Cuộc họp thống nhất tiếp tục chỉ đạo triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 16 trong thời gian này; kiên định với chiến lược chống dịch đã đề ra để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 trong giai đoạn này; đến ngày 15/4 sẽ xem xét cụ thể để có biện pháp xử lý căn bản hơn trên cơ sở ý kiến của các cấp, các ngành, các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đối với ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Sở Y tế Hà Nội đã điều động 15 đội phản ứng nhanh hỗ trợ khoanh vùng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 12/4, đã thành lập 9 chốt kiểm soát tại khu vực ổ dịch, tiến hành khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 10.872 người (2.973 hộ dân) từ ngày 8/4 đến hết ngày 5/5/2020 (28 ngày).
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu, trong thời gian tới, chính quyền và người dân phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, không được lơ là, chủ quan; phát hiện sớm những ca nhiễm trong cộng đồng và coi như đây là ổ dịch tiềm năng, triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, hoàn thiện các phác đồ điều trị bệnh nhân, cập nhật các phương án chống dịch và bảo đảm nguồn lực (vật tư, trang thiết bị, nhân lực) cho phòng, chống dịch COVID-19...
Thông tin tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết, sáng 13/4, Tập đoàn Vingroup đã sản xuất được máy thở không xâm nhập và đang gửi Bộ Y tế kiểm định để có thể sản xuất và sử dụng trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã có những biện pháp cương quyết trong triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức cách ly xã hội, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong bối cảnh nhiều sức ép đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, thuế… và các vấn đề xã hội trên địa bàn. Việc thực hiện Chỉ thị 16 cũng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ đã có những biểu hiện lơi lỏng ở một số nơi. Người dân ra đường nhiều hơn trước. Một số cửa hàng không thuộc diện được kinh doanh trong thời gian này vẫn mở cửa bán hàng.
Trong khi ngành Y tế tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhưng tình hình lây nhiễm trong cộng đồng vẫn xảy ra, nhất là ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội; chưa kể những ca nhiễm chưa phát hiện gây nguy hiểm đối với cộng đồng.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình đó đòi hỏi tinh thần không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. “Chúng ta thực hiện trong thời gian ngắn để không phải thực hiện phong tỏa trong thời gian dài”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhắc lại ưu tiên trong hành động lúc này của các cấp, các ngành là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, không vì lợi ích kinh tế mà coi thường sức khỏe của nhân dân đó là nguyên tắc tối thượng trong xử lý các công việc cụ thể thời gian này.
Do đó, việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và các quy định khác cần tiếp tục được thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các đô thị lớn. Chỉ thị 16 vẫn tiếp tục có hiệu lực trên cả nước.
"Nếu lơi lỏng, sẽ vỡ trận, xóa đi thành quả mà Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị và nhân dân đã dày công xây dựng suốt vài tháng qua", Thủ tướng nói.
Cụ thể, những nguyên tắc như “khóa chặt từ bên ngoài, tích cực chữa trị từ bên trong, khoanh vùng dập dịch nhanh có hiệu quả” cần được thực hiện nghiêm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ở địa phương mình, trong ngành mình.
Người đứng đầu ở cơ sở sản xuất kinh doanh nếu được phép hoạt động theo quy định của Chủ tịch UBND địa phương cũng phải tuân chủ quy định này, Thủ tướng yêu cầu tăng cường tinh thần khoanh vùng, dập dịch, phát hiện nhanh, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng như trường hợp của bệnh nhân số 243.
Về các đề nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý khẩn trương thực hiện các giải pháp không dùng tiền mặt. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thiện quy trình này.
Thủ tướng cũng đồng ý khai trương hoạt động khám bệnh trực tuyến 14 ngàn cơ sở y tế. Bởi đây là thời cơ của ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện đưa vào sử dụng phần mềm giám sát và truy vết đối tượng lây nhiễm COVID-19; không để xảy ra lỗi trong quá trình hoạt động.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu khẩu trang y tế và thiết bị bảo hộ chống dịch cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nền bởi COVID-19 trên cơ sở Việt Nam có đủ thiết bị dự trữ. Bộ Y tế, Bộ Công Thương sớm hoàn thiện quy trình thủ tục trong lĩnh vực này; qua đó giải quyết việc làm đối với ngành dệt may. Cùng với đó là sớm hình thành ngành công nghiệp máy thở của Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp; tăng cường các biện pháp bảo hộ an toàn tại các công trường, nhà máy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập hợp các nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu, phân tích đáp ứng kịp thời yêu cầu truy vết các ca bệnh và đối tượng liên quan và cũng như nghiên cứu các giải pháp sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu bằng những công nghệ mới.
Đáng chú ý, Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện quy trình học và thi ở các cấp học trong cả nước theo hướng tăng cường học tập trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dạy và học.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an có phương án đảm bảo an toàn cho người dân; điều tra, xử lý nghiêm một số vụ vi phạm trật tự, an toàn xã hội và trong việc thực hiện Chỉ thị 16 thời gian qua.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xây dựng một số phương án để ngày 15/4 tới đây, Thủ tướng và Thường trực Chính phủ sẽ xem xét, đánh giá toàn diện kết quả việc thực hiện Chỉ thị 16 và những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh cũng như xem xét, quyết định phương án phù hợp nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Thủ tướng mong muốn qua việc thực hiện Chỉ thị 16 sẽ hình thành thói quen phòng bệnh trong nhân dân.