Kỷ niệm lần chuyển quà của Chủ tịch Fidel Castro cho anh hùng Núp

Thứ Hai, 28/11/2016 13:40

|

(CATP) Ngày 25-11-2016, cựu Chủ tịch Fidel Castro (Fidel) - một trong những nhân vật lẫy lừng của thế kỷ 20 đã qua đời ở tuổi 90. Fidel là lãnh tụ của cách mạng Cu Ba, đồng thời là người gây cảm kích, xúc động cho hàng chục triệu người Việt Nam nhiều thế hệ với câu nói nổi tiếng “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng máu của mình”. Tác giả bài viết này cũng có kỷ niệm khó quên với vị “Chủ tịch mặc quân phục”!

Khoảng giữa năm 1992, Fidel gửi một hộp quà cho người anh kết nghĩa của mình ở Việt Nam là cụ Đinh Núp (1914 - 1999) - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam khóa VI (1976 - 1981) mà hàng chục năm qua người dân Việt Nam vẫn quen gọi là anh hùng Núp. Hộp quà được cơ quan đối ngoại Cu Ba trao cho Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tôi không rõ vì sao Bộ Ngoại giao lại giao việc này cho Báo CATP. Tôi chỉ được TBT Báo khi đó là anh Huỳnh Bá Thành gọi lên và cho biết Bộ Ngoại giao nhờ Báo CATP trao tận tay cụ Núp. Anh Huỳnh Bá Thành đã giao nhiệm vụ “giao liên” cho hai phóng viên là nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và tôi (Lại Văn Long). Anh Châu Hùng lái chiếc Toyota Tercel nhỏ bé, màu vàng đất đưa chúng tôi đi.

Chúng tôi xuất phát từ TPHCM lúc mờ sớm nhưng đến tối mịt mới đến được Tuy Hòa, vì đường Quốc lộ 1 thời đó quá xấu.

Hôm sau cũng xuất phát từ mờ sớm, chúng tôi chạy “lắc lư” (vì đường toàn ổ gà) từ Phú Yên ra Bình Định rồi ngược theo Quốc lộ 19 lên Pleiku (lúc đó tỉnh Gia Lai - Kon Tum vừa tách thành hai tỉnh được vài tháng) thì phố xá đã lên đèn. Tìm nơi ăn uống xong, chúng tôi nghỉ lại khách sạn sau một hành trình dài mệt mỏi...

Sáng ra, anh Sao Biển trưởng đoàn yêu cầu các anh em phải ăn mặc lịch sự, thắt cravat, lau giày sạch sẽ rồi chúng tôi đến Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai để hỏi về nơi làm việc của cụ Núp. Ở đây cho biết, cụ là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai - Kon Tum và vừa về hưu. Hiện cụ đang sống tại làng Stơr - xã Tơ Tung - huyện KBang - tỉnh Gia Lai, cách thị xã Pleiku khoảng 90 cây số về hướng Đông...

Từ Quốc lộ 19, chúng tôi rẽ vào con đường đất 18 cây số thì đến làng Stơr. Tôi lặng người ngắm ngôi làng Kông Hoa trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Làng hoang vu, nhà cửa thưa thớt, cỏ dại mọc đầy và bóng núi sừng sững. Nhà cụ Núp rất dễ tìm bởi đó là căn nhà xây chữ A - có lầu, ngói đỏ, sơn vàng nhạt nổi bật lên giữa làng. Trước nhà đậu chiếc U-oát màu nhà binh. Người anh hùng dân tộc Ba Na - biểu tượng sức sống, sức chiến đấu của Tây Nguyên hiện ra ở ngưỡng cửa xập xệ của căn nhà tranh, vách nứa ám khói bên cạnh căn nhà lầu chữ A. Cụ giản dị, hiền lành với trán cao và bộ râu xồm xòa bạc trắng dài đến ngực như ông tiên.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro 

Cụ ôm từng anh em chúng tôi. Cụ nhỏ con chứ không vạm vỡ như tôi vẫn tưởng tượng qua trang văn của Nguyên Ngọc. Hình ảnh cụ và dân làng phải ăn tro tranh thay muối để đánh giặc suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, là điều ám ảnh tôi suốt bao năm. Và nay, tôi xúc động trong cái ôm ấm áp, thân tình của người anh hùng huyền thoại. Cụ đã 80 tuổi nhưng nói rất dễ nghe:

- Các con vì bác mà vất vả rồi!

Anh Sao Biển “già” nhất đoàn năm đó cũng chỉ mới 44 tuổi, thưa:

- Dạ, đường hơi khó đi...

- Bộ đội khu 5 vừa làm con đường đất đó tặng cho làng mình, trước chỉ là đường mòn chạy giữa rừng thôi! Nói xong cụ mời chúng tôi vào nhà - một căn nhà quá nghèo, quá thiếu thốn so với tiếng tăm và công lao của người anh hùng với đất nước. Cụ chỉ căn nhà lầu chữ A bên cạnh:

- Nhà nước xây cho bác nhưng bác không ở. Bác chỉ ở căn nhà cũ này...

- Sao vậy, thưa bác? - anh Vũ Đức Sao Biển hỏi.

- À... Người Ba Na nói riêng, đồng bào Tây Nguyên nói chung thích có đống lửa reo vui trong nhà mình. Bác không thể đốt lửa trong căn nhà đẹp đó, nó sẽ làm xấu, làm hư nhà. Bác để dành tiếp các đoàn khách đến thăm làng. Nhà đó của Nhà nước xây, bác phải giữ gìn...

Chúng tôi càng khâm phục và xúc động với sự thanh liêm, chính trực của nhà cách mạng lão thành!

Anh Sao Biển trao cho cụ hộp gỗ vàng nhỏ nhắn như cuốn tập và nói đây là quà của lãnh tụ Cu Ba gửi cho cụ. Cụ cười vui vẻ:

- Fidel là em kết nghĩa của bác, nhỏ hơn bác 12 tuổi. Năm 1964, Fidel mời bác sang thăm Cu Ba rồi biết bác thích xì gà Cu Ba nên lần này lại tặng xì gà...

Vừa nói cụ vừa mở hộp gỗ và đúng là xì gà thật. Những điếu xì gà to như ngón tay cái, dài cả gang tay, thơm nồng. Cụ mời chúng tôi cùng hút nhưng chúng tôi không dám, không muốn làm sứt mẻ món quà đặc biệt giữa hai nhân vật đặc biệt ở hai đầu địa cầu này.

Anh hùng Núp 

Cụ mời chúng tôi ăn trưa với cơm trắng, canh rau rừng và thịt gà kho, cụ hồn nhiên kể:

- Sáng nay bác lên tỉnh, nghe các đồng chí ở Tỉnh ủy nói có các cháu đến tìm và họ tưởng bác ở dưới làng nên chỉ đường rồi. Vậy là bác vội về đón các cháu. Bác mua một đùi heo đãi các cháu, nhưng đường xấu quá, xe chạy dằn dằn rồi rớt lúc nào bác với đồng chí lái xe không hay. Về nhà bác vội nói con cháu bắt gà đãi khách...

Chúng tôi cùng cười với cụ... ăn xong cụ mời chúng tôi lên căn nhà chữ A mà cụ gọi là “nhà khách” để uống trà. Có bao nhiêu điều tôi ngưỡng mộ và cả thắc mắc về hình tượng đã đi vào văn học, điện ảnh này; nhưng tôi không dám hỏi, chỉ âm thầm ngắm tượng đài sống động của Tây Nguyên bất khuất...

Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ giao liên chuyển quà của Fidel cho anh hùng Núp. Vui, nhưng vẫn canh cánh với làng Kông Hoa kiên cường đánh giặc giờ vẫn quá nghèo!

25 năm rồi, Quốc lộ 19 vào làng bây giờ là đường Đông Trường Sơn được xây dựng hiện đại. Làng Stơr đã phát triển trù phú hơn rất nhiều, đời sống bà con theo đó được nâng cao. Đó là điều rất vui, rất mừng...

KẾT NGHĨA ANH EM

Khi cuốn Tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc được dịch sang tiếng Tây Ban Nha phát hành chủ yếu ở Cu Ba, Chủ tịch Fidel Castro đã đọc và biết đến Anh hùng Núp. Chính vì thế năm 1964, Nhà nước Cu Ba đã mời Anh hùng Núp sang thăm và hai người anh hùng ở hai đầu địa cầu đã kết tình huynh đệ. Fidel lúc ấy mới ngoài 30 tuổi, mặc dù rất bận nhưng vẫn dành thời gian tiếp Anh hùng Núp. Hai người ôm hôn nhau thắm thiết và Fidel đã ngỏ lời muốn kết nghĩa anh em với Anh hùng Núp. Sau này, mỗi lần sang Việt Nam hoặc có đoàn công tác sang Việt Nam, Chủ tịch Fidel luôn gửi lời thăm hỏi người anh em kết nghĩa của mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang