Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2024

Thứ Hai, 01/01/2024 12:06

|

(CATP) Từ ngày 01/01/2024 là thời điểm có hiệu lực của 3 luật gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB); Luật Đấu thầu và Luật thi đua, khen thưởng; cùng hàng loạt các chính sách khác liên quan đến đời sống của người dân sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023

Luật KBCB được Quốc hội thông qua ngày 09/01/2023, gồm 12 chương và 121 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024. Luật này bổ sung nhiều nội dung, trong đó quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng KBCB theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả lên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động KBCB để làm căn cứ cho việc đánh giá, công khai thông tin về chất lượng của các cơ sở KBCB. Luật cũng bổ sung nội dung người khuyết tật đặc biệt nặng và sửa điều kiện về tuổi của người bệnh được ưu tiên KBCB từ đủ 75 tuổi trở lên đến từ đủ 80 tuổi trở lên.

Luật đấu thầu năm 2023

Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, gồm 10 chương, 96 điều. Các điểm mới đáng chú ý tại đây là sửa đổi tiêu chí xác định tư cách nhà thầu, nhà đầu tư và bổ sung các tiêu chí về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư. Luật này đã rút ngắn thời hạn hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu từ không quá 20 ngày xuống còn 14 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt...

Áp dụng chính sách mới về đăng ký thường trú, tạm trú (ảnh minh họa)

Luật thi đua, khen thưởng 2022

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 chương, 96 điều; có 8 nhóm điểm mới chủ yếu, gồm: thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng "tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích" trước đây; đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ

Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2024. Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 phát hành riêng lẻ (PHRL) trái phiếu Chính phủ như sau: PHRL là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ cho đối tượng mua. Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Ngoài ra, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 22 về trái phiếu ngoại tệ.

Áp dụng chính sách mới nhất về đăng ký thường trú, tạm trú

Thông tư 66/2023/TT-BCA có hiệu lực từ 01/01/2024 sửa đổi hồ sơ phải nộp khi giải quyết các thủ tục về cư trú, trong đó có đăng ký thường trú. Với trường hợp tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp, người dân có thể nộp bản sao giấy tờ được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc hoặc bản chụp, bản quét kèm theo bản chính để đối chiếu. Ngoài ra, người dân có thể khai báo thông tin theo biểu mẫu điện tử được cung cấp sẵn, đăng tải bản quét/bản chụp giấy tờ hợp lệ (không yêu cầu công chứng/chứng thực)/dẫn nguồn tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử) và nộp lệ phí. Thông tư 66 cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với giấy tờ đính kèm khi đăng ký cư trú online, đó là bản quét/bản chụp giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng bằng điện thoại, máy ảnh... phải rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung. Nếu là giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định trừ trường hợp được miễn.

Mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM

Ngày 19/9/2023, HĐND TPHCM khóa X đã thông qua Nghị quyết 15/2023/NQ-HĐND về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn, với mức phí từ 20.000 - 350.000 đồng/m2/tháng. Theo đó, mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 50.000 - 350.000/m2/tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng tùy theo khu vực. Về cách tính thời gian thuê, nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một tháng tính nửa tháng; từ 15 ngày trở lên trong một tháng sẽ tính 1 tháng.

Mức phí được áp dụng theo giá đất bình quân tại 5 khu vực: khu vực 1 gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A - Khu đô thị mới Nam TP, Khu đô thị mới Thủ Thiêm; khu vực 2 gồm quận 2 (nay thuộc TP.Thủ Đức, trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, quận 7 (trừ Khu A - Khu Đô thị mới Nam TP), quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân; khu vực 3 gồm quận 8, quận 9 (nay thuộc TP.Thủ Đức), quận 12, quận Thủ Đức (nay thuộc TP.Thủ Đức), Tân Phú, Gò Vấp; khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi; khu vực 5 gồm huyện Cần Giờ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang