảo giàu có, sôi động từng phút, từng giây như đảo quốc Singapore; cũng không mang vẻ huyền bí như hòn đảo Okinoshima của Nhật Bản vừa được UNESCO xếp hạng là Di sản thiên nhiên thế giới, nhưng Côn Đảo có một sức hút kỳ lạ: ai chưa đến thì ước ao một lần đến, ai đến rồi ắt hẳn đều mong có ngày trở lại. Côn Đảo không chỉ là một hòn đảo!

1/ Mặc dù đã đến Côn Đảo nhiều lần, nhưng khi nhận nhiệm vụ đi công tác Côn Đảo, chúng tôi không tránh khỏi sự nôn nao, mong chờ. Kế hoạch cất cánh lúc 9 giờ 10 phút sáng nhưng chiếc máy bay loại nhỏ của VASCO đã phải nổ máy chờ đợi cả giờ đồng hồ mới nhận được lệnh cất cánh từ Trung tâm điều hành bay. Thế nhưng, sự chờ đợi không khiến chúng tôi mệt mỏi mà còn làm tăng thêm sự háo hức, mong đợi phút giây máy bay đáp xuống sân bay Cỏ Ống-Côn Đảo.

Một tiết mục trong Chương trình Cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” tại điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương-Côn Đảo - Ảnh: Tô Nguyễn

Trên máy bay, chúng tôi tình cờ gặp một đồng chí nguyên lãnh đạo Nhà nước vừa từ Hà Nội vào TP.HCM, rồi đáp máy bay về thăm lại Côn Đảo-nơi biết bao chiến sĩ, đồng chí, đồng đội đã hy sinh, tù đày lao khổ. Mặc dù hàng ghế trên cùng còn trống 2 chỗ, nhưng vị cựu lãnh đạo không muốn đổi ghế mà vẫn ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Chúng tôi còn gặp các nhà sư mang theo giỏ hoa trắng tinh khôi và mấy hộp quà xinh xắn có ghi dòng chữ “Trái cây dâng cúng cô Võ Thị Sáu”…

Về với Côn Đảo, về với vùng đất thiêng liêng trong tháng 7-tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ, mặc dù không ai nói với ai, nhưng trong tâm khảm của mỗi người đều ghi tạc công ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để đất nước có được ngày hòa bình, độc lập, ấm no như ngày hôm nay. Tôi chợt nghĩ: nếu mỗi người đều cố gắng giảm hoặc bỏ đi một chút ích kỷ của bản thân thì sẽ thấy trách nhiệm hơn, gần nhau và cảm thông, chia sẻ với nhau hơn... Đến với Côn Đảo, cái “tôi” trong mỗi người dường như nhỏ lại. Vâng! Vùng đất Côn Đảo đã, đang và sẽ còn mang lại sự đổi thay tích cực trong tâm hồn và suy nghĩ của nhiều người, nhiều thế hệ.

Côn Đảo đã từng là “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm, là nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giam cầm, tù đày hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng, nhà yêu nước.

Côn Đảo không quá rộng lớn nhưng chứa trong mình cả một kho tàng lịch sử hùng tráng của quân và dân ta, là biểu tượng của lòng yêu nước thiết tha không gì dập tắt nổi và một khát vọng hòa bình vĩ đại, một ước mơ vươn tới thật lớn lao! Cầu tàu 914 - nơi ước tính có khoảng 914 người tù đã ngã xuống trong quá trình xây dựng cầu tàu; nơi chứng kiến niềm vui tột bậc khi các chiến sĩ cách mạng bị tù đày được đón về đất liền trong ngày vui đại thắng. Cầu Ma Thiên Lãnh - nơi có khoảng 356 người tù đã ngã xuống… Từng tất đất, từng ngọn cây ở Côn Đảo đều nhuộm máu đào tươi thắm của biết bao chiến sĩ cách mạng trung kiên, anh dũng phi thường!

Đất tuy không biết nói, nhưng “hồn trong đất” của Côn Đảo có sự đồng vọng thiêng liêng!

Các chiến sĩ bộ đội nhặt rác trên bãi biển - Ảnh: Tô Nguyễn

2/ Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), Đoàn cán bộ báo chí - tuyên giáo chúng tôi được trở về với vùng đất linh thiêng Côn Đảo để thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng - liệt sĩ đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, non sông. Tại Trại giam Phú Bình, bên trong dãy hành lang dài hun hút, thiếu ánh sáng của khu E-F, chúng tôi đã tìm được căn phòng mang số 30 - nơi giam giữ người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc Trần Trọng Tân trước ngày ông thoát khỏi cảnh ngục tù.

Người tù từng bị giam cầm tại phòng số 45, dãy E-F là ông Hà Văn Hiển - phu quân của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa hôm nay cũng về thăm lại nơi mình từng bị giam cầm, đày đọa suốt một thời gian dài. Mặc dù vừa bị giãn dây chằng nhưng ông vẫn cố gắng bước nhanh về phía hai căn phòng mà ông và người đồng chí nổi tiếng của mình từng bị giam cầm. Ông xúc động cho biết: “Tôi và đồng chí Trần Trọng Tân tuy không có thời gian bị giam chung với nhau, nhưng ở Côn Đảo, hầu như người tù nào cũng biết đồng chí Hai Tân. Ông là người cộng sản kiên trung, là “giáo sư đỏ” trong nhà tù với việc nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác-Lênin”.

Khu vực gần cầu tàu 914 nay đã trở thành bãi tắm được nhiều du khách yêu thích - Ảnh: Tô Nguyễn

3/ Trở lại Côn Đảo lần này, chúng tôi cảm nhận rõ rệt sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất từng là nỗi khiếp sợ của bao người: “Côn Lôn đi dễ khó về; Già đi bỏ xác, trai về nắm xương”. Khác xa với diện mạo Côn Lôn năm xưa đầy rẫy nhà tù, dây thép gai, họng súng và cái chết, Côn Đảo ngày nay đang bừng lên sức sống từng phút, từng giờ…

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa là người đã trải qua tù đày ở Côn Đảo gần 4 năm; sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mỗi năm bà đều trở về Côn Đảo vài ba lần để thăm viếng đồng đội, đồng chí đã anh dũng hy sinh. Trao đổi với chúng tôi trong lúc chờ máy bay tại Sân bay Cỏ Ống, nói về sự đổi thay của Côn Đảo, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa xúc động cho biết: đó là sự thay đổi lớn lao bởi Côn Đảo ngày xưa chỉ có nhà tù, sự bạo quyền của kẻ thù và tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng! Ngày nay, Côn Đảo có nhiều cơ sở hạ tầng mới: đường xá rộng rãi, trường học khang trang, bệnh viện có nhiều trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, người dân xây được nhiều nhà mới, làm ăn khấm khá, thậm chí có người trở nên giàu có; Nhiều di tích được tôn tạo, bảo quản và khai thác hợp lý hơn. Cuộc sống bình yên và tràn đầy hy vọng!

Với lợi thế là hòn đảo giữa biển khơi với nhiều bãi tắm tuyệt đẹp, môi trường sạch đẹp và còn khá hoang sơ, hải sản tươi ngon… nên trong những năm gần đây, Côn Đảo ngày càng thu hút du khách tham quan, du lịch, thăm viếng cả trong nước lẫn quốc tế. Đồng chí Nguyễn Anh Nhựt - Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có sự khởi sắc, nhiều chỉ tiêu đề ra đã đạt và vượt kế hoạch.

Côn Đảo năm xưa với máu đào nhuộm thắm từng mảnh đất, ngọn cây của các anh hùng liệt sĩ, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Truyền thống anh hùng, bất khuất đó mãi mãi không bao giờ phai nhạt trong đất - trời và lòng người dân đất Việt nói chung, Côn Đảo nói riêng. Để cho Côn Đảo hôm nay khoác lên mình chiếc áo mới, với sự phát triển đi lên từng ngày, từng giờ; để chốn “địa ngục trần gian” một thời trở thành đảo ngọc thứ hai ở phía Nam-cùng với đảo Phú Quốc; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia ven biển hùng cường trong tương lai!

Côn Đảo, tháng 7-2017

Bình luận (0)

Lên đầu trang