Quốc hội khóa XV: Giảm đại biểu công tác ở cơ quan hành pháp

Thứ Tư, 15/04/2020 17:35

|

(CAO) Quốc hội khóa XV dự kiến không quá 500 đại biểu, trong đó phấn đấu có 200 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (chiếm khoảng 40% tổng số đại biểu).

Tại cuộc họp diễn ra chiều nay (15/4), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đảng đoàn Quốc hội đã cho ý kiến về “Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”.

Việc lấy ý kiến lần này nhằm hoàn thiện các nội dung của dự thảo Đề án trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân tham gia bỏ phiếu bầu cử ĐBQH nhiệm kỳ 2016 - 2021

Theo dự thảo Đề án được Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án Trần Văn Tuý trình bày, để bảo đảm về thời gian tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và quy trình triển khai bầu cử theo đúng quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, trong điều kiện bình thường, Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến diễn ra vào ngày Chủ nhật, 23-5-2021.

Thời gian thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, theo Đề án, dự kiến được thực hiện tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tới đây (tháng 5-2020).

Liên quan đến cơ cấu đại biểu Quốc hội, theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Quốc hội khóa XV dự kiến không quá 500 đại biểu, trong đó phấn đấu có 200 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (chiếm khoảng 40% tổng số đại biểu).

Trong số ứng viên đại biểu Quốc hội phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức là phụ nữ, ít nhất 18% là người dân tộc thiểu số.

Quá trình thảo luận, việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp cũng đã được các đại biểu đặt ra cùng với bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, uỷ viên thường trực, uỷ viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội theo đúng định hướng tại Nghị quyết số 18 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Về độ tuổi ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, qua thảo luận, nhiều ý kiến tại cuộc họp thống nhất đề nghị dự thảo Đề án triển khai theo quy định của Chỉ thị số 35 ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị.

Kết luận phiên họp, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của tập thể Đảng đoàn Quốc hội để sớm hoàn thiện Đề án, kịp thời trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.

Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” được thực hiện theo Quyết định số 1333 của Đảng đoàn Quốc hội.

Ngày 26/2/2020, Ban chỉ đạo Đề án đã tiến hành họp phiên thứ nhất cho ý kiến về Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án và một số vấn đề lớn trong việc xây dựng dự thảo Đề án.

Ngày 2/3/2020, Ban Chỉ đạo Đề án ban hành Kế hoạch số 1675 về việc xây dựng Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công để hoàn thiện các văn bản trình Đảng đoàn Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Bình luận (0)

Lên đầu trang