Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài:

Phúc đáp một số vấn đề liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài

Thứ Năm, 10/09/2015 10:53  | CAO

|

(CAO) Ngày 19-8, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã có công văn phúc đáp Hiệp hội Bất động sản TPHCM về một số vấn đề liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

Hiện nay, việc cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện mang hộ chiếu nước ngoài hay giấy tờ có giá trị khác như hộ chiếu (mà không có hộ chiếu Việt Nam) để kiều bào được hưởng chính sách ưu đãi hơn so với người nước ngoài đang thực hiện theo Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 31-1-2013 sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư liên tịch 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 1-3-2010.

Theo đó, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (CQĐDVNONN) hoặc Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao hay Sở Tư pháp nơi đương sự cư trú là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam.

Người Việt nam ở nước ngoài. Ảnh minh hoạ

Như vậy, tại các tỉnh việc cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp xử lý, do đó Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao nhận thấy không nên bổ sung Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hà Nội và TPHCM là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc xác nhận là người gốc Việt Nam.

Về các giấy tờ chứng minh là người gốc Việt Nam cũng đã được quy định chi tiết trong Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT/BTP-BNG-BCA: bao gồm cả hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân, các giấy tờ khác có giá trị thay thế hoặc tham khảo quốc tịch của đương sự. Như vậy, quy định đã rất linh hoạt cho cơ quan tiếp nhận và xử lý yêu cầu xác nhận nguồn gốc Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định 97/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 có quy định: NVNONN chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch 2008 thì có thể đăng ký với CQĐDVNONN để được xác định có quốc tịch Việt Nam. CQĐD sẽ cấp trích lục xác nhận có quốc tịch Việt Nam đối với những trường hợp được xác định là có quốc tịch Việt nam.

Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã trao đổi, tham khảo ý kiến của Bộ Xây dựng, được biết đến nay Bộ Xây dựng đã hoàn tất Dự thảo và Tờ trình Chính phủ lần cuối để Chính phủ xem xét, ký ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số Điều của Luật Nhà ở năm 2014.

Về đề nghị chuyển khoản tiền mua nhà ở, về vay tín dụng mua nhà ở của tổ chức, cá nhân người nước ngoài, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, soạn thảo văn bản hướng dẫn thực hiện.

Theo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, có 20 loại thị thực khác nhau để cấp cho người nước ngoài phù hợp với mục đích nhập cảnh của họ. Cụ thể: nhà đầu tư nước ngoài được cấp thị thực với thời hạn không quá 5 năm; người nước ngoài là người lao động (có giấy phép lao động) được cấp thị thực với thời hạn tối đa không quá 2 năm; những người nước ngoài khác được cấp thị thực với thời hạn tối đa từ 30 ngày (thị thực sứ quán), hoặc không quá 3 tháng (thị thực du lịch, hội nghị), hoặc không quá 6 tháng (thị thực VR), hoặc không quá 1 năm (với các loại thị thực khác).

Như vậy, theo Luật Xuất nhập cảnh, thời hạn thị thực được xem xét cấp trên cơ sở mục đích nhập cảnh của người nước ngoài. Còn theo Luật Nhà ở, cá nhân nước ngoài được nhập cảnh Việt Nam và không thuộc đối tượng ưu đãi miễn trừ ngoại giao có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Như vậy, thời hạn thị thực không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài.

Bộ Công an cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh là cơ quan trình Chính phủ quyết định nếu thấy có nội dung cần quy định riêng cho đối tượng này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang