Tháo gỡ các điểm nghẽn của Nghị quyết 98 như thế nào?

Thứ Tư, 21/08/2024 12:54

|

(CATP) Trong buổi làm việc vừa qua với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo TPHCM đã đề xuất xây dựng một luật đặc biệt nhằm thiết lập khung pháp lý cho việc định hình và tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ của thành phố một cách chính quy.

Hồi phục nhanh sau đại dịch Covid-19

Đã một năm trôi qua kể từ lúc bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (gọi tắt là Nghị quyết 98). Trong thời gian đó, TPHCM đã có những bước phát triển đáng chú ý về kinh tế - xã hội: sản xuất, kinh doanh được phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19; đại đa số doanh nghiệp có nhiều đơn hàng; thị trường lao động sôi động trở lại với nhiều thông báo tuyển dụng số lượng lớn lao động; người lao động có việc làm và có thu nhập; tiêu dùng được đẩy mạnh giúp dịch vụ phát triển; trong lĩnh vực đầu tư công, các công trình hạ tầng trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thi công...

Tuy nhiên, dấu ấn của Nghị quyết 98 trong những thành quả đạt được chưa nhiều như mong đợi. Lúc mới bắt đầu triển khai, Nghị quyết 98 được kỳ vọng đặt cơ sở cho một thành phố năng động với quyền tự chủ rộng rãi, có điều kiện phát huy tối đa năng lực sáng tạo của từng cán bộ, công chức, viên chức trong quản lý, cung ứng dịch vụ công, từ đó đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đưa thành phố đi lên ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới.

Một góc Công viên phần mềm Quang Trung (TPHCM). Ảnh: NGỌC HOA

Quá trình thực hiện Nghị quyết 98 cho thấy còn một số vướng mắc khiến việc triển khai chưa thật sự thuận lợi, suôn sẻ. Vướng mắc lớn nhất liên quan đến việc giải quyết xung đột giữa trao quyền quyết định cho chính quyền thành phố đối với những vấn đề thuộc phạm vi quản trị địa phương và bảo đảm sự thống nhất trong quản trị quốc gia của chính quyền Trung ương. Trong quá trình giải quyết vướng mắc, thành phố luôn ở thế chịu thiệt thòi do hệ thống đang vận hành theo những quy chuẩn, lề thói đã quen: áp dụng Nghị quyết 98 có tác dụng trao cho thành phố quyền hạn rộng hơn trong việc đưa ra các quyết định quản lý và điều đó được cho là mới, có thể hàm chứa rủi ro, cần được cân nhắc, thận trọng để không làm xáo trộn cả hệ thống.

Suy cho cùng, để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai cơ chế tự chủ của thành phố, cần sự can thiệp theo chiều sâu từ thiết chế lập pháp nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, dứt khoát và minh bạch. Rõ hơn là cần một luật chứ không chỉ một nghị quyết, quy định thật rõ ràng về quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cơ chế tự chủ.

Xây dựng cơ chế tự chủ có tính thiết thực

Về nội dung, trước hết luật phải nhìn nhận thành phố như một chủ thể quan hệ pháp lý theo nghĩa đầy đủ. Với tư cách chủ thể, chính quyền thành phố giao tiếp với chính quyền Trung ương trên cơ sở các quy định của luật về đô thị đặc biệt, các luật tổ chức và luật liên quan. Quan hệ cấp trên - cấp dưới giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, bao gồm quan hệ phân quyền, được luật chi phối và các bên liên quan dựa theo luật để ứng xử, chứ không theo cơ chế mệnh lệnh - phục tùng.

Điều quan trọng, để cơ chế tự chủ có tính thiết thực phải loại bỏ quan niệm theo đó việc phân quyền từ chính quyền Trung ương xuống chính quyền địa phương, từ chính quyền địa phương cấp cao đến chính quyền địa phương cấp thấp hơn chỉ đơn giản là việc chia nhỏ quyền lực có sẵn và có giới hạn. Nói cách khác, không nên nghĩ rằng quyền hạn của chính quyền cấp trên là mức trần được thiết lập nghiêm ngặt để xác định quyền hạn của chính quyền cấp dưới. Trái lại, cần khẳng định rằng chính phủ tốt là chính phủ mà trong đó mỗi cấp chính quyền phát huy hết năng lực quản trị lãnh thổ của mình; chính quyền địa phương tự chủ phải khai thác hết dư địa quản trị lãnh thổ mà chính quyền Trung ương không có điều kiện để vươn tay tới.

Cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức) hiện là cảng container quốc tế lớn nhất cả nước

Trong khuôn khổ thực hiện phận sự, chính quyền thành phố tự chủ đích thực sử dụng các quyền được luật trao cho mình và chịu trách nhiệm về hệ quả của việc thực hiện các quyền đó. Luật phải ghi nhận một cách cụ thể thẩm quyền quyết định của chính quyền thành phố trong mọi lĩnh vực quản lý thuộc chức năng của chính quyền địa phương. Trong giới hạn thẩm quyền được ghi nhận, chính quyền thành phố tự ra quyết định mà không cần xin phép, xin ý kiến của chính quyền Trung ương.

Ai cũng hiểu "có thực mới vực được đạo", thành phố không thể tự chủ thật sự chừng nào chưa được thừa nhận có quyền sở hữu đối các tài sản cần thiết cho việc thực hiện các chức năng của chính quyền địa phương được gọi là tự chủ. Ở các nước, chính quyền địa phương tự quản là chủ sở hữu của các tài sản đa dạng: đất, công trình xây dựng, tiền, tài sản trí tuệ... Với tư cách là chủ sở hữu tài sản, chính quyền địa phương sử dụng, khai thác, thậm chí định đoạt các tài sản của mình trong khuôn khổ triển khai các kế hoạch hoạt động phù hợp với chức năng luật định.

Có quyền sở hữu đối với tài sản khai thác được về mặt kinh tế, nhưng chính quyền địa phương tự chủ hoạt động không phải như một doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hoặc kinh doanh trong một hay nhiều lĩnh vực chuyên môn của đời sống kinh tế. Đúng hơn là hoạt động kinh tế được chính quyền địa phương thực hiện trong một tư thế đặc thù: tư thế của một doanh nghiệp chuyên về hoạt động đầu tư vốn.

Cụ thể, chính quyền thành phố nên được thừa nhận có quyền quyết định việc sử dụng các tài sản trong khuôn khổ các dự án đầu tư. Chính quyền có thể dùng các tài sản có trong tay để thành lập doanh nghiệp hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác với các chủ thể khác. Chính quyền thành phố cũng có thể gián tiếp tham gia vào hoạt động kinh tế bằng cách trao vốn của mình cho các tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư, thông qua hợp đồng cho vay. Để có được vốn đầu tư cần thiết, chính quyền địa phương tự chủ có thể không chỉ huy động các tài sản của mình mà còn có thể vay vốn của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt dưới hình thức phát hành trái phiếu địa phương.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy địa phương tự chủ muốn phát triển bền vững thì phải là một địa phương được tổ chức tốt về phương diện phúc lợi xã hội. Tư tưởng chủ đạo là của cải vật chất do địa phương tạo ra phải được ưu tiên sử dụng để phục vụ cho cuộc sống của cư dân địa phương. Việc cải thiện hệ thống phúc lợi giúp cư dân địa phương nhận thấy hiệu quả làm ăn của mình tạo ra lợi ích cho chính mình, từ đó càng có động lực để tiếp tục làm ăn.

Bởi vậy, chính quyền thành phố cần được trao quyền và có trách nhiệm đầu tư một cách thỏa đáng vào hệ thống phúc lợi công cộng, bao gồm mạng lưới cung ứng dịch vụ điện, nước, xử lý chất thải, đường sá, chăm sóc sức khỏe, nhà trẻ mẫu giáo, trường tiểu học, trung học. Chính quyền địa phương cũng phải quản lý các công trình phúc lợi này thông qua các doanh nghiệp (trust) công ích.

Tất nhiên, để có điều kiện đầu tư cho các công trình phúc lợi công cộng của địa phương, chính quyền thành phố phải được trao quyền sử dụng các nguồn thu của địa phương. Trong quan hệ với chính quyền Trung ương liên quan đến việc sử dụng các nguồn thu, địa phương được coi như một doanh nghiệp: sau khi làm xong nghĩa vụ thuế với các bộ, ngành Trung ương, thành phố được giữ lại các nguồn thu của mình và được quyền quyết định sử dụng các nguồn thu đó dưới hình thức nghị quyết của HĐND thành phố.

Bình luận (0)

Lên đầu trang