(CATP) Những năm gần đây, TP.Hồ Chí Minh đã tiến những bước dài trên con đường phát triển, đặc biệt về thương mại, dịch vụ với các trung tâm thương mại, siêu thị, cao ốc văn phòng, siêu thị, dịch vụ tài chính... Những công trình trọng điểm như đại lộ Đông - Tây và đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, cầu Phú Mỹ, đường Vành đai phía Đông TP nối cầu Phú Mỹ với Vành đai 2, nút giao thông Mỹ Thủy, An Sương, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên... tạo nên thay đổi lớn về hạ tầng TP, kéo theo sự phát triển các khu đô thị.
Ngỡ ngàng vùng đất phía Đông
Nhắc tới Q2, Q9, Q.Thủ Đức, đặc biệt là Q2 ắt hẳn trong ký ức người dân TPHCM vẫn còn nhớ như in hình ảnh những vùng bưng trũng ngập nước, nhiễm phèn nặng. Gần 20 năm thành lập, nhưng vài năm trước đây khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn là vùng đất có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiếu, yếu. Nhiều nơi người dân vẫn thiếu điện, nước, trường học, cơ sở văn hóa, thể thao... Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây vùng đất này đổi thay từng ngày bởi những dự án trọng điểm như đại lộ Đông - Tây (nay mang tên đường Mai Chí Thọ), hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đường Liên tỉnh lộ 25B (nay là Đồng Văn Cống), xa lộ Hà Nội giai đoạn 2, Nút giao thông Cát Lái...
Bên cạnh đó, Q2 còn sở hữu hàng loạt các cây cầu có vị trí chiến lược không chỉ giảm ùn tắc mà còn rút ngắn thời gian đi các khu vực trọng điểm trong thành phố, đồng thời là cầu nối giao thông giữa đường bộ và đường thủy. Trong tương lai, ngoài cầu Sài Gòn 1 và 2 nối Q.Bình Thạnh - Q2, cầu Phú Mỹ nối Q7 - Q2 và cầu Rạch Chiếc nối Q9 - Q2 thì riêng Thủ Thiêm đã có đến 5 cây cầu: cầu Thủ Thiêm 1 và 2, cầu đi bộ Q1 - Q2, Q4 - Q2 và Q7 - Q2. Các tuyến đường Trần Não, Nguyễn Thị Định, cầu Giồng Ông Tố, đường Liên phường Bình Trưng Đông - Bình Trưng Tây - Cát Lái cũng được nâng cấp, mở rộng.
Một góc trung tâm TPHCM nhìn từ trên cao. Ảnh: TTO
Nhắc đến những thay đổi tại Q2, người dân TP có thể vẫn chưa quên những năm tháng cả TP ngóng chờ tin vui của hầm Thủ Thiêm. Được biết, đường hầm dìm vượt sông Sài Gòn nối hai đầu của đại lộ Đông - Tây này chính là tiền đề để Q2 phát triển như ngày nay. Để xây dựng thành công hầm vượt sông Sài Gòn, các kỹ sư Nhật Bản cùng phối hợp với kỹ sư, công nhân kỹ thuật Việt Nam, áp dụng thành công kỹ thuật lai dắt các đốt hầm từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến địa điểm hầm dìm một khoảng cách lên tới 30km theo đường sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Đây là một trong những tiền đề để lãnh đạo UBND TPHCM đưa ra ý tưởng xây dựng khu Đông của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo, trở thành hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Được biết, Khu đô thị sáng tạo phía Đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (Q9), Đại học Quốc gia TPHCM (Q.Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q2). Theo phương án quy hoạch của Công ty Sasaki - enCity - đơn vị được UBND TPHCM chấm giải Nhất - Khu đô thị sáng tạo phía Đông (22.000ha thuộc Q2, Q9 và Q.Thủ Đức) gồm 6 khu vực trọng điểm: Công nghệ cao, Đại học quốc gia, Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Tam Đa và Trường Thọ với mỗi khu có mỗi chức năng khác nhau.
Tạo tiền đề cho sự phát triển
Nhắc đến sự đổi thay của TP, không thể không nói tới dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên với chiều dài 19,7km gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao với 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) được khởi công xây dựng từ tháng 8-2012.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, đến đầu tháng 8-2020, tiến độ thi công tuyến metro số 1 đã đạt 74,59% và phấn đấu đạt 85% trong năm 2020. Trong đó, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố), đạt 72,8%. Gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son) lũy kế khối lượng thực hiện đạt 85,9%. Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) khối lượng thực hiện đạt 84,99%. Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 58,4%.
Ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son cũng đang được triển khai đúng kế hoạch dưới sự giám sát chặt chẽ Ban Quản lý cùng nhà thầu Hitachi. Các khu vực như nhà ga đón khách, khu bảo dưỡng tàu, khu rửa tàu, nhà điều hành... cũng đang khẩn trương thi công, đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến khi đưa vào khai thác vào cuối năm 2021, công trình này sẽ tạo ra một diện mạo mới cho TPHCM với những hệ thống đường sắt đô thị trong tương lai.
Với sự thành công bước đầu trong quá trình thi công đoạn hầm từ ga Bến Thành đến ga Ba Son, Việt Nam đã được tiếp cận với công nghệ đào đường hầm metro bằng máy TBM - một công nghệ hiện đại tiên tiến nhất hiện nay và sẽ tạo tiền đề để chuẩn bị cho tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) khi hầu hết tuyến này đều phải đi ngầm và phải áp dụng công nghệ khoan định hướng dẫn ống HDD New Zealand.
Khác với công nghệ đào hở truyền thống, công nghệ khoan định hướng có nhiều ưu điểm như không phải đào đường, không nâng hoặc hạ đường, không tạo ra lô cốt gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân hai mặt phố, không gây ô nhiễm môi trường...
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM:
Tiến trình đô thị hóa không chỉ diễn ra trong một quốc gia mà cả trên phạm vi toàn cầu và có tính quy luật phổ biến, đi đôi với xu thế điều chỉnh theo hướng phát triển đô thị nén, đô thị sinh thái - đô thị vườn, đô thị thông minh, sử dụng vật liệu, năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, đi đôi với đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn. Tư tưởng chủ đạo là phát triển đô thị mật độ cao, đô thị nén, dành nhiều quỹ đất để phát triển không gian xanh, sử dụng những thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, đa dạng hóa công năng sử dụng đất, hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng và dành nhiều không gian cho người đi bộ...