(CAO) Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 cho biết, một trong những nội dung trước nay chưa có trong các văn bản pháp luật là việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có cả trẻ vị thành niên.
Ngày 24-12, trong buổi hội nghị nhằm cung cấp thông tin về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết, một trong những nội dung trước nay chưa có trong các văn bản pháp luật là việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có cả trẻ vị thành niên.
Theo đó, tại Chương VI, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định, người sử dụng trái phép chất ma túy (áp dụng ngay từ lần đầu phát hiện) còn bị quản lý, giám sát trong vòng một năm.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho rằng, pháp luật hiện hành chỉ quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là không đủ sức răn đe, ngoài ra không có biện pháp quản lý nào khác.
“Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Đây sẽ là biện pháp phòng ngừa giúp họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy nữa, đồng thời phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật mà họ có thể gây ra” – Cục trưởng C04 giải thích.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 phát biểu tại hội nghị
Thông tin cụ thể hơn, Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó trưởng Phòng 2, Cục C04 cho biết, quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng nghiện ma tuý, bởi nếu sử dụng nhiều lần sẽ lệ thuộc vào ma tuý, sẽ nghiện. Thực tế cho thấy, một khi đã nghiện ma tuý sẽ rất khó cai, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kinh tế, tương lai của họ và gia đình.
Nếu có biện pháp ngăn chặn ngay từ khi bắt đầu sử dụng ma tuý thì khả năng nghiện hoặc hồi phục sẽ tốt hơn rất nhiều. Và để đạt được mục tiêu này cần phải quản lý bằng biện pháp mạnh hơn việc chỉ xử lý hành chính như hiện hành. Đồng thời, nếu có thể giảm số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy, nghĩa là giảm nguồn cầu, thì đương nhiên nguồn cung ma túy vào Việt Nam sẽ giảm theo.
Quy trình quản lý người nghiện cũng được thực hiện rất chặt chẽ. Sau khi bị xử phạt hành chính (hiện nay đang áp dụng mức phạt theo Nghị định 167 là 500 ngàn đến 1 triệu đồng, tuy nhiên Bộ Công an đang đề nghị tăng mức phạt lên 1-2 triệu đồng để tăng tính răn đe), cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã là người có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương. Tổ quản lý sẽ do công an cấp xã làm tổ trưởng, kết hợp với người có uy tín trong gia đình, dòng họ của người sử dụng trái phép chất ma túy và tổ chức chính trị xã hội (căn cứ vào nhân thân của đối tượng, ví dụ với trẻ 12-18 thì có sự tham gia của Đội Thiếu niên Tiền phong).
Nhiệm vụ của tổ quản lý là động viên, tuyên truyền, giáo dục để người sử dụng trái phép chất ma túy nhận thức ra tác hại của ma túy; đồng thời thực hiện giám sát để kịp thời phát hiện họ có tái phạm hay không. Trong thời gian bị quản lý, nếu người sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì cơ quan chức năng sẽ đưa đi xác định tình trạng nghiện.
Trường hợp cơ quan y tế kết luận bị nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị áp dụng các hình thức cai nghiện theo quy định. Trường hợp không nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị quản lý thêm một năm nữa, kể từ thời điểm có kết luận.
Ngày 19 -12 vừa qua, Công an TPHCM kiểm tra quán Beer Club Redline, phát hiện 125 ‘dân chơi’ dương tính ma túy
Giải đáp những băn khoăn về việc đưa người sử dụng trái phép chất ma tuý từ 12-18 tuổi vào trại cai nghiện, đại diện Cục C04 cho biết, quá trình soạn thảo Luật, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn vì các cháu 12 tuổi còn cần gia đình chăm sóc cả về thể chất, tinh thần.
Nhưng trên cơ sở thực tế và pháp luật quốc tế, số người nghiện ngày càng trẻ hoá, ngày càng nhiều, nếu trẻ nghiện thì việc để các cháu ở nhà sẽ không quản lý, giáo dục được nên cần phải đưa đi cai nghiện. Các trường hợp người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tương tự như người từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng sẽ có khu riêng, tách biệt (tại các cơ sở cai nghiện công lập) và thời hạn là từ đủ 6 tháng đến 12 tháng.
Trường hợp trong thời gian quản lý sau cai, người này tái nghiện thì không đưa đi cai nghiện bắt buộc mà được cho đăng ký cai nghiện tự nguyện.
Để bảo vệ tốt nhất các quyền của trẻ em, Luật đã có 1 điều riêng quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Luật cũng quy định về thời hạn quản lý sau cai: Người đã hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện, người đã hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hoàn thành việc cai nghiện hoặc chấp hành xong quyết định.
Cũng theo Trung tá Hiều, việc quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không công khai ở địa bàn cư trú, chỉ tổ công tác quản lý và gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy biết. Trong thời gian quản lý, họ vẫn được quyền sinh hoạt, học tập và làm việc như bình thường. Người nghiện trước khi bị đưa đi cai nghiện bắt buộc thì được phép chọn lựa cai nghiện tự nguyện trước bằng các hình thức phù hợp, nếu không chấp hành mới có biện pháp cao hơn.
“Đây là quy định rất nhân văn. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta phải thực hiện nghiêm để đảm bảo ANTT, lợi ích cộng đồng, nhưng cũng đảm bảo quyền lợi công dân”- đại diện cơ quan soạn thảo Luật cho biết.