Khi Nguyễn Sinh Cung (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở nhỏ) sinh ra đời thì đất nước ta đã mất về tay thực dân Pháp gần 1/3 thế kỷ.
10 tuổi người thiếu niên Nguyễn Tất Thành (tên sau của Nguyễn Sinh Cung) đã nhận biết sự thất bại của các phong trào kháng chiến chống Pháp xâm lược với các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, bất chấp lệnh bãi binh (thực chất là đầu hàng) của triều đình Nhà Nguyễn : Các cuộc kháng chiến của Trương Định, Nguyển Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân…, rồi phong trào Cần Vương với vua Hàm Nghi (1885-1888), Phan Đình Phùng (1893)…đều bị đàn áp.
15 - 18 tuổi, Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào Duy Tân khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời chứng kiến thái độ hai mặt của nước Nhật tư bản chủ nghỉa đối với phong trào Đông Du (1904-1908) của nhà chí sĩ Phan Bội Châu, việc mở trường học bồi dưỡng dân trí Đông Kinh Nghĩa thục của các nhà Nho mới Lương Văn Can, Nguyễn Quyền cũng bị cấm đoán. Cuộc vận động Duy Tân của nhà nho tân tiến Phan Châu Trinh kết thúc với nhiều án tử hình cho Trần Quý Cáp và những nhà yêu nước của phong trào…Chủ trương “khai dân trí. chấn dân khí, hậu dân sinh” của các vị bị dìm trong biển máu…(1906-1908). Cuộc nổi dậy của Hoàng Hoa Thám ở Bắc Giang-Thái Nguyên (1895) sau gần 20 năm chiến đấu, đang gặp khó khăn…(vài năm sau thì tan rã).
Dù thừa hưởng truyền thống yêu nước, trọng nghĩa, kiên cường của gia đình, người thanh niên Nguyễn Tất Thành không khỏi xao xuyến trước vận nước, mà bao nhiêu cuộc đấu tranh vì nước, vì dân đều lần lượt thất bại.
20 tuổi Nguyễn Tất Thành tốt nghiệp tiểu học, gia cảnh lại gặp nhiều bất hạnh : mẹ mất sớm từ năm anh 10 tuổi; cha nhậm chức ở xa, anh phải sống dựa vào thân thuộc nội, ngoại, hoặc thầy dạy học …; tất cả những nghịch cảnh riêng tư cộng với sự thất thế của các phong trào yêu nước, đối với bất cứ người thanh niên nào đều có thể dẫn đến chỗ thối chí, ngã lòng, triệt tiêu hoài bão tuổi trẻ.
Thế nhưng Nguyễn Tất Thành đã một quyết định khác thường : anh không theo cha về Huế chờ cấp trên định đoạt số phận (năm 1910 Cụ Nguyễn Sinh Sắc bị cách chức, điều về kinh đô Huế chờ xử trí); Nguyễn Tất Thành đi về phương Nam, đến Phan Thiết, dạy học ở trường Dục Thanh một thời gian ngắn trước khi vào Sài Gòn.
Động cơ nào đã thúc đẩy Nguyễn Tất Thành quyết định như vậy ?
Sau này câu chuyện được kể lại :
“…Anh đi vào xóm thợ, làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ hay học nghề ở trường Kỹ nghệ thực hành (École pratique d’industrie), Trường đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn (École des mécaniciens asiatiques de Saigon); anh cũng làm quen với những hiệu giặt là ở gần cảng Nhà Rồng, chuyên nhận giặt quần áo cho các thủy thủ trên tàu của Pháp để xin việc làm trên tàu : Anh đang tìm cách thực hiện những chuyến đi xa.
“Nghĩ đến cuộc hành trình lênh đênh trên biển hàng vạn dặm, anh không khỏi băn khoăn. Anh quyết định bộc lộ tâm trạng của mình với một người bạn :
“Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm…Anh muốn đi với tôi không ?
Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền để đi? Đây, tiền đây…Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi.
Nguyễn Tất Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay của mình, một cách tự tin và kiên quyết.”
(Trần Dân Tiên : Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, NXB CTQG, Hà Nội, 2005, trang 14-15).
Như vậy bối cảnh thập niên đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đang có nhiều biến động :
Chế độ quân chủ (cụ thể là triều đình Nhà Nguyễn) đang ở vào thời kỳ suy tàn; triết lý Khổng Mạnh không còn có thể cứu vãn sự sụp đổ tất yếu của chế độ quân chủ lỗi thời, mặc dù lịch sử dân tộc vẫn có nhiều anh hùng, liệt sĩ, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa giải phóng dân tộc.
Trong cuộc giao thoa văn hóa Đông-Tây (với thân phận ngừơi dân Việt nô lệ), tư tưởng dân chủ tư sản của Cách mạng Pháp “Tự do-Công bằng-Bác aí” đã tạo một bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức của lớp trí giả; họ đề ra chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí”, xem đó là khâu then chốt cứu nước, cứu dân, vừa cầu viện “đồng văn”, vừa nâng cao tự lực dân tộc. Lớp sĩ phu nho giáo nối tiếp thế hệ trước nay đã tiếp nhận tư tưởng cách tân đến từ phương Tây, từ Trung Quốc (Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên…), hoặc từ thực tiễn Duy tân của Minh Trị trên đất Nhật Bản.
Tuy nhiên, tất cả những cuộc vận động giải phóng dân tộc theo hướng trên đều bị thực dân Pháp đàn áp thẳng tay. Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu gọi đó là sự thất bại của tư tưởng quân chủ, sự bất lực của của tư tưởng dân chủ tư sản khi đối đầu với chủ nghĩa đế quốc thực dân Pháp.
Bến Nhà rồng năm 1911 (ảnh tư liệu).
Đó là nét nổi bật của Việt Nam trong lịch sử đấu tranh cho nền độc lập dân tộc vào thập kỳ đầu thế kỷ XX.Trong tình hình đó, thế hệ thanh niên Nguyễn Tất Thành đã phải đứng trước hai chọn lựa :1) Một là, thối chí ngã lòng trước sự bế tắc về con đường giải phóng dân tộc, có người tìm đến con đường tôn giáo xa lìa nhân thế, hoặc an phận thủ thường, hoặc chấp nhận thân phận nô lệ “sớm vác ô đi tối vác về”. 2) Hai là, kiên trì, tích cực đi tìm con đường cứu nước hiệu quả hơn. Con đường ấy chưa ai biết, nhưng với niềm tin mãnh liệt vào sức trường tồn của dân tộc, vào sức tự lực của chính mình, biết gắn vận nước với tình hình thế giới mà sự liên kết hữu cơ giữa các nước đang trong qúa trình phát triển …, thì họ tin có thể tìm được con đường ấy !
Phải chăng đó chính là suy nghĩ và chọn lựa của Nguyễn Tất Thành? Một chọn lựa dũng cảm, nhiệt thành, đầy khí phách và trí tuệ…
Con tàu Đô đốc Latouche Tréville rời cảng Sài Gòn ngày 5/6/1911, đem theo người thanh niên Văn Ba (tên khác của Nguyễn Tất Thành) với chân phụ bếp, cách nay đúng 105 năm… là một thời điểm đáng nhớ.
Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn ngày 5/6/1911. (Ảnh tư liệu)
Trong 30 năm, từ 1911 đến ngày trở về nước năm 1941 Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc, rồi Hồ Chí Minh) đã tìm đến chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tìm ra con đường đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản, phát huy được sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.
Bài học của quá khứ xảy ra cách chúng ta 105 năm, đã soi sáng cho chúng ta hành trình đến tương lai” như thế nào, nhất là đối với thanh niên?
Phải chăng là mấy nét chủ yếu sau:
Một là, như người thanh niên Nguyễn Tất Thành, phải nuôi lý tưởng, hoài bão lớn, kiên định ý chí, tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh và tương lai dân tộc để đi đến cùng trong con đường đến với chân lý, biến hoài bão thành hiện thực.
Hai là, tin và dựa vào chính mình để vượt khó khăn. Nuôi dưỡng và kiên định tinh thần độc lập, tự chủ trong tư duy và hành động. Biết lắng nghe và tiếp thu những ý tưởng mới, để luôn bắt kịp hơi thở của thời đại, không lạc hậu với tình hình, để tìm ra con đường gắn sự nghiệp giải phóng dân tộc với xu thế của thời đại.
Tuổi trẻ và khoa học Công nghệ - Ảnh minh hoạ
Chung lại, đối với thanh niên: Bài học lớn mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành để lại cho chúng ta là : biết tiếp nối và không ngừng phát triển những giá trị tinh thần truyền thống dân tộc, đó là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, khí phách và danh dự dân tộc, danh dự làm người, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, đạo lý thủy chung với lý tưởng đúng mình đã chọn. Những giá trị tinh thần truyền thống từ Bác Hồ để lại, có thể đúc kết trong ba từ : Tình yêu, Bản lĩnh và Lòng tin.
Trong thời đại hiện nay, chúng ta đã giành lại được đất nước sau hơn một thế kỷ đấu tranh, những thử thách của thanh niên bây giờ tuy khác thời của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, nhưng vẫn đòi hỏi những phẩm chất quý báu mà Nguyễn Tất Thành trang bị cho mình khi dấn thân vào công cuộc “Đi tìm hình Đất nước”.
Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, một hoạt động thiết thực của tuổi trẻ chung tay vì cộng đồng- Ảnh:
Đó là nét Đẹp của Văn hóa Việt Nam, là linh hồn dân tộc.
Kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta vừa nâng cao lòng tự hào về Người con vĩ đại của Tổ quốc Việt Nam, vừa gắn với tinh thần trách nhiệm cao, chung sức chung lòng đưa Đất nước vượt khó khăn, sánh vai cùng các nước trên thế giới đương đại