Giáo viên thực dụng, lạnh lùng sao có được học trò ngoan?

Thứ Năm, 04/04/2019 13:51

|

(CAO) Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 4-4, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã đề cập đến một vấn đề gây nhức nhối dư luận hiện nay là tình trạng bạo lực học đường.

Theo phân tích của đại biểu, nguyên nhân trước hết là do những hành xử tương ứng của người thầy tại trường.

Góp ý cho dự luật, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lưu ý luật cần thể hiện nguyên tắc về sự chuyển đổi căn bản trong phương pháp dạy học, từ chỗ người thầy làm trung tâm phải chuyển thành người học là trung tâm nhằm “sửa chữa” những hiện tượng học sinh chán nản, thiếu lý tưởng sống trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

“Hiện tượng học sinh sống ích kỷ, lạnh lùng, thậm chí là bạo lực học sinh bộc phát thời gian qua cần được nhìn nhận từ căn nguyên. Nguyên nhân đầu tiên chính là từ ứng xử tương ứng của một bộ phận giáo viên.

Giáo viên thực dụng, lạnh lùng, lợi dụng học trò gây tổn thương lòng tôn kính của người học với người thầy. Sau nữa mới tới nguyên nhân từ gia đình, từ khoảng cách giàu nghèo trong xã hội dẫn đến tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử giữa các học sinh” – đại biểu Tám phân tích.

Để chống bạo lực học đường, theo đại biểu Tô Văn Tám, cần nhấn mạnh nguyên tắc không phân biệt đối xử trong học sinh, tức là mọi em đều được đảm bảo sự công bằng về cơ hội học tập, giáo dục.

Chia sẻ thêm quan điểm của mình, đại biểu Tám nói: “Cần hàn gắn những tổn thương này bằng cách tạo lập bình đẳng trong môi trường học đường. Học sinh cần được cảm nhận việc không bị phân biệt, được đối xử bình đẳng, dân chủ.

Trách nhiệm trước hết trong việc này phải nằm ở người thầy, ở nhà trường trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh chứ không phải quy chung cho “xã hội, cá nhân và tổ chức” như dự thảo luật thể hiện”.

Thi cử chung, sao cần nhiều bộ SGK

Cho rằng nền giáo dục nhiều nước đã xây dựng được những bộ sách giáo khoa thực sự tiến bộ, chuẩn mực, ưu việt, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đặt câu hỏi: “Tại sao Việt Nam cứ phải cố công đi biên soạn lại sách, phức tạp, tốn kém? Việt Nam đã có thời gian dài dùng bộ sách của Pháp, kết quả mang lại là một lớp những nhà khoa học, trí thức rất lỗi lạc”.

Băn khoăn việc có nhiều bộ sách thì việc lựa chọn cũng là một vấn đề, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đặt vấn đề: “Mỗi trường, mỗi năm học, mỗi nhiệm kỳ hiệu trưởng lại lựa chọn sách khác nhau thì nội dung học liên tục xáo trộn, việc này cũng gây lãng phí lớn”. Chung thắc mắc về nhiều bộ sách, có ý kiến nêu: Thi cử vẫn là thi chung mà sách học lại khác nhau thì xử lý vấn đề này thế nào?

Trước đó, giải trình về nội dung này, Thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục cho biết, quy định về nội dung này trong dự thảo luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29 của TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Theo đó, chương trình chi tiết giáo dục phổ thông là pháp lệnh, sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt, ban hành chương trình, sách giáo khoa trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cũng theo cơ quan giải trình, việc quy định một chương trình thống nhất trong toàn quốc, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa sẽ bảo đảm được sự thống nhất trong nội dung, yêu cầu giáo dục năng lực, phẩm chất cho học sinh phổ thông nhưng đa dạng trong phương pháp, hình thức giảng dạy, phù hợp với đối tượng, vùng miền.

Từ lý do đó, Uỷ ban này đề nghị giữ quy định về việc xây dựng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau như đã thể hiện trong dự thảo luật.

Trước ý kiến đề nghị bổ sung quy định Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; quy định cụ thể về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục..., Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục giải trình trên nguyên tắc chương trình giáo dục phổ thông chi tiết, cụ thể, thống nhất trong cả nước, chủ trương cho phép cơ sở giáo dục, nhà khoa học tham gia biên soạn sách giáo khoa triển khai cụ thể chương trình là cần thiết, nhằm tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, cũng như tạo điều kiện cho Bộ GD-ĐT tập trung vào công tác quản lý nhà nước.

Để bảo đảm chất lượng sách giáo khoa theo đúng chương trình quy định và khách quan trong biên soạn, chọn lựa sách giáo khoa, dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa, quy định quy trình biên soạn, thẩm định, phát hành và quy trình chọn lựa sách giáo khoa tại cơ sở giáo dục.

Bình luận (0)

Lên đầu trang