Sẽ thiết kế thêm một gói hỗ trợ người lao động gặp khó khăn

Thứ Ba, 06/06/2023 14:43

|

(CAO) Theo dự kiến, tổng giá trị gói hỗ trợ khoảng 23.000 tỷ đồng, sẽ được trình Chính phủ và trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới nhằm giúp đỡ người lao động trong giai đoạn khó khăn này.

Trong các nguyên nhân khiến nhiều người lao động rút bảo hiểm một lần có lý do từ tình trạng thiếu việc làm. Phản ánh việc này đến Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong phiên chất vấn, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) hỏi Bộ trưởng làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Phản hồi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, bình quân tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam quý 1 là 2,25%.

“Đến thời điểm này thì tỷ lệ thất nghiệp có gia tăng hơn, nhưng không phải riêng chúng ta. Mà nếu so với thế giới thì tỷ lệ thất nghiệp này ở ngưỡng thuộc các quốc gia thấp” - Bộ trưởng Dung nhìn nhận.

Nêu thống kê chính thức, Bộ trưởng cho hay, có khoảng 270.000 người mất việc làm, nguyên nhân chính là do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất và thay đổi về lực lượng lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn ngày 6/6

Bên cạnh khó khăn chung của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) phản ánh, dự báo thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức. Vì thế, đại biểu Nga thắc mắc, số liệu lao động thôi việc, mất việc…, theo báo cáo của Bộ, "đã sát tình hình thực tiễn chưa"?

"Đề nghị Bộ trưởng đưa ra dự báo về tình hình lao động và việc làm của nước ta trong thời gian tới cùng giải pháp khắc phục" - đại biểu Quảng Bình đề nghị.

Khẳng định các số liệu đưa ra là “hoàn toàn khách quan và khoa học”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, số liệu thống kê qua khảo sát trước thời điểm công bố một tuần. “Chúng tôi có tiêu chí độc lập trên cơ sở tiêu chí này, sau đó khớp với đánh giá của Tổng cục Thống kê thì về cơ bản cũng có sự trùng hợp” – ông Dung nêu.

Thừa nhận thời gian tới tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ có thể khó khăn hơn, đặc biệt là đối với những ngành hàng, lĩnh vực thâm dụng lao động nhiều lao động, song tư lệnh ngành LĐ-TB-XH khẳng định “không quá bi quan”.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nêu câu hỏi

“Thủ tướng đã chủ động tiến hành xúc tiến đầu tư với một số nhà đầu tư lớn. Chúng ta sẽ làm nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, ổn định người lao động và đời sống. Chúng ta không được phép chủ quan nhưng cũng không bi quan” - Bộ trưởng Dung nêu quan điểm.

Một điểm đáng chú ý qua thực tế cắt giảm lao động được đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) chỉ ra là cơ hội việc làm đối với lao động nữ ở độ tuổi ngoài 40 sau khi bị mất việc hết sức khó khăn. Theo bà Thuỷ, đây cũng là nhóm có nguy cơ cao phải rút bảo hiểm xã hội một lần.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp mà Bộ trưởng sẽ triển khai theo thẩm quyền hoặc sẽ tham mưu với cấp có thẩm quyền để hỗ trợ lao động nữ ở độ tuổi ngoài 40 sau khi bị mất việc làm?” – đại biểu Thuỷ hỏi.

Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng LĐ-TB-XH thừa nhận, thời gian qua, phần lớn lao động mất việc làm, giãn việc là nữ giới. “Dòng người 3 triệu người về địa phương vừa qua cũng phần đông là người mẹ đem theo con” - Bộ trưởng day dứt.

Nêu giải pháp, ông Dung nói rằng phải chăm lo đào tạo ngay từ khi chưa thất nghiệp. “Nếu như đến 40 tuổi đối với ngành dệt may là khó khăn lắm, mắt mờ chân chậm, năng suất thấp mà ông chủ thì bao giờ cũng nhằm vào những người như thế” - Bộ trưởng Dung lưu ý.

Phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH

3 giải pháp chăm lo cho công nhân cũng được tư lệnh ngành LĐ-TB-XH chỉ ra, gồm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất; tạo việc làm ổn định và thực hiện các chính sách đang có một cách tốt nhất, chăm lo hệ thống cơ sở phúc lợi xã hội thiết yếu… để đảm bảo giảm bớt khó khăn, thiệt thòi cho lao động nữ.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng cần chủ động đào tạo từ sớm, từ xa để người lao động nữ khi chuyển việc hoặc thất nghiệp thì có thể bố trí việc mới. Trường hợp khi về quê thì địa phương cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo việc làm để người lao động nữ có thể thích ứng trong bối cảnh mới.

“Sau lưng mỗi người lao động mất việc là cả một gia đình và nhiều vấn đề xã hội khác” - đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nhìn nhận. Lưu ý khó khăn của doanh nghiệp và người lao động đang gặp phải hiện nay có khi còn lớn hơn giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19, đại biểu của Bình Định hỏi Bộ trưởng có cần các gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như đã hỗ trợ trong giai đoạn COVID-19 hay không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, ở góc độ tham mưu, Bộ đã và đang đánh giá tình hình, đưa ra dự báo chính xác về thực trạng này từ nay đến Tết Âm lịch ra sao, sau Tết Âm lịch và năm tới thế nào, để có những chính sách phù hợp.

“Hôm nay, cá nhân tôi cũng không thể báo cáo đưa ra chính sách gì được. Chúng tôi có dự kiến một vài chính sách, còn lúc nào đưa ra và đưa ra hay không thì do cấp có thẩm quyền quyết định” – ông Dung nói.

Trước đó, kiến nghị tới Bộ trưởng Dung, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đặt vấn đề thành lập một quỹ nhằm giúp người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đại biểu Tráng A Dương kiến nghị thành lập Quỹ hỗ trợ lao động

Về việc này, Bộ trưởng Dung cho rằng đây chỉ là một giải pháp. Còn việc để ngăn chặn tình trạng rút BHXH một lần, theo Bộ trưởng, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, cơ bản nhất là đảm bảo công ăn việc làm, đời sống của người lao động.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, ông Dung khẳng định sẽ nghiên cứu, đánh giá thấu đáo việc này.

Thông tin thêm về việc hỗ trợ lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, năm 2021, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi 47.356 tỷ đồng, trong đó chi 30.800 tỷ đồng hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi COVID.

Năm 2023, theo Bộ trưởng Phớc, số dư quỹ còn 59.357 tỷ đồng và hiện nay đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình với Chính phủ và trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoảng 23.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang