Kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2021):

Những người lính khoác áo blouse trắng: Cứu mạng bệnh nhân là trên hết

Thứ Bảy, 27/02/2021 10:41

|

(CATP) Vừa nhìn thấy vết thương của bệnh nhân vào cấp cứu, TS-BS Trương Nguyễn Hoài Linh - Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM - nhanh chóng yêu cầu đưa người bệnh vào ngay phòng mổ, mở lồng ngực và tìm thấy vết thương lớn 2cm ở vùng tam giác tim. Đây là "cuộc chiến" chống "tử thần" được các bác sĩ khẩn trương tiến hành khi tính mạng bệnh nhân đang nguy kịch, mà không nề hà chuyện thủ tục hành chính ban đầu.

BỎ QUA THỦ TỤC...

Đó chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện mà trong năm qua Bệnh viện (BV) Thống Nhất TPHCM gặp phải, với tư cách là một trong những BV tuyến đầu của TPHCM. Nhớ lại khoảnh khắc quyết định để cứu mạng bệnh nhân N.V.H (39 tuổi) bị thủng tim, BS Hoài Linh chia sẻ: "Lúc đó hơn 1 giờ sáng chủ nhật, 18-10. Tôi đang trực đêm thì nhận được báo động từ phòng cấp cứu. Một nam bệnh nhân nhập viện với vết thương trên ngực, mạch, huyết áp không đo được. Bác sĩ cấp cứu nghi ngờ có chấn thương tim nên gọi cho tôi. Mọi thứ diễn ra sau cuộc gọi đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Với kinh nghiệm xử trí nhiều trường hợp vỡ tim, thủng tim, tôi nhìn vào vết thương của bệnh nhân ngay vùng tam giác tim, cộng với tình trạng huyết áp, mạch... không đo được của bệnh nhân thì đoán chắc 90% là bị thủng tim rồi".

PGS-TS-BS Lê Đình Thanh - Giám đốc BV Thống Nhất

Quyết định bỏ qua các bước xét nghiệm, chụp phim của BS Linh được xem là nguyên nhân chính giúp cứu mạng bệnh nhân H. Khi vào phòng mổ, tâm thất phải của bệnh nhân đúng là có lỗ thủng lớn 2cm, máu tuôn ra liên tục khắp xoang màng tim. Lúc này tim bệnh nhân gần như đã ngưng đập. "Chỉ cần chậm vài phút hay đưa bệnh nhân đi chụp phim là bệnh nhân sẽ chết não nên cứu mạng bệnh nhân là trên hết. Trước ca mổ, ê-kíp chỉ kịp lấy mẫu máu để kiểm tra nhóm máu và HIV. Tất nhiên bỏ qua mọi thủ tục thì BS cũng phải có những biện pháp đề phòng kỹ càng. Lao vào mổ rồi thì kết quả mẫu máu chuyển về cho thấy bệnh nhân dương tính với HIV, nhưng do đã dự phòng trước nên không sao hết", BS Hoài Linh kể lại.

Sau ca mổ kéo dài gần 3 giờ cộng với việc sử dụng 4-5 đường truyền máu, bệnh nhân H. lập tức qua cơn nguy kịch và nhanh chóng hồi phục. Với nhiều cải tiến đồng bộ trong quy trình tiếp nhận các ca cấp cứu như trường hợp thủng tim của bệnh nhân H., các trường hợp đột quỵ, cần can thiệp thần kinh... BV Thống Nhất đã cứu sống ngoạn mục nhiều bệnh nhân.

Một ví dụ khác của việc cải tiến quy trình cấp cứu là trường hợp của bệnh nhân A. (66 tuổi) được đưa đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu khi tim đã ngừng đập 15 phút, mạch và huyết áp bằng 0. BS Nguyễn Đức Tới - Phó trưởng khoa Cấp cứu - vẫn còn nhớ như in ca bệnh này khi tiếp nhận bệnh nhân đúng vào 12 giờ một đêm giữa tháng 9-2020.

Trung tâm lọc máu hiện đại với quy trình đạt chuẩn ISO 1900 : 2015

Khi tiếp nhận, người nhà chỉ cho biết bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành mạn tính nhưng có lúc điều trị, lúc bỏ nửa chừng. Nghi ngờ ông A. bị ngưng tim, ngưng thở do nhồi máu cơ tim cấp, kíp trực nhanh chóng kích hoạt báo động đỏ nội viện, hồi sức tim phổi bệnh nhân tại chỗ. Chỉ trong vòng ít phút, các bác sĩ, điều dưỡng đã có mặt đầy đủ để tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy, nhồi ép tim, truyền thuốc vận mạch... Tuy vậy, suốt 30 phút trôi qua, các dấu hiệu sinh tồn trên màn hình vẫn chỉ là một đường thẳng.

"Tưởng chừng đã hết hy vọng khi bệnh nhân đã ngưng tim hơn 45 phút thì đột nhiên màn hình sinh hiệu xuất hiện những nhịp tim rời rạc rồi rối loạn nghiêm trọng. Lúc này, chúng tôi nhanh chóng ra quyết định sốc điện chuyển nhịp tim kết hợp dùng thuốc điều trị loạn nhịp. Sau rất nhiều lần sốc điện, tim bệnh nhân bắt đầu đập lại, có huyết áp nhưng thấp. Tiếp tục đo điện tâm đồ thì xác định đây là cơn nhồi máu cơ tim cấp nên kích hoạt hệ thống can thiệp tim mạch. Cùng lúc ê kip can thiệp tim sẵn sàng chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân" - BS Tới kể lại.

Còn PGS-TS-BS Nguyễn Văn Tân - Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp - thì cho biết lúc ấy người bệnh đã có các dấu hiệu sinh tồn song hai bên đồng tử giãn 6mm, mất hoàn toàn phản xạ ánh sáng. Bệnh nhân có nguy cơ phù não, chết não. Nếu như vậy, việc can thiệp cứu được tim không còn ý nghĩa. Sau khi tiến hành các xét nghiệm tìm ra nguyên nhân, ê-kíp can thiệp tim tiến hành đặt stent tái thông nhánh mạch vành bị tắc, phục hồi cung cấp máu vùng cơ tim nhằm hạn chế tổn thương đang tiến triển. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức nâng cao, thở máy kết hợp điều trị nội khoa. Khoảng hai giờ sau can thiệp, người đàn ông tỉnh lại ngoạn mục, cử động nhẹ được ngón tay.

BV Thống Nhất nhận giải thưởng Tiêu chuẩn vàng Quốc tế Golden Angels Award của Tổ chức Đột quỵ Thế giới

NHỮNG BƯỚC CHUYỂN MÌNH

Trong năm 2020, BV Thống Nhất cũng đã được vinh danh với nhiều giải thưởng, thành tựu đáng kể. Trong đó, có thể nói đến việc đón nhận giải thưởng Tiêu chuẩn vàng Quốc tế Golden Angels Award của Tổ chức Đột quỵ Thế giới dành cho những kết quả mà BV không ngừng phấn đấu, đạt được trong việc nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân đột quỵ suốt hơn 2 năm.

Theo PGS-TS-BS Lê Đình Thanh - Giám đốc BV Thống Nhất, bệnh đột quỵ là một trong những căn bệnh nan y, gây nên hậu quả nặng nề cho sức khỏe bản thân người bệnh và có nguy cơ tử vong rất cao, là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội nếu không được điều trị sớm và đúng cách. Để đạt được tiêu chuẩn vàng này, BV Thống Nhất đã liên tiếp đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, cử nhiều bác sĩ đi đào tạo trong và ngoài nước, tăng cường phối hợp với các BV bạn và giữa các khoa trong BV. Điều này đã góp phần làm thời gian xử lý cấp cứu, chẩn đoán và điều trị ngày càng rút ngắn với tỉ lệ bệnh nhân được điều trị phục hồi tốt trong khung giờ vàng ngày một tăng.

Bệnh nhân ngưng tim 45 phút được các y - bác sĩ BV Thống Nhất cứu sống, hồi phục thần kỳ

BS CKII Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh, BV Thống Nhất - chia sẻ, 2 điểm nổi bật nhất trong quy trình được cải tiến của BV Thống Nhất là rút ngắn thời gian cửa - kim và thời gian can thiệp nội mạch. Trong đó, thời gian cửa - kim (door to needle) ở đây chính là thời gian từ lúc bệnh nhân đi vào cửa phòng cấp cứu cho đến lúc được tiêm thuốc tiêu sợi huyết. Việc rút ngắn thời gian cửa - kim được đầu tư kỹ lưỡng nhất, với tiêu chuẩn là dưới 60 phút. Trong số những bệnh nhân đột quỵ được đưa vào cấp cứu tại BV Thống Nhất, có đến 57% trường hợp thời gian cửa - kim chỉ còn 45 phút. Để giảm bớt tối đa thời gian, bác sĩ đã tiêm cho các bệnh nhân ngay tại bàn CT.

PGS Lê Đình Thanh cho biết, sắp tới BV sẽ đầu tư thêm một hệ thống phối hợp giữa hệ thống chụp CT và hệ thống chụp - can thiệp mạch máu (DSA) giúp rút ngắn hơn nữa thời gian chẩn đoán và can thiệp đột quỵ - yếu tố tiên quyết để cứu sống bệnh nhân cũng như giảm nguy cơ di chứng. Ngoài thành tựu nói trên, năm 2020, BV Thống Nhất còn đưa vào hoạt động Trung tâm lọc máu kỹ thuật cao hiện đại nhất Việt Nam. Với hệ thống trang thiết bị mới nhất gồm 20 máy thận nhân tạo, hệ thống xử lý nước R.O thế hệ mới và hệ thống lọc trung tâm theo quy trình khép kín, Trung tâm lọc máu đã nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu của các bệnh nhân chạy thận, lọc máu nặng và phức tạp.

BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu - cho biết, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận trên 200 trường hợp bệnh lý thận, lọc máu. Bệnh nhân được chuyển đến từ nhiều bệnh viện trong thành phố và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, cơ sở vật chất và máy móc không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị, phải vận hành hết công suất. Vì vậy, Trung tâm lọc máy kỹ thuật cao với hệ thống 20 máy lọc thận nhân tạo hiện đại, năng suất tối đa 50-60 lượt chạy mỗi ngày, sẽ nâng tổng lượt chạy thận lên 250 ca mỗi ngày, giải quyết được tình trạng bệnh nhân luôn quá tải.

Theo quan sát, Trung tâm lọc máu chất lượng cao với chiều rộng khoảng 60m2, không gian thiết kế hiện đại. Tất cả các giường bệnh đều được thay thế bằng ghế nệm, có thể điều chỉnh bằng remote để người bệnh thoải mái dựng thẳng lưng ghế hoặc nằm duỗi chân trong suốt 4 giờ lọc máu.

Khẩu trang "nhà làm" của BV Thống Nhất

Tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Thống Nhất TPHCM) hiện có một "xưởng" sản xuất khẩu trang kháng khuẩn. "Xưởng" này là ý tưởng của các y - bác sĩ BV Thống Nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng. Tai đây, các BS tại BV đã liên tục tự sản xuất ra khẩu trang nhằm phục vụ nhu cầu của BV.

Tất cả khẩu trang được "sản xuất" đều được các bác sĩ tự tay vẽ mẫu, lên khuôn tạo hình, cắt dập và may thành phẩm. Tính từ tháng 4-2020, đã có hàng ngàn chiếc khẩu trang "nhà làm" như thế được ra đời tại BV Thống Nhất, được chính các bác sĩ trong bệnh viện sử dụng và tặng miễn cho các bệnh nhân.

Theo BSCKII Nguyễn Vĩnh Phước (Trưởng khoa Tai mũi họng), người đã đưa ra sáng kiến làm khẩu trang ngay tại BV: "Để tạo thành khuôn chuẩn cho khẩu trang, chúng tôi phải tìm và đọc rất nhiều tài liệu liên quan. Thực tế cho thấy, làm khẩu trang không khó nhưng việc phải làm số lượng lớn, mỗi lần cắt mẫu, dập khuôn nhiều sản phẩm trong thời gian ngắn nhất mới khó”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang