Sai phạm ở rừng phòng hộ La Ngà: Nhiều khuất tất cần làm rõ

Thứ Tư, 30/11/2016 14:34  | Hải Văn - Ngọc Huy

|

(CAO) Không chỉ để rừng phòng hộ bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng, Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ (RPH) La Ngà (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) còn có nhiều sai phạm trong quản lý tài chính. Thế nhưng những yếu kém tại đơn vị này lại không được xử lý nghiêm, gây thắc mắc trong dư luận.

NHỮNG ĐIỂM KỲ LẠ TRONG HỢP ĐỒNG

Như Báo CATP đã thông tin, lúc 2 giờ 30 ngày 4-5-2016, tại khu vực nhà bảo vệ Nhà máy thủy điện Đa Mi, Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh phát hiện chiếc ôtô 12 chỗ ngồi BS: 60K-4374 đang được bốc 25 khúc gỗ sao (hơn 4m3) lên xe, các đối tượng đã bỏ chạy. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ xe và gỗ.

Thế nhưng sáng sớm cùng ngày, ông Hồ Quang Đạo (thời điểm đó là Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Đa Mi, thuộc BQL RPH La Ngà) đưa ra hợp đồng vận chuyển ký giữa trạm và ông Nguyễn Văn Hưng, vì trước đó cán bộ trạm bắt được gỗ do lâm tặc phá rừng để lại, nên thuê xe đến chở về trạm (?). Tuy nhiên, xung quanh hợp đồng này có nhiều điều đáng ngờ.

Một cán bộ trạm Đa Mi cho biết: “Về việc 25 phách gỗ mà ông Đạo cho rằng đã phát hiện nằm trong lòng hồ thủy điện Đa Mi, để vào khu vực này khai thác gỗ, chỉ có một con đường duy nhất là đi qua đập phụ lòng hồ. Ở đập phụ này có tới hai chốt bảo vệ: bên này là chốt của trạm Đa Mi, bên kia là chốt của nhà máy thủy điện. Với hai chốt bảo vệ nghiêm ngặt như vậy, lâm tặc không thể đi qua để vào rừng khai thác, trừ trường hợp lâm tặc móc nối với kẻ tiếp tay”.

Hôm chuyển hơn 4m3 gỗ sao, ông Đạo nói rằng có gặp ông Công (bảo vệ của nhà máy thủy điện) để xin cho xe qua trạm. Tuy nhiên, làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh, ông Công cho biết: “Khoảng 13 giờ ngày 3-5-2016, có một chiếc xe cải tiến thường ngày vẫn qua chốt bảo vệ xin vào đập phụ. Khoảng 19 giờ cùng ngày, xe này trở ra, trên xe có 2 - 3 thanh niên, chở đầy gỗ hộp, không rõ gỗ gì, ông Đạo chạy xe máy theo sau. Từ khi chiếc xe này ra, cho đến suốt ngày hôm sau, không có chiếc nào vào xin qua đập phụ chở gỗ nữa”. Rõ ràng ông Công cho biết trái ngược với trình bày của ông Đạo.

Ông Phạm Thanh Huy (Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh) phân tích: “Theo quy định, khi phát hiện lâm sản khai thác trái phép, cán bộ phải báo cáo với thủ trưởng cơ quan, lập biên bản hiện trường ban đầu, thậm chí phải quay phim, chụp hình lại để sau này có cơ sở xử lý. Việc ông Đạo phát hiện gỗ do phá rừng, nhưng không lập biên bản hiện trường là sai. Hợp đồng thuê xe giữa trạm Đa Mi với ông Hưng cũng có dấu hiệu bất thường. Trong hợp đồng, ông Đạo là trạm trưởng, nhưng không ký tên mà giao ông Tâm (trạm phó) ký là không hợp lý. Cuối hợp đồng có ghi: “Hai bên cùng thống nhất và ký tên, có gì sai, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm” (?!). Việc này cũng mập mờ, chữ “tôi” không xác định được là ai, có dấu hiệu hợp đồng này được lập ra để... “chữa cháy”.

Ngày 27-9-2016, Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh nhận kết quả giám định thiệt hại rừng do khai thác trái phép được CAH Tánh Linh chuyển đến. Kết quả cho thấy tại các tiểu khu 332B, 333, 336A và 337 do trạm Đa Mi quản lý bị thiệt hại 34,965m3, mức độ thiệt hại vượt khung xử phạt hành chính. Ngày 4-10-2016, Hạt Kiểm lâm huyện ra quyết định khởi tố vụ án liên quan việc phá rừng thuộc lâm phần RPH La Ngà, chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT CAH Tánh Linh tiếp tục điều tra, xử lý.

NHIỀU SAI PHẠM VỀ TÀI CHÍNH

Tháng 10-2013, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận nhận được đơn tố cáo BQL RPH La Ngà không thanh toán đầy đủ chế độ tiền công đi rừng, tiền khoán công tác phí cho nhân viên bảo vệ rừng.

Ngày 21-5-2015, Sở ra kết luận: Từ năm 2010 - 2013, BQL RPH La Ngà lập hồ sơ, chứng từ chi thanh toán các khoản chi chế độ tiền công đi rừng, tiền khoán công tác phí của nhân viên tổng cộng gần 705 triệu đồng. Qua xác minh, đơn vị không chi trả kịp thời, mà giữ lại để chi các mục đích khác, như: hỗ trợ lễ, tết, khám sức khỏe cho nhân viên, ứng trước tiền công đi rừng. Còn lại gần 355 triệu đồng, đơn vị giải trình đã chi ứng vốn trồng rừng năm 2010, chăm sóc rừng trồng năm 2011 - 2012 tại xã Bắc Ruộng (huyện Tánh Linh). Ngày 4-2-2013, đơn vị đã trả lại gần 355 triệu đồng cho nhân viên bảo vệ rừng.

Mặt khác, trong năm 2010, huyện thành lập 2 tổ truy quét chống phá rừng tại lâm phận RPH La Ngà, chi hỗ trợ cho 2 tổ này 35 triệu đồng, BQL RPH La Ngà lập phiếu chi thanh toán xong. Nhưng thực tế đơn vị chỉ chi tạm ứng cho 2 tổ 19,65 triệu đồng, phần còn lại chuyển sang chi tạm ứng cho công tác truy quét năm 2011 (?).

Sau khi thanh tra, kiểm tra, Giám đốc Sở NN-TTNT tỉnh kết luận các nội dung tố cáo là đúng sự thật, đồng thời chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của trưởng BQL và kế toán BQL RPH La Ngà. Lãnh đạo BQL RPH La Ngà phải tiếp tục chi trả số tiền còn lại cho 2 tổ truy quét chống phá rừng, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, nhất là các khoản tạm ứng tiền của cá nhân...

Sự việc lùm xùm về thanh toán tiền cho nhân viên chưa lắng xuống thì nhiều nhân viên cho rằng, BQL RPH La Ngà có dấu hiệu lập khống danh sách các hộ dân nhận khoán, trong vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng để trục lợi. Theo đó, hầu hết người có tên trong danh sách không được nhận tiền, thậm chí nhiều người còn không biết mình có tên trong danh sách. Ngày 4-11-2015, Giám đốc Sở NN-PTNT có kết luận, khẳng định việc lập khống danh sách hộ dân khoán bảo vệ rừng để trục lợi là đúng như phản ánh. BQL RPH La Ngà không làm hết trách nhiệm, thiếu sâu sát, dẫn đến việc ông Phạm Minh Hoa lập khống danh sách 11 hộ đăng ký nhận khoán...

Ngày 18-11-2015, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Bình Thuận có quyết định, thu hồi kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 71,3 triệu đồng của BQL RPH La Ngà, do chi trả không đúng nguyên tắc. Một số nhân viên còn phản ánh, bảng hiệu gắn ở cổng BQL RPH La Ngà lấy xuống để sơn lại chỉ tốn khoảng 2 - 4 triệu đồng, nhưng lại thanh toán đến 40 triệu đồng; ông Kiều sử dụng xe công BS: 86A-0245 để phục vụ mục đích cá nhân. Ông Kiều phản bác lại rằng, phản ánh ông sử dụng xe công vào mục đích cá nhân là không đúng...

Mặc dù Sở NN-PTNT đã kết luận nhiều sai phạm tại BQL RPH La Ngà, nhưng đến nay trưởng BQL này vẫn chưa bị kiểm điểm, xử lý. Ông Đạo dù để khu vực rừng do trạm Đa Mi quản lý bị tàn phá nghiêm trọng, có dấu hiệu đáng ngờ trong vụ bắt giữ 25 phách gỗ sao do lâm tặc bỏ lại, nhưng cũng không bị xử lý mà được chuyển sang làm Trưởng trạm bảo vệ rừng Tà Mỹ (cũng thuộc BQL RPH La Ngà). Việc này gây thắc mắc, bức xúc trong lực lượng bảo vệ rừng và dư luận địa phương. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận sớm tiến hành xử lý và công khai kết quả cho người dân biết.

Tan hoang rừng phòng hộ La Ngà
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang