Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT (sửa đổi): Trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7

Thứ Năm, 13/06/2024 14:48  | Thanh Hòa

|

(CAO) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và đến nay cơ bản bảo đảm trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Tại Phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 13/6, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VKVLN&CCHT) (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo, cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; cơ bản đảm bảo trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Tại phiên họp, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng VKVLN&CCHT (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về nội dung này.

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, qua ý kiến của các đại biểu, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng VKVLN&CCHT (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường; cơ bản nhất trí với dự thảo, cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là luật khó, tuy sửa không nhiều nhưng nội dung rất khó để thiết kế trong kỹ thuật lập pháp. Mặc dù Luật được thông qua theo quy trình một kỳ họp, nhưng Chính phủ cũng đã chỉ đạo chuẩn bị nghiên cứu kỹ lưỡng, vì liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và đến nay cơ bản bảo đảm trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Về quy định dao có tính sát thương cao cơ bản phù hợp, tuy nhiên cần rà soát để quy định thật cụ thể trong dự thảo luật. Đối với quy định về nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ để thống nhất, đồng bộ kể cả nội dung và thời gian áp dụng, thời gian có hiệu lực của luật đối với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu

Các quy định về khai báo vũ khí thô sơ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát về đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ; thống nhất đưa đối tượng cảnh sát biển vào dự thảo luật, vừa đảm bảo phù hợp với Luật Quốc phòng và Luật Cảnh sát biển...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giao Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan rà soát về nội dung về dao có tính sát thương cao để bảo đảm thống nhất với Bộ Luật Hình sự.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền những nội dung mới của luật; đánh giá kỹ tác động; hoàn chỉnh báo cáo tiếp thu, giải trình có tính thuyết phục; tuyên truyền tốt cả nội dung cũng như quá trình xây dựng luật về quá trình tiếp thu chỉnh lý để tăng sự đồng thuận của người dân liên quan đến quy định dao có tính sát thương cao và công tác quản lý và khai báo.

Sau phiên họp này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp; phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các cơ quan làm rõ những vấn đề liên quan đến Bộ luật Hình sự và hoàn thiện dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình bảo đảm khách quan, có tính thuyết phục cao và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản, gửi đại biểu Quốc hội theo quy định để trình Quốc hội thông qua tại cuối Kỳ họp thứ 7.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng VKVLN&CCHT (sửa đổi). Đã có 155 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó có 134 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ và 21 ý kiến phát biểu tại Hội trường).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN); cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.

Trước đó, tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã báo cáo về một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng VKVLN&CCHT (sửa đổi) liên quan đến quy định dao có tính sát thương cao (khoản 5a Điều 3); Về giải thích từ ngữ “vũ khí quân dụng” (khoản 2 Điều 3); Về giải thích từ ngữ “vũ khí thô sơ” (khoản 4 Điều 3); Về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật (Điều 15); Về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao (Điều 18); nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp (Điều 35); nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa công cụ hỗ trợ (Điều 50); Về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng (Điều 19); đối tượng được trang bị vũ khí thể thao (Điều 25); đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ (Điều 53)...

Bình luận (0)

Lên đầu trang