Tổ công tác liên ngành đã được thành lập để đi Lào thu thập chứng cứ liên quan đến hành vi Trần Bắc Hà gửi tiền tại Lào và Campuchia.
Đang đàm phán 2 Hiệp định dẫn độ
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ký văn bản gửi tới Quốc hội báo cáo về hoạt động TTTP trong năm 2019.
Tại báo cáo này, Bộ trưởng Long cho biết, trong năm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ có liên quan và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) phối hợp chặt chẽ để triển khai toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm trên cả bốn lĩnh vực: dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (chuyển giao NCHHPT).
Việc nghiên cứu, đề xuất ký kết cũng như tổ chức thực thi hiệu quả các Điều ước quốc tế cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu tố tụng trong nước và hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp.
Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và Hungari (có hiệu lực ngày 6-3-2019). Hiện đang hoàn tất các thủ tục đề xuất đàm phán 1 Hiệp định.
Với lĩnh vực TTTP về hình sự, VKSNDTC chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành đàm phán 3 Hiệp định; tổ chức ký chính thức 1 Hiệp định; hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đàm phán 3 Hiệp định và trình ký 1 Hiệp định.
Trong lĩnh vực dẫn độ, Bộ Công an đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành đàm phán 2 Hiệp định; tổ chức ký 1 Hiệp định và hoàn tất thủ tục trình phê chuẩn, 1 Hiệp định đã ký từ năm trước.
Về chuyển giao NCHHPT, Bộ Công an đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành đàm phán 3 Hiệp định; tổ chức ký chính thức 1 Hiệp định; trình phê chuẩn 2 hiệp định trong đó có 1 Hiệp định đã ký từ những năm trước.
Đáng chú ý, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và TANDTC thường xuyên trao đổi, phối hợp liên ngành để xử lý các yêu cầu TTTP về hình sự phức tạp. Các cơ quan này đã phối hợp thành lập Đoàn công tác liên ngành đi Singapore để giải quyết các yêu cầu TTTP của Việt Nam về thu hồi tài sản do phạm tội mà có trong vụ án Phan Sào Nam.
Một tổ công tác khác cũng được thành lập sang Lào để giải quyết yêu cầu thu thập chứng cứ liên quan đến hành vi Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV) gửi tiền tại Lào và Campuchia và một tổ đi Slovenia để giải quyết vụ việc sử dụng công nghệ cao (mạng viễn thông, mạng internet) chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiền Phong.
Ông Trần Bắc Hà đã tử vong trong quá trình bắt tạm giam để điều tra liên quan đến các sai phạm, do bị bệnh hiểm nghèo
Bàn giao 4 phạm nhân cho nước ngoài
Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Tư pháp, năm 2019 cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã gửi 2.185 yêu cầu uỷ thác tư pháp (UTTP) về dân sự cho các nước. Trong số này có 231 (10,5%) yêu cầu được gửi đến những nước chưa có ĐƯQT về TTTP với Việt Nam; 1245 (57%) yêu cầu thực hiện theo kênh Công ước tống đạt; 709 (32,5%) yêu cầu thực hiện theo kênh Hiệp định TTTP song phương.
Số yêu cầu UTTP có trả lời là 1118/2185 yêu cầu (51,1%)
Việt Nam cũng tiếp nhận 1.353 yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, gồm 1029 (76%) yêu cầu thực hiện theo kênh Hiệp định TTTP song phương; 273 (20%) yêu cầu thực hiện theo kênh Công ước tống đạt và 51 (4%) yêu cầu thực hiện cho những nước chưa có ĐƯQT về TTTP với Việt Nam.
Về UTTP hình sự, dẫn số liệu của VKSNDTC báo cáo cho biết, cơ quan này đã thụ lý và giải quyết 259 hồ sơ, văn bản UTTP hình sự từ các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện (tăng 102 yêu cầu tương đương 65% so với năm 2018). Đã nhận được 107 phản hồi (41%).
Với UTTP theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, VKSNDTC đã thụ lý và giải quyết 78 hồ sơ, văn bản, giảm 7,1% so với năm 2018. Đã phối hợp thực hiện có kết quả là 66/78 yêu cầu (84,6%).
Ngoài ra, thực hiện yêu cầu về dẫn độ và chuyển giao NCHHPT, số liệu của Bộ Công an cho thấy, Bộ đã lập và chuyển 2 yêu cầu dẫn độ đối với 2 đối tượng đến các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để yêu cầu dẫn độ về Việt Nam. Cả 2 yêu cầu này đều gửi đến Cộng hoà Séc theo quy định của Hiệp định TTTP về dân sự và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHXHCN Tiệp Khắc (Séc và Slovakia kế thừa).
Bộ Công an cũng bổ sung thông tin đối với 2 yêu cầu dẫn độ; bàn giao 1 đối tượng theo quyết định của toà án nhân dân có thẩm quyền và tiếp nhận 1 yêu cầu của nước ngoài đối với 1 đối tượng (theo hiệp định song phương với Liên bang Nga).
Liên quan đến việc chuyển giao NCHHPT, Bộ Công an đã phối hợp với TAND có thẩm quyền xử lý 4 yêu cầu chuyển giao người CHHPT từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có 3 trường hợp theo nguyên tắc có đi có lại với Bulgari, 1 trường hợp theo hiệp định với Australia.
Cung cấp thông tin về 9 phạm nhân nước ngoài quốc tịch Australia, Hàn Quốc phục vụ xem xét chuyển giao, đồng thời tiếp tục xử lý 4 yêu cầu chuyển giao NCHHPT từ nước ngoài về Việt Nam theo Hiệp định song phương với Liên bang Nga và Australia; tổ chức bàn giao 4 phạm nhân ra nước ngoài tiếp tục chấp hành hình phạt tù.