Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021):

Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ Hai, 21/06/2021 10:18

|

(CATP) Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Công an TPHCM xin trích đăng bài viết của PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (đăng trên báo điện tử chinhphu.vn) về bước ngoặt quan trọng hình thành nền Báo chí cách mạng Việt Nam.

Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, lịch sử nhân loại chứng kiến một sự kiện có tính bước ngoặt đối với sự phát triển của thế giới: Thắng lợi vang dội của cách mạng Tháng Mười Nga mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Trên con đường đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình từ cuối năm 1917 khi Người từ Anh trở lại Pháp và sau đó tham gia Đảng xã hội Pháp. Động cơ làm báo lúc này của Người là phát biểu chính kiến của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay tại nước Pháp để đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mình. Bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc mà ngày nay chúng ta được biết là một bài luận chiến sắc sảo với tiêu đề: "Tâm địa thực dân", phê phán những luận điệu xuyên tạc của một nhà báo Pháp ở Đông Dương. Từ năm 1919, nhiều tờ báo ở Pháp, trong đó có những tờ nổi tiếng như: LHumanité, Lepopulaire, La Vie Ouvrière, Le journal purple (Báo của dân), Le cahiers du communisme (Tạp chí cộng sản), La Correspondance internationale (Thư tín quốc tế)... đã đăng nhiều bài của Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 7-1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng ở các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Morocco... lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan tuyên truyền của Hội. Số 1 ra ngày 1-4-1922. Những bài đăng trên tờ báo này đã cho thấy tài năng báo chí và văn học của Nguyễn Ái Quốc. Sau một năm phát hành tờ Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc dự định xuất bản một ấn phẩm định kỳ bằng tiếng Việt nhằm phục vụ kiều bào ta nơi đất khách. Người dự định đặt tên cho tờ báo này là Việt Nam hồn. Tờ Việt Nam hồn chưa kịp ra mắt thì Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp sang Liên Xô. Tờ Việt Nam hồn đã được các bạn của Người thực hiện. Tờ Việt Nam hồn cũng được gửi về phát hành ở Việt Nam. Từ năm 1923 đến 1924, khi học tập công tác ở Liên Xô, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc làm cộng tác viên của hãng thông tấn Liên Xô và tờ tiếng Anh: Canto Gazette - cơ quan của Quốc dân Đảng Trung Quốc.

Từ những bước tập viết những tin ngắn 4 - 5 dòng lúc đầu, chỉ vài năm sau, Người đã sử dụng thuần thục ngòi bút của mình giữa làng báo Paris, tạo nên những tác phẩm báo chí cho đến nay vẫn còn là mẫu mực. Những chủ đề khi Nguyễn Ái Quốc đề cập thời kỳ này là những vấn đề hệ trọng gắn với vận mệnh của dân tộc và đụng chạm đến nhiều nhân vật và sự kiện tầm cỡ quốc tế. Trong các tác phẩm đầu tay của mình, Người đã vận dụng nhuần nhuyễn lý luận cách mạng. Các bài báo của Người thời kỳ này đã thể hiện rõ một căn bản tri thức sâu rộng. Nguyễn Ái Quốc đã để lại nhiều bài luận chiến với ngôn từ sắc bén, lập trường vững chắc, nhiều tiểu phẩm chua cay đối dành cho kẻ thù. "Bản án chế độ thực dân Pháp" xuất bản năm 1925 là một tác phẩm lớn tố cáo đanh thép chế độ thực dân dựa trên những tư liệu đầy sức thuyết phục, có giá trị cao không những về chính trị - lý luận mà còn cả về báo chí, văn học! Nguyễn Ái Quốc là một nhà báo như vậy, khi Người chuẩn bị cho sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân Ảnh: Tư liệu

Cuối năm 1924, khi về đến Quảng Châu - Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc bắt tay ngay vào việc chuẩn bị xuất bản một tờ báo chính trị đồng thời với việc mở những lớp huấn luyện các thanh niên ưu tú đưa từ trong nước sang để làm nòng cốt cho cách mạng sau này. Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí là học trò của Người thực hiện công việc trọng đại này trên căn gác nhỏ ở khu phố buôn bán sầm uất tại trung tâm Quảng Châu. Căn gác này cũng là nơi thành lập và là trụ sở của Hội Việt Nam cách mạng. Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận và đấu tranh của tổ chức này. Báo ra hằng tuần, có khuôn khổ 19x13 cm, mỗi kỳ 2 trang, có số 4 trang. Báo có các mục: Xã luận, bình luận, diễn đàn phụ nữ, phê bình, tin tức, thơ ca, vấn đáp, trả lờibạn đọc, việc làm.

Báo in trên chất liệu giấy sáp rồi được chuyển bí mật về nước. Ở Việt Nam, các số báo Thanh niên được các cơ sở cách mạng chép tay thành nhiều bản rồi chuyền tay nhau cho các đồng chí của mình đọc và truyền đạt tới nhân dân. Số đầu của tờ Thanh niên xuất bản ngày 21-6-1925 và tiếp tục xuất bản đều đặn hằng tuần. Với gần 90 số, báo Thanh niên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử: Báo Thanh niên đảm trách nhiệm vụ cơ bản là tuyên truyền tôn chỉ và mục đích của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Thông qua những bài viết để truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin, tuyên truyền và trình bày có hệ thống một số vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, kêu gọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước ra sức đoàn kết chiến đấu giành lại độc lập dân tộc; góp phần tích cực chuẩn bị về mặt lý luận chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, việc xuất bản tờ báo Thanh niên đã mở ra một dòng báo chí mới - Báo chí cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên - báo Thanh niên xuất bản ngày 21-6-1925, đến nay đã phát triển mạnh mẽ với 600 cơ quan thông tin đại chúng gồm nhiều loại hình, ở nhiều cấp, thuộc nhiều cơ quan chủ quản, xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số, bằng nhiều ngoại ngữ, với những chức năng và nhiệm vụ hết sức đa dạng, nhắm tới nhiều loại đối tượng độc giả và sử dụng nhiều công nghệ truyền thông hiện đại. Với gần 20.000 nhà báo có bản lĩnh chính trị, có đạo đức và nghiệp vụ báo chí, Báo chí cách mạng Việt Nam là một nền báo chí kiểu mới, do Đảng Cộng sản tổ chức lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng chính trị tư tưởng. Đó là nền báo chí vừa là cơ quan ngôn luận của các tổ chức trong hệ thống chính trị vừa là diễn đàn của nhân dân. Đây thực sự là nền báo chí của nhân dân, vì lợi ích cao cả của nhân dân mà hoạt động và chịu sự giám sát của nhân dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang