(CATP) Đây là kỳ vọng đặt ra khi triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Công tác quản lý người nghiện là vấn đề khó khăn nhiều năm qua, trong khi đây là nguồn gốc nảy sinh các loại tội phạm khác, "tội phạm của tội phạm". Nếu quản lý chặt được người nghiện có thể sẽ kéo giảm các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh của kinh tế, văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến công tác phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Một trong những vấn đề đó là chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, độ tuổi sử dụng ngày càng trẻ hóa, xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp đang dần thay thế ma túy truyền thống. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán Bar, karaoke, sự kiện âm nhạc... đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Thậm chí trong bối cảnh dịch Covid-19 rất phức tạp, có thời điểm phải thực hiện giãn cách toàn xã hội, nhưng các đối tượng vẫn tổ chức, chứa chấp sử dụng ma túy. Hiện nay vẫn xuất hiện ngày càng nhiều bữa tiệc ma túy với tính chất ngày càng thác loạn của giới trẻ tại các nhà trọ, nhà cho thuê, chung cư, căn hộ cao cấp, khu nghỉ dưỡng... bất chấp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Nhiều trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự, không kiểm soát được hành vi, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông kinh hoàng, có những vụ đối tượng giết chính người thân trong gia đình mình. Để có tiền mua ma túy với nhu cầu ngày càng cao, trong khi hầu hết đều không có công ăn việc làm, điều kiện kinh tế gia đình ngày càng giảm sút, các đối tượng nghiện tất yếu sẽ phải trộm cắp, cướp giật, buôn bán, vận chuyển ma túy... Bởi vậy, người nghiện ma túy chính là nguồn gốc nảy sinh tội phạm.
Khống chế đối tượng "ngáo đá”
Theo báo cáo của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an, tính đến tháng 6-2021, cả nước có 246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trên thực tế, số người sử dụng ma tuý còn lớn hơn rất nhiều. Đây là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn, cùng với đặc điểm chỉ cách trung tâm sản xuất ma túy lớn thứ 2 thế giới là Tam Giác Vàng 700km, khiến Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ cũng như trung chuyển của các đường dây ma túy quốc tế và khu vực.
Do đó, cần phải quy định biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy để có biện pháp phòng ngừa họ tái sử dụng chất ma túy, theo dõi, giám sát để kịp thời ngăn ngừa họ vi phạm pháp luật, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và chính bản thân họ, không để họ bước chân vào con đường phạm tội. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã dành hẳn Chương IV quy định về "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy". Chương này gồm 5 điều (từ Điều 22 đến Điều 26) quy định việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy.
Những bữa tiệc ma túy được tổ chức với tính chất ngày càng thác loạn
Trong quá trình xây dựng Luật, có ý kiến đề nghị khôi phục lại Điều 199, Bộ luật hình sự năm 1999, tức là xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, việc này thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống ma túy chỉ quy định việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, những người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị quản lý 1 năm kể từ ngày có quyết định quản lý (thay vì xử phạt hành chính 500.000-1triệu đồng như trước đây). Đặc biệt, việc quản lý sẽ thực hiện ngay từ lần đầu phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ 3 trong thời hạn 6 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật xử vi phạm hành chính. Trong thời gian bị quản lý, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ được tư vấn, động viên, giáo dục, giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy để họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy; xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Đây là quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, làm tốt công tác này sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế đầu vào người nghiện cũng như các loại tội phạm.