Đây là đánh giá của Ủy ban Quốc phòng và An ninh tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV vào chiều nay 20/05, khi thẩm tra về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK-VLN&CCHT) (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, khi tiến hành thẩm tra về dự án Luật Quản lý, sử dụng VK-VLN&CCHT (sửa đổi), đa số ý kiến thành viên Ủy ban QPAN nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng VK-VLN&CCHT; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.
Toàn cảnh phiên họp
Uỷ ban QPAN cũng cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi 54/76 điều, bổ sung 01 điều, bỏ 03 điều so với Luật hiện hành, cơ bản kế thừa các nội dung đã được điều chỉnh trong Luật hiện hành và phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Lê Tấn Tới cũng cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận VK, CCHTdo tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ nhằm tận dụng nguồn lực trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng VK, CCHT.
Đồng thời cơ bản nhất trí với quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao (Điều 18); nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp (Điều 35); nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa CCHT (Điều 50), bởi đã cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật và có nhiều nội dung chưa được điều chỉnh trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Đối với quy định về khai báo vũ khí thô sơ, đa số ý kiến thành viên Ủy ban QPAN tán thành quy định về nội dung này tại Điều 32 của dự thảo Luật nhằm tăng cường quản lý vũ khí thô sơ, tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng các loại vũ khí này; tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định khai báo vũ khí thô sơ phải bảo đảm linh hoạt và phù hợp với điều kiện phát triển của kinh tế - xã hội, điều kiện sản xuất, lao động, sinh hoạt của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra
Liên quan tới trách nhiệm quản lý nhà nước về VK-VLN&CCHT (Điều 71), đa số ý kiến thành viên Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước như dự thảo Luật vì cho rằng quy định này cơ bản thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị rà soát, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công an trong quản lý nhà nước về VK-VLN&CCHT theo hướng giao Bộ Công an là cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực này; Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương và các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trước đó, trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự án Luật Quản lý, sử dụng VK-VLN&CCHT (sửa đổi) có bố cục gồm 08 chương, 74 điều, trong đó: Chương I quy định chung (17 điều); Chương II quy định về quản lý, sử dụng vũ khí (15 điều); Chương III quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ (11 điều); Chương IV quy định về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ (6 điều); Chương V quy định về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ (11 điều); Chương VI quy định về tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (09 điều); Chương VII quy định về quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (03 điều); Chương VIII quy định về điều khoản thi hành (02 điều).
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng nêu rõ, kế thừa quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật quy định về quản lý, sử dụng và nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng VK-VLN, tiền chất thuốc nổ, CCHT nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng VK-VLN, tiền chất thuốc nổ, CCHT.
Về nguyên tắc quản lý, sử dụng VK-VLN, tiền chất thuốc nổ, CCHT, dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên như quy định của Luật Quản lý, sử dụng VK-VLN&CCHT năm 2017 và chỉnh lý, bổ sung về kỹ thuật trình bày văn bản.
Liên quan đến các hành vi nghiêm cấm, dự thảo Luật cơ bản kế thừa Luật Quản lý, sử dụng VK-VLN&CCHT năm 2017; đồng thời bổ sung một số nội dung nghiêm cấm như: Mang trái phép VK-VLN, tiền chất thuốc nổ, CCHT đến nơi công cộng; quảng cáo trái phép VK-VLN, tiền chất thuốc nổ, CCHT; che giấu, không tố giác, giúp người khác cải tạo, lắp ráp VK, CCHT...
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng VK, CCHT do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ để quản lý chặt chẽ số VK, CCHT do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ... Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hành chính về cấp các loại giấy phép đảm bảo cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công...