Vụ khai thác gỗ rầm rộ tại rừng phòng hộ Sông Tranh:

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam nghi cán bộ tiếp tay lâm tặc

Thứ Ba, 13/10/2015 14:45  | Xuân Hoài

|

(CAO) Trước tình trạng phá rừng rầm rộ tại rừng phòng hộ (RPH) Sông Tranh, mới đây Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi cho sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh về tình trạng khai thác trái phép tại khu RPH này.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã dẫn đầu đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế tại khu vực RPH Sông Tranh. Qua kiểm tra cho thấy việc phá rừng ở đây đang diễn ra rất nghiêm trọng, có nhiều điểm gỗ bị đốn hạ nằm ngổn ngang khiến ông Thanh cũng hết sức bất ngờ.

Ông Thanh cũng nghi ngờ “có sự tiếp tay” của cán bộ, nhưng để xác định rõ ràng hơn, ông đã chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ để có cơ sở xử lý nghiêm. Trong đó, ông Thanh chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của cán bộ liên quan để kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Ông Lê Trí Thanh khẳng định huyện Bắc Trà My là một trong những nơi xảy ra phá rừng nhiều nhất. Bởi từ xưa đến nay, địa bàn này từng có tiền lệ phá rừng vì địa thế giáp ranh nhiều huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh, cũng là nơi di dân của các hộ dân trong dự án xây nhà máy thủy điện Sông Tranh 2.

Nếu không phát hiện kịp thời, lượng gỗ lớn tại RPH Sông Tranh sẽ tuồn về xuôi - Ảnh: Xuân Hoài

Ông Thanh chỉ đạo trong tháng 10 này, các cơ quan ban ngành phải xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ rừng ở khu vực Trà Bui nói riêng và các khu vực nóng nói chung để xem gỗ thực tế còn trong đó không, hiện trạng như thế nào.

“Công tác tuần tra, bảo vệ rừng ở còn kém. Thực tế là chỉ có một con đường độc đạo đi vào rừng nhưng lại để xảy ra tình trạng này thì không thể không nghi ngờ có sự tiếp tay của cán bộ liên quan. Chính sự buông lỏng, khiến lâm tặc thoải mái lộng hành đã dẫn đến tình trạng phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn”, ông Thanh nói.

Qua đây ông đề nghị ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh nghiêm túc thực hiện chỉ thị 20 và chỉ thị 17 của tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Khẩn trương hoàn thiện quy chế phối hợp, tuần tra rừng khu vực giáp ranh. Chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị rà soát lại các tuyến đường lâm tặc hay đi, nếu cần thiết phải phá hủy”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ngày 11-10, ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, sở dĩ để xảy ra tình trạng khai thác trái phép lâm sản trong RPH Sông Thanh, trước hết là trách nhiệm của trạm bảo vệ, ban quản lý RPH Sông Tranh và của các cán bộ liên quan.

“Tuy nhiên, điều này cũng chính là sự “sai lầm” về chính sách di dời dân trước đây (lúc làm thủy điện Sông Tranh) khi cho người dân tái định cư ngay trong khu vực RPH Sông Tranh. Sau này, kể cả thứ trưởng Bộ NN&PTNT và lãnh đạo một số ban ngành về kiểm tra, thấy được tình trạng nạn giải này, tuy nhiên cũng không thể làm gì được vì số lượng người dân quá lớn, không thể có đủ kinh phí để di dời dân nên tình trạng khai thác lâm sản trái phép luôn trở thành “điểm nóng”.

Hơn nữa, với 58 ngàn ha rừng nhưng chưa đến 20 người thuộc ban quản lý RPH Sông Tranh thì quả là quản lý không xuể. Đã thế, người dân ở ngay trong rừng, mà cán bộ còn buông lỏng nữa thì khó tránh khỏi tình trạng “lâm tặc phá rừng”- ông Hưng phân trần.

Lâm tặc khai thác rầm rộ, Trạm quản lý bảo vệ rừng không hề hay biết? - Ảnh: Xuân Hoài

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền nhìn nhận lại vấn đề ở RPH Sông Tranh để có hướng giải quyết thích hợp trong thời gian tới, nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang