Sẽ xem xét tư cách ĐBQH ông Đinh Thế Huynh khi Bộ Chính trị có ý kiến

Thứ Bảy, 19/05/2018 10:40

|

(CAO) Sáng 19/5, tại cuộc họp báo thông báo về dự kiến kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác thẩm tra tư cách đại biểu do có nhiều đại biểu vi phạm phải xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ qua.

Quang cảnh buổi họp báo

Tại cuộc họp báo, phóng viên nêu trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh cho thôi nhiệm vụ ĐBQH, trong khi Thanh tra Chính phủ kết luận có vi phạm pháp luật, Ban Bí thư cũng đưa ra các kết luận cách hết các chức vụ trong Đảng, vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp nhiều cử tri cũng bày tỏ bất tín nhiệm đối với trường hợp này.

Vậy tại sao UBTV QH lại cho bà Thanh thôi nhiệm vụ ĐBQH khi áp dụng điều khoản tương tự như trường hợp ông Ngô Đức Mạnh làm đại sứ tại Liên bang Nga, mà UBTVQH không trình QH bãi nhiệm?

Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, ngày 14/5, trên cơ sở của UBKT TƯ, Ban Bí thư đã có thông báo đến Đảng đoàn Quốc hội việc bãi miễn tư cách ĐB bà Phan Thị Mỹ Thanh. Ngay sau đó bà Thanh có thể do vấn đề sức khỏe nên có đơn đề nghị cho thôi nhiệm vụ làm ĐBQH.

“TVQH đã có báo cáo cơ quan quản lý cán bộ, sau đó Ban Bí thư Trung ương cân nhắc nhiều mặt và BBT Trung ương đồng ý cho bà Thanh thôi ĐBQH. TVQH tiến hành cho bà Thanh thôi nhiệm vụ ĐBQH”- ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, về nguyên tắc, cho thôi thuộc thẩm quyền của QH, nhưng trong thời gian QH không họp TVQH có quyền cho thôi sau đó báo cáo với QH tại kỳ họp gần nhất.

“Tại cuộc họp ngày 21/5 tới, chúng tôi sẽ có báo cáo với Quốc hội về việc cho thôi nhiệm vụ ĐBQH đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh. Việc này theo đúng quy định của pháp luật, trong quá trình thụ lý hồ sơ của bà Thanh cũng căn cứ vào hồ sơ báo cáo của TTTW MTTQVN, báo cáo đề nghị của MTTQ tỉnh Đồng Nai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai , tất cả các cơ quan này đều đồng thuận cho bà Thanh thôi nhiệm vụ ĐBQH”- Tổng thư ký Quốc hội nói.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần rút kinh nghiệm sâu sắc công tác thẩm tra tư cách đại biểu do có nhiều đại biểu vi phạm phải xử lý kỷ luật, cho thôi ĐBQH tại nhiệm kỳ này, mà đều là những vi phạm xảy ra từ trước đó,.

“Việc này cần rút kinh nghiệm, khi bầu cử phải thẩm tra sâu sắc hơn nữa. Thực ra có những vụ việc không phát hiện ngay được, cử tri giới thiệu từ cơ sở...”, ông Phúc nói.

Về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng sẽ được thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp này, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Luật phòng chống tham nhũng được Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý khá đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, hiện còn có ý kiến khác nhau ngay trong các cơ quan của Chính phủ, trong đó tập trung về vấn đề kê khai tài sản.

Hiện có 2 phương án xử lý tài sản tăng thêm và không trung thực là thu thuế cá nhân 45% và phương án thứ 2 là xử phạt hành chính cũng bằng 45%, tuy nhiên nhiều cơ quan không đồng tình, cũng cần cân nhắc nhiều mặt như việc thừa kế, cho tặng… do đó vấn đề này cần được thảo luận kỹ hơn và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Về trường hợp ông Đinh Thế Huynh, nhiều phóng viên đặt câu hỏi có đủ tư cách ĐBQH hay không vì ông Huynh đã không tham gia các hoạt động QH, đoàn ĐBQH 2 năm qua; Bộ Chính trị cũng đã đồng ý để ông Đinh Thế Huynh nghỉ chữa bệnh?

Trả lời câu hỏi này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trường hợp của ông Đinh Thế Huynh thuộc Bộ Chính trị quản lý, công tác cán bộ do Bộ Chính trị quản lý, Quốc hội sẽ xem xét khi nào các cơ quan này có ý kiến.

Thông báo nội dung kỳ họp, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội dự kiến diễn ra trong 19 ngày (từ 21/5 đến 15/6). Đây là kỳ họp có thời gian ngắn nhất so với thời gian gần đây (khoảng 1 tuần so với thời gian trung bình các kỳ họp trước đây).

Trong đó, thời gian cho xây dựng luật là 11 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác là 6,5 ngày; thời gian khai mạc, bế mạc là 2,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/5/2018 và dự kiến bế mạc vào 15/6/2018.

Theo dự kiến, kỳ họp sẽ dành ngày thảo luận chung ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước, kinh tế - xã hội, trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Trong kỳ họp này 8 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Tám dự án luật được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút.

Việc cải tiến, đổi mới này được thực hiện trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang