(CATP) Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nêu quan điểm như vậy khi chia sẻ với báo chí bên lề phiên thảo luận về dự luật Thi hành án hình sự chiều 4-4.
Theo Thứ trưởng, hiện tại có nhiều hành vi mà chế tài, hình phạt còn quá nhẹ, dẫn đến việc xử lý chưa thoả đáng.
Khẳng định các hành vi xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em cần phải xử lý rất nghiêm khắc, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng tới đây cần rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để việc xử lý đảm bảo tương xứng.
Nói về vụ việc cụ thể là vụ xâm hại phụ nữ trong thang máy tại Hà Nội gần đây với mức phạt chỉ 200.000 đồng, Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý trong thang máy nên lắp lắp đặt hệ thống camera.
“Thang máy ở các nước thường lắp cửa kính, rất an toàn. Người ở trong thang máy bị kẹt nhìn qua cửa kính là biết ngay. Bố mẹ nào mà dẫn con đi lên đi xuống giám sát suốt được” - Thứ trưởng Lê Quý Vương nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh mức phạt cho các hành vi vi phạm cũng phải tăng lên, phải nghiêm.
Về ý kiến cho rằng quy định tội dâm ô không rõ khiến điều tra viên rất khó trong việc xác định hành vi này, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định luật có rồi, phải căn cứ vào Bộ luật Hình sự để xem xét, xử lý. Còn cái gì không rõ thì phải sửa, chưa sửa thì phải có hướng dẫn của UBTVQH trên cơ sở đề nghị của cơ quan bảo vệ pháp luật.
“Chúng ta tham gia rất nhiều công ước của LHQ: công ước về quyền tự do của con người, công ước bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em… Chúng ta đang trong quá trình hội nhập nên tất cả điều luật của mình đều phải quan tâm sửa làm sao để có những nội dung cụ thể, bảo vệ tốt nhất các quyền của con người” - Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Còn các hành vi trên liệu có xử lý hình sự được không, theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, vấn đề quan trọng của xử lý hình sự là chứng cứ.
“Chứng cứ là rất khó khăn. Có những chứng cứ cấu thành hình thức nhưng có những chứng cứ cấu thành về vật chất, đặc biệt là xâm hại tới con người nhiều khi người ta đặt vấn đề cấu thành vật chất, xâm hại cụ thể. Đây là vấn đề cần phải bàn thảo” - Thứ trưởng Bộ Công an phân tích và tái khẳng định cần phải rà soát lại pháp luật liên quan xem đã phù hợp chưa.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an
Theo Thứ trưởng, luật pháp các nước đã có quá trình lâu rồi, cái gì vi phạm hình sự đã rõ về hình sự, hành chính thì rõ về hành chính, mức độ cao thấp đều thống nhất trong một điều luật. Vì thế, bây giờ giao sửa đổi, bổ sung luật xử lý vi phạm hành chính thì phải sửa tất cả và các cơ quan chức năng cũng phải rà soát lại Bộ luật hình sự.
“Ví dụ như vi phạm an toàn trật tự giao thông thì tất cả hành vi nào xử lý hình sự thì phải rà lại để loại trừ cái đó rồi mới đặt vấn đề xử lý hành chính. Phải làm sao hệ thống hóa và có đồng nhất trong xây dựng pháp luật của chúng ta” - Thứ trưởng Lê Quý Vương dẫn chứng.
Liên quan đến các vụ việc sàm sỡ trong thang máy, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin tới đây sẽ có báo cáo, thống kê.
“Nói chung các vụ xâm phạm trẻ em, đặc biệt là hành vi liên quan tới lĩnh vực dâm ô đối với người dưới 16 tuổi sẽ phải rà soát lại rất là kỹ, đặc biệt đối với trẻ em. Đây là vấn đề quan trọng mà dư luận rất quan tâm, bức xúc. Tất cả gia đình đều có trẻ em, có con, có cháu, phải đảm bảo cho người dân không bị lo lắng” - Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng):
Việc xử phạt vụ “cưỡng hôn” trong thang máy tại Hà Nội vừa qua mức 200.000 đồng là một khiếm khuyết của pháp luật. Mức phạt đó không đủ sức răn đe thì pháp luật phải sửa.
Đối với vụ cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng “nựng” bé gái trong thang máy mới xảy ra tại TP.HCM đang gây bức xúc dư luận, ông Sơn cho rằng, cơ quan chức năng cần xác định hành vi đó là gì, khách thể bị xâm hại là đối tượng nào... Khi xác định chính xác những điều đó thì mới áp dụng pháp luật để có phương án xử lý.
“Dù bây giờ đã có con người cụ thể rồi nhưng hành vi cụ thể là cái gì, vi phạm điều gì xâm hại khách thể nào và nó vi phạm điều khoản nào của luật nào thì các cơ quan chức năng họ đang làm rõ” - ông Sơn nêu quan điểm.
Trước lý giải về hành vi của ông Linh là “nựng” bé gái, ông Sơn nói: “Tôi không thể bình luận được gì. Đó là trả lời của người đó và mỗi một người dân đều có cách nhìn và đánh giá riêng của họ. Ngay trong dư luận và trên mạng có rất nhiều cách đánh giá khác nhau” .
Thừa nhận là bây giờ không ai tin hành động đó là "nựng” nhưng vị đại biểu Đà Nẵng vẫn lưu ý: “Chúng ta tin là tin vào kết luận của cơ quan chức năng vì họ có trách nhiệm làm sáng tỏ việc này. Đó là cơ sở để xử lý”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Tôi đề nghị cơ quan pháp luật phải vào cuộc, truy cho tới tận cội nguồn vụ việc. Đặc biệt đây là đối tượng am hiểu pháp luật thì càng phải xử lý hết sức nghiêm minh, để phòng ngừa, răn đe những đối tượng khác, đồng thời để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trẻ em.
Phải xác định đây là hành vi chứ khôn phải là “thái độ” sàm sỡ với phụ nữ. Tôi nghĩ rằng cơ quan điều tra, bảo vệ pháp luật phải vào cuộc chứng minh làm rõ, trả lời với công luận. Nếu chứng minh không được cũng phải trả lời với báo chí với công luận, còn không thì phải vào cuộc thật quyết liệt.