(CAO) Một tổ chức gửi đơn yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) rút giấy phép nhận chìm bùn xuống biển, cấp cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, nếu không sẽ khởi kiện.
Thông tin này được ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cung cấp cho báo chí trong buổi họp báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh, diễn ra chiều 25-7.
Tại cuộc họp này, các vấn đề liên quan đến việc Bộ TNMT cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ gần 1 triệu mét khối chất nạo vét xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) được báo chí đặc biệt quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tỉnh gửi nhiều văn bản cho các Bộ ngành Trung ương; trong đó có đề cập đến vấn đề 3 nhà khoa học bị mạo danh mà báo chí phản ánh. Tỉnh cũng đề xuất nhiều giải pháp thay thế phương án nhận chìm.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, có một tổ chức gửi đơn yêu cầu Bộ TN-MT rút giấy phép nhận chìm cấp cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, nếu không sẽ khởi kiện Bộ này.
Ông Hòa cũng cho biết, việc nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu để các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân hoạt động là cần thiết. Tuy nhiên, tỉnh yêu cầu phải thận trọng, hạn chế thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường...
(CAO) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có văn bản báo cáo Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị xem xét lại một cách khách quan, toàn diện giấy phép nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất nạo vét xuống biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Tại cuộc họp báo, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Thái Dương cho biết, Tỉnh ủy cũng có nhiều công văn, văn bản gửi các cơ quan Trung ương về việc này, trong đó kiến nghị chuyển sang hình thức khác, không thực hiện nhận chìm.
“Về việc mạo danh các nhà khoa học, tỉnh đang chờ trả lời của các cơ quan Trung ương”, ông Huỳnh Thái Dương nói.
Liên quan đến việc này, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có văn bản báo cáo Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị xem xét, chỉ đạo, nghiên cứu phương án sử dụng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng làm các công trình lấn biển. Bình Thuận sẽ khảo sát, chọn và đề xuất vị trí sử dụng vật chất nạo vét để lấn biển.
Ngày 7-7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai có công văn hoả tốc gửi Bộ TN-MT kiến nghị xem xét, chỉ đạo thực hiện khẩn trương 5 nội dung liên quan đến việc thực hiện Giấy phép này.
* Trước đó, Bộ TNMT cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ gần 1 triệu mét khối chất nạo vét (bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi… thu được từ hoạt động nạo vét phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1) xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Tổng diện tích được phép nhận chìm là 30ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá 30m.
Khu vực “nhấn chìm” khá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau (8km), một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Đây là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm...
Nơi đây còn có đa dạng sinh học với hơn 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng. Theo các nhà khoa học, việc “nhấn chìm” chất nạo vét xuống vùng biển này sẽ đe dọa trực tiếp đến quần thể san hô và đa dạng sinh học nơi đây.