Khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động thì bị thu hồi để quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Chấp hành chủ trương, doanh nghiệp đã bàn giao toàn bộ đất nhưng hơn 6 năm qua chính quyền vẫn chây ì không chịu đền bù.
Phớt lờ chỉ đạo của Bí thư tỉnh
Ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Trường Phú, cho biết dự án nuôi tôm công nghiệp xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh (nay là phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 1127/QĐ-NL2 ngày 17-5-2002 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 3148/QĐ-NL2 ngày 26-12-2003.
Những công trình cơ bản trên dự án nuôi tôm đã hư hỏng sau 6 năm bỏ hoang
Dự án có tổng mức đầu tư là 14,55 tỷ đồng được xây dựng trên diện tích 60 hecta. Sau khi các hạng mục cơ bản được xây dựng hoàn thành, Công ty TNHH Trường Phú chuẩn bị đưa vào sử dụng nuôi tôm thì đầu tháng 4-2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định 1185 thu hồi khu đất này để quy hoạch, mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng.
Chấp hành chủ trương của Nhà nước, Công ty TNHH Trường Phú bàn giao lại toàn bộ đất đai cùng những công trình cơ bản được đầu tư trên đó. Tuy nhiên, sau 2 năm bàn giao, doanh nghiệp vẫn không thấy chính quyền kiểm đếm, thống kê để đền bù nên năm 2013 đã làm văn bản đề nghị giải quyết bồi thường tài sản trên đất bị thu hồi.
Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản giao các đơn vị liên quan xử lý kiến nghị của doanh nghiệp này. Trước chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Kỳ Anh mới tiến hành kiểm đếm và áp giá, báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến các Sở, ngành liên quan trước khi thẩm định, phê duyệt với giá trị bồi thường tính toán là 15,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào đó, việc bồi thường sau đó tiếp tục bị dừng lại.
“Việc đền bù kéo dài suốt 6 năm qua không đền bù khiến công ty chúng tôi không những không có vốn để tiếp tục chuyển hướng đầu tư phát triển mà còn phải lâm vào cảnh nợ nần” – ông Thanh chua chát nói.
Tháng 3-2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo xử lý bồi thường dứt điểm cho doanh nghiệp Trường Phú. Đầu tháng 6-2017, thị xã Kỳ Anh được tách ra từ huyện Kỳ Anh. Lúc này, phương án áp giá bồi thường cho Công ty TNHH Trường Phú vẫn được sử dụng hồ sơ đền bù của năm 2014 áp giá với số tiền hơn 13,8 tỷ đồng tỉ đồng.
Ngày 21-7-2017, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cùng với các cơ quan hữu quan đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Trường Phú để giải quyết những vấn đề liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án nuôi tôm của công ty này.
Tại buổi làm việc, ông Lê Đình Sơn khẳng định, việc chậm trễ trong công tác đền bù, trách nhiệm chính thuộc về thị xã Kỳ Anh. Theo đó, UBND thị xã Kỳ Anh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời triển khai các phần thuộc về trách nhiệm của mình.
Về phương án đền bù, ông Sơn nhấn mạnh vẫn áp giá bồi thường và sử dụng hồ sơ cũ được xác lập từ năm 2014, bởi suốt 3 năm qua đã có nhiều biến động, thay đổi. Việc chi trả đền bù phải thực hiện trước ngày 22-8-2017. UBND thị xã Kỳ Anh, Sở Tài chính phải phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh tham mưu, bố trí nguồn kinh phí bồi thường cho Công ty TNHH Trường Phú.
Tuy nhiên, từ đó đến này, Công ty TNHH Trường Phú vẫn chưa nhận được tiền đền bù như chỉ đạo của Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, thậm chí, đến thời điểm này, UBND thị xã Kỳ Anh đã không chấp nhận áp giá đền bù theo hồ sơ năm 2014 cho công ty.
Doanh nghiệp chỉ biết kêu trời
Trả lời về vấn đề này, ông Dương Thanh Hòa – Phó Bí thư thị xã Kỳ Anh (nguyên Phó chủ tịch huyện Kỳ Anh), người đã ký văn bản trình UBND tỉnh Hà Tĩnh về giá trị đền bù năm 2014 cho Công ty Trường Phú thừa nhận, năm 2014 huyện Kỳ Anh có hợp đồng thuê đơn vị tư vấn đo, kiểm đếm khối lượng tài sản của doanh nghiệp Trường Phú.
Theo ông Hòa, sau khi đơn vị tư vấn đo, đếm đầy đủ, Hội đồng đền bù huyện Kỳ Anh đã áp giá, trình lên xin chủ trương của tỉnh nhưng không được phê duyệt nên hồ sơ bồi thường chưa được thẩm định.
Không chịu áp giá đền bù năm 2014, thị xã Kỳ Anh đã thuê đơn vị tư vấn vào đo, kiểm đếm và áp giá đền bù lại
Về nguyên nhân hồ sơ bồi thường chưa được thẩm định, ông Hòa cho biết là do lỗi của chính quyền vì năm 2015, khi thực hiện việc thành lập thị xã Kỳ Anh, tách ra khỏi huyện Kỳ Anh nên hồ sơ không được để ý. “Việc hồ sơ áp giá đền bù cho Công ty TNHH Trường Phú năm 2014 có thể sử dụng lại được hay không là tùy thuộc vào Hội đồng thẩm định thị xã Kỳ Anh” – ông Hòa cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết từ tháng 3-2017, sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao, chính quyền địa phương đã thành lập tổ hội đồng đền bù để thực hiện chi trả đền bù cho dự án khu nuôi tôm công nghiệp Trường Phú.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra thì phát hiện hồ sơ khối lượng đền bù cho Công ty TNHH Trường Phú năm 2014 không đủ tính pháp lý. Chính vì thế, UBND thị xã Kỳ Anh đã thuê một đơn vị tư vấn để đo đạc, kiểm đếm nhằm áp giá đền bù lại cho Công ty TNHH Trường Phú. Mức đền bù mới, theo ông Hà đưa ra là hơn 7,5 tỷ đồng.
Trước những chây ì, cách làm việc lắt léo của chính quyền địa phương, ông Trần Văn Thanh, ngao ngán: “Dự án sau khi được thu hồi và đã đo đạc, kiểm đếm, thống kê để áp giá đền bù. Sau nhiều năm bỏ hoang giữa mưa nắng, bão lụt, nay chính quyền không chịu thực hiện mà bảo đo đạc, kiểm đếm lại chúng tôi còn có gì trên đó nữa?”.