
Thành phố hợp lực vững bước trên đà phát triển
TS. Đinh Thanh Nga (Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn)
"Việc công bố Thành phố Hồ Chí Minh mới - hợp nhất TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, theo tôi là một bước tiến rất táo bạo nhưng hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển vùng đô thị hiện đại. Trên góc nhìn của người làm giáo dục đại học, tôi cho rằng sự kiện này mở ra cơ hội rất lớn để các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn được kết nối, liên kết sâu hơn với các trung tâm công nghiệp - logistics - cảng biển, tạo ra chuỗi đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng khép kín, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây là điều mà lâu nay chúng ta luôn mong đợi nhưng bị rào cản bởi địa giới hành chính và phân cấp quản lý.

Khi mô hình chính quyền hai cấp đi vào hoạt động hiệu quả, các cơ chế liên thông dữ liệu, giấy phép, đăng ký ngành nghề... sẽ trở nên rõ ràng và thuận lợi hơn, giúp các trường đại học và doanh nghiệp cùng bắt tay phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tôi kỳ vọng Thành phố mới sẽ ưu tiên phát triển các khu đô thị đại học, trung tâm nghiên cứu liên vùng, hành lang khoa học công nghệ gắn với chuyển đổi số. Đặc biệt, cần có những chính sách vượt trội để thu hút nhân tài, tạo môi trường học thuật cởi mở, nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và hội nhập quốc tế. Đây là thời điểm rất cần sự đồng hành giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để đưa vùng đô thị mới này vươn lên đúng tầm một trung tâm tri thức của khu vực châu Á".
Bác sĩ Võ Thế Dzũ (Chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt, TPHCM)
"Tôi thấy sự hợp nhất mở ra cơ hội lớn để hệ thống y tế ở Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được nâng chuẩn theo mô hình hiện đại của một siêu đô thị” - bác sĩ Vũ nêu. Trước đây, bệnh viện ở các vùng ven thiếu bác sĩ chuyên khoa, thiếu thiết bị hiện đại. "Khi dữ liệu dân cư được tích hợp liên thông như mô hình quy hoạch mới, bệnh viện tuyến huyện, quận có thể chuyển viện nhanh, hỗ trợ phòng khám vệ tinh".
Bác sĩ Vũ mong đợi hệ thống quản lý hồ sơ bệnh án điện tử đồng bộ toàn Thành phố, "bệnh nhân không còn lo giấy tờ, lịch sử khám lưu trên hệ thống, bác sĩ ở tuyến trên dễ tra cứu, điều chỉnh phác đồ điều trị nhanh hơn". Ông hy vọng các chương trình đào tạo liên kết với Đại học Y Dược TPHCM và các bệnh viện tuyến trên sẽ mở rộng; hỗ trợ y tế cơ sở; đưa dịch vụ y tế chất lượng cao đến vùng ven. Việc thành lập chính quyền hai cấp còn giúp thúc đẩy phong trào y tế cộng đồng, phòng chống dịch bệnh đồng bộ, đặc biệt khi dân số lên đến hơn 14 triệu người.
Chị Vũ Thị Thu Thủy (công nhân KCN Bình Dương)
"Nghe tin thành lập TPHCM mới với hơn 14 triệu dân, tôi nghĩ đến hy vọng công việc ổn định hơn, thủ tục lao động trở nên dễ dàng", chị Hà nói. Trước đây, mỗi khi cần xác nhận tạm trú, bảo hiểm, người lao động thường phải di chuyển xa, mất ngày nghỉ. "Khi cơ chế hành chính đồng bộ, các thủ tục được giải quyết từ nơi ở, gần nhà máy, thì chúng tôi được nghỉ nhiều hơn, giảm căng thẳng".
Chị cũng hy vọng cơ hội học nghề, đào tạo tay nghề theo mô hình TPHCM được mở rộng sang Bình Dương - giúp công nhân nâng cao thu nhập, nâng cao tay nghề. "Giáo dục nghề, dạy ngoại ngữ, tin học nâng cao được triển khai bài bản, chúng tôi tự tin được tuyển dụng trong ngành công nghiệp hỗ trợ, logistics của TP mở rộng". Chị kỳ vọng hơn về cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhà trẻ, nhà văn hóa sang các vùng ven - người lao động có điều kiện sống tốt hơn.
Em Nguyễn Hương Quỳnh (Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM)
"Khi nghe TPHCM hợp nhất tạo ra mô hình siêu đô thị mang tầm khu vực, quốc tế, chúng em rất vui vì đây là cơ hội lớn để sinh viên (nhất là những sinh viên ngành công nghệ, logistics, quản trị đô thị) có thêm sân chơi thực tiễn". Em kỳ vọng Thành phố mới sẽ sớm có trung tâm ươm mầm khởi nghiệp sáng tạo, nơi sinh viên từ Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có thể kết nối. "Bảo đảm bộ máy chính quyền hai cấp có cơ chế thúc đẩy startup, liên kết trường - viện - doanh nghiệp, tạo điều kiện thực tập, tuyển dụng. Cơ sở hạ tầng số được đồng bộ giúp sinh viên dễ tiếp cận dữ liệu mở, hồ sơ hành chính dễ làm trực tuyến". Việc quản lý đô thị, quy hoạch không gian sáng tạo, giao thông thông minh phải được đặt lên hàng đầu, theo em: "Nếu TP mới thực hiện đúng trách nhiệm, sinh viên chúng em sẽ không chỉ học lý thuyết, mà còn làm dự án quy hoạch, AI, dữ liệu dân cư, tham gia thực tế ngay tại địa phương mình".
Ông Trần Văn Mười (cán bộ hưu trí P.Phú Thuận)
"Sự kiện sáng 30/6 có Tổng Bí thư Tô Lâm, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự lễ là minh chứng cho ý nghĩa lịch sử, tầm quốc gia của sự kiện". Là những cán bộ hưu trí, chúng tôi hy vọng chính quyền mới phục vụ dân nhanh hơn, tốt hơn nhờ tinh thần kỷ cương - sáng tạo - đoàn kết. Với dân số hơn 14 triệu người, việc phân cấp hợp lý giữa cấp thành phố và xã, phường, đặc khu là quan trọng. Ông kỳ vọng người cao tuổi được hưởng tiện ích tốt hơn: chăm sóc y tế tại nhà, đăng ký chính sách hưu trí, sinh hoạt văn hóa với chi phí thấp. Con cháu ông sống trong môi trường đô thị sáng tạo, xanh - sạch - đẹp - an toàn hơn. Ông mong muốn người dân được trao quyền phản ánh, giám sát chính quyền qua MTTQ, ứng dụng số: mọi khiếu nại, góp ý có thể gửi trực tuyến nhanh và được giải quyết sớm, rõ.
Ông Nguyễn Văn Hòa (37 tuổi, cư dân đặc khu Côn Đảo)
"Tôi sinh ra và lớn lên ở Côn Đảo, cuộc sống gắn liền với hòn đảo này. Những năm gần đây, Côn Đảo thay đổi rất nhiều, nhưng vẫn còn hạn chế về hạ tầng, dịch vụ công và kết nối với đất liền. Khi nghe tin Côn Đảo sẽ trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh mới trong mô hình chính quyền hai cấp, tôi rất mừng vì đây là cơ hội lớn để huyện đảo được hưởng lợi nhiều hơn từ một đô thị hiện đại, năng động và có tiềm lực mạnh mẽ như TPHCM. Nếu chính quyền cấp xã và cấp thành phố phối hợp linh hoạt, đồng bộ, tôi tin việc giải quyết hồ sơ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Tôi cũng mong muốn y tế ở đảo được đầu tư mạnh hơn, có thêm bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại để người dân không phải vượt biển vào đất liền chữa bệnh. Về lâu dài, nếu giao thông hàng hải, hàng không, hạ tầng số được phát triển đúng hướng, Côn Đảo sẽ không còn là "huyện đảo xa xôi" mà thực sự là một phần kết nối hữu cơ của Thành phố mới. Chúng tôi chỉ mong rằng, trong sự phát triển đó, bản sắc của đảo, rừng và biển vẫn được giữ gìn, để thế hệ con cháu sau này có thể tự hào về nơi mình sinh ra".
Anh Nguyễn Thanh Hữu (ngụ P.Thới An, Quận 12)
"Tôi ngụ Q12 mấy chục năm nay, chứng kiến thành phố mình đổi thay từng ngày. Khi nghe tin chính thức thành lập Thành phố Hồ Chí Minh mới, tôi vừa mừng, vừa kỳ vọng. Mừng vì Thành phố giờ đã lớn mạnh, có thêm Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng phát triển. Kỳ vọng vì người dân như tôi sẽ được hưởng nhiều chính sách thuận tiện hơn, đặc biệt là trong buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ.
Nếu chính quyền hai cấp hoạt động trơn tru, tôi mong rằng sẽ có một cơ chế rõ ràng để giúp những người dân như chúng tôi đỡ vất vả hơn, không còn phải lên phường, xuống quận nhiều lần như trước. Bên cạnh đó, tôi mong Thành phố mới sẽ quan tâm nhiều hơn đến người dân, phải thực sự là chính quyền gần dân, hiểu dân và lắng nghe ý kiến Nhân dân. Như thế thì dù Thành phố có rộng lớn đến đâu, người dân vẫn thấy mình được quan tâm và đồng hành".
Có thể nói, việc ghi nhận được những ý kiến phản ánh đa dạng, kỳ vọng từ các tầng lớp: giáo dục, y tế, lao động, sinh viên và người cao tuổi - đều kỳ vọng mô hình chính quyền hai cấp dẫn đến quản trị đô thị, phát triển xã hội và phục vụ Nhân dân hiệu quả hơn, cho thấy tín hiệu tích cực của một hướng đi mới mà Đảng và Chính phủ mang lại cho Nhân dân Thành phố.
HẠ VY - QUỐC NAM - BẢO TRÂN - QUỲNH HƯƠNG