Nơi đây, hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng kiên cường bị giặc bắt tù đày, tra tấn dã man, tàn bạo; nhưng ý chí họ như thép đã nung, càng gian khổ, khắc nghiệt càng trở nên can trường. Máu đã đổ cho Côn Đảo hôm nay đổi thay từng ngày.
Ý CHÍ KIÊN CƯỜNG GIỮA “ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN”
Giữa tháng 7-2015, chúng tôi theo chân đoàn công tác báo Công an TP.HCM đến Côn Đảo trong chuyến đi về nguồn nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Những ngày này, Côn Đảo nắng đẹp, trời xanh trong. Thi thoảng trời đổi gió mang đến những cơn mưa rào.
40 năm sau ngày giải phóng, Côn Đảo giờ thay đổi nhiều, trở thành điểm du lịch thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Đến Côn Đảo những ngày này, đoàn chúng tôi tìm đến những khu nhà lao khét tiếng với tên gọi “địa ngục trần gian”.
Đoàn công tác báo CATP tại trại giam Phú Hài-Côn Đảo - Ảnh: Nam Thành
Những dãy xà lim tối om, chật hẹp nằm khuất sau những gốc bàng cổ thụ và những bức tường ngụy trang là “chiêu thức” của địch xưa kia để che dấu hành động vi phạm nhân quyền trước công luận quốc tế.
Không ai ngờ giữa đại dương xanh bao la, sau những rặng cây ngút ngàn và những bức tường cao vượt đầu người là chốn lao ngục tra tấn những người yêu chuộng hòa bình, tự do, độc lập.
Dùi nung, cối xay lúa, lò vôi, bàn chông, hố phân bò, kìm, cưa, gậy gộc… là những thứ địch dùng để tra tấn, dìm, ngâm người tù cộng sản. Có những phòng giam rộng chỉ 1,5m, dài 3m, cao chỉ gấp rưỡi đầu người.Vào mùa hè, chúng dồn nhốt đến 20 tù nhân; họ phải chịu cảnh chồng chất lên nhau, vệ sinh tại một góc.
Những người tù bị chúng xếp vào diện “ngoan cố” còn bị chúng bắt nhịn ăn, tống xuống hầm giam chật hẹp, kín bưng, không một kẽ hở thông gió, nóng như nung, vừa kéo lê xiềng xích nặng nhọc dưới chân.
Nham hiểm hơn, chúng nuôi bò, đào hầm chứa chất thải rồi bắt người tù ngâm mình trong đó đến thối rữa thịt da… Hoặc đánh đập người tù bầm da, rách thịt rồi dồn nhốt họ vào “chuồng cọp”, lấy nước vôi được nung từ san hô mò dưới biển lên (bắt tù nhân làm), tạt vào họ.
Mặn, xót, lạnh và đau, vết thương viêm nhiễm nhiễm khiến tù nhân đau không kể xiết. Đã có hàng ngàn chiến sĩ cộng sản gục chết vì lao động kiệt sức hoặc bị cai tù đánh đập dã man. Mỗi ngày, một tù nhân chỉ được một ca nước, ai “ngoan cố” chúng cắt phần. Có khi họ phải dùng nước tiều rửa ráy.
Tù nhân nam đã khổ, tù nhân nữ cực hơn gấp vạn lần. Chị em đến tháng đành phải sống với ruồi bu, với manh áo quần rách nát vì chỉ có mỗi một bộ mà cứ phải xé dần làm vệ sinh.
Đoàn nghe hướng dẫn viên kể về những kiểu hành hạ, đàn áp tù chính trị yêu nước ở hệ thống nhà tù "chuồng cọp" kiểu Pháp ở Côn Đảo - Ảnh: Ngọc Hà
Dân số Côn Đảo thống kê đến tháng 6-2015 chỉ ngót ngét 7.000 người, vậy mà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, có tới hơn 21.000 đồng bào chiến sĩ yêu nước hy sinh tại đây.
Dù chịu nhục hình, đói khát hành hạ ngày này qua ngày khác, nhưng kẻ thù vẫn không khuất phục được ý chí của những chiến sĩ cách mạng yêu nước.
Chính trong chốn “địa ngục trần gian” ấy, những chiến sĩ cách mạng vẫn không hề mất niềm tin, họ biến nơi đây thành trường học cách mạng, là nơi rèn luyện khí tiết của mình.
Trong số những tù chính trị bị giam cầm có những tên tuổi mãi gắn với lịch sử của cách mạng Việt Nam như: Tổng bí thư Lê Hồng Phong, nhà lãnh đạo phong trào yêu nước Phan Chu Trinh, chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, liệt nữ anh hùng lực lượng vũ trang Công an nhân dân Việt Nam - Võ Thị Sáu... cùng nhiều đồng chí cộng sản kiên trung, bất khuất…
THIÊN ĐƯỜNG DU LỊCH HÔM NAY
Hơn 100 năm đô hộ của các thế lực thực dân, đế quốc; mười sáu hòn đảo của Côn Đảo giữa biển khơi xanh biêng biếc phải đè nặng trên mình: Nhà tù, tháp canh, trại lính!
Từ tháng 4-1975, Côn Đảo được giải phóng, trở về tay nhân dân. Phải biến Côn Đảo từ nhà tù chính trị thành hòn đảo trù phú. Đó là quyết tâm của người dân và cả hệ thống chính quyền.
Sau 40 năm phấn đấu, xây dựng, nhất là sau hơn 20 thực hiện công cuộc Đổi mới, Côn Đảo đã đạt được nhiều thành tựu trên con đường trở thành là thiên đường du lịch.
Từ cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào nền bao cấp hành chính trước đây, ngày nay hoạt động kinh tế đã hình thành và đang thực sự là hoạt động trọng tâm, là động lực quyết định sự tồn tại và phát triển của Côn Đảo.
Bên trong "chuồng cọp" Côn Đảo - Ảnh: Nam Thành
Côn Đảo giờ khang trang, trù phú, đẹp đẽ hơn nhờ hệ thống xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, nhà ở, các khách sạn lớn. Có khách sạn đạt chuẩn 5 sao do một doanh nhân người Anh thành lập, với trên 50 căn biệt thự có lối kiến trúc độc - lạ (chỉ bằng gỗ, tre mộc), gần 200 phòng, giá giao động từ 17 triệu đến trên 80 triệu đồng/phòng/đêm; có nhà máy nhiệt điện.
Đặc biệt hơn, Côn Đảo giờ đây chỉ có một hệ thống hành chính cấp huyện với đầy đủ hệ thống các ban ngành, ngân hàng, trường học, trạm y tế - giáo dục, điều trị bệnh miễn phí.
Thông tin liên lạc giữa đảo ngọc với mọi nơi và giữa các hòn đảo nhỏ với trung tâm được thông suốt. Việc đi lại của các tầng lớp nhân dân trên đảo từng bước được thuận lợi: bằng tàu ngầm, tàu nổi hoặc máy bay ( đến TP.HCM và Vũng Tàu).
Giờ đây, giữa biển khơi bao la của Tổ quốc, Côn Đảo trở thành hòn ngọc lộng lẫy, tươi mới, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những bãi biển trong xanh, bên những vạt rừng cây xanh ngút ngàn, hoang sơ, đầy mời gọi khám phá.
Huyện đảo Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 đảo lớn, nhỏ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách TP. Vũng Tàu 97 hải lý, cách TP.HCM một giờ đi máy bay. Năm 2011, Côn Đảo được trang du lịch uy tín thế giới của Anh - Lonely Planet bầu chọn vào top 10 hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới. Tổng doanh thu dịch vụ - du lịch của huyện Côn Đảo chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 744,5 tỷ đồng, tăng 37,82% so với cùng kỳ năm ngoái (theo báo cáo sơ kết của Huyện ủy Côn Đảo).
Một góc Côn Đảo yên bình ngày nay - Ảnh: Ngọc Anh
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030, nhằm mục tiêu xây dựng Côn Đảo đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ hệ sinh thái rừng - biển, bảo đảm an ninh - quốc phòng theo hướng phát triển hiện đại và bền vững.