Sáng 8/1, Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do ông Phankham Viphavanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đến Hà Nội bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8-10/1/2022 theo lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2022.
Chuyến thăm cũng thể hiện quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đi vào chiều sâu, thiết thực và triển khai hiệu quả tuyên bố chung Việt Nam-Lào tháng 6/2021 đồng thời là sự kiện ý nghĩa đầu tiên trong khuôn khổ Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam nhằm thắt chặt và tăng cường hơn nữa quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn (trái) đón Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu xây dựng và dày công vun đắp, được các thế hệ lãnh đạo, chiến sỹ cách mạng và nhân dân hai nước ra sức gìn giữ và phát triển, đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trên thế giới.
Mối quan hệ có một không hai từ lâu đời này không chỉ giúp quan hệ chính trị giữa Việt Nam-Lào ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và tạo sự tin cậy lẫn nhau, đảm bảo vai trò, quy định hướng đi chung cho quan hệ của hai nước, mà còn tạo điều kiện để quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trong mọi lĩnh vực.
Năm 2021, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam-Lào tiếp tục phát triển tốt đẹp, tin cậy, không ngừng được củng cố. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo cấp cao vẫn diễn ra bình thường, đây là điều đặc biệt mà không quốc gia nào trên thế giới làm được.
Nổi bật là chuyến thăm hữu nghị chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tới Việt Nam tháng 6/2021 và chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Lào vào tháng 8/2021.
Trong các chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước đã nhất trí tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn nữa; hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược liên quan đến an ninh và phát triển của mỗi nước; duy trì các chuyến thăm, gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước dưới nhiều hình thức; phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng hội nhập quốc tế.
Lễ đón Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Năm 2021, hai nước tiếp tục tăng cường phối hợp triển khai các thỏa thuận hợp tác trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng; hợp tác chặt chẽ, thực hiện tốt việc giữ vững ổn định quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào hòa bình ổn định, hữu nghị và phát triển toàn diện.
Hai nước cũng tiếp tục đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, du lịch; tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô; có các chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp hai nước đầu tư vào các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo; triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng kim ngạch thương mại hai chiều.
Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam tiếp tục là một trong 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Lào. Mặc dù đại dịch COVID- 19, hạn chế xuất nhập cảnh và cách ly, công tác hỗ trợ thúc đẩy đầu tư giữa hai nước vẫn được duy trì ở mức phù hợp.
Trong 11 tháng đầu năm 2021, thương mại song phương vẫn tăng trưởng bền vững, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến hết năm 2021 sẽ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với năm 2020.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Phankham Viphavanh thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8-10/1/2022. Ảnh: TTXVN
Trước tình hình khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam ở Lào, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng cao su, nông nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động, điều không chỉ góp phần giúp phát triển kinh tế của Lào, mà còn tạo việc làm cho lao động Lào ở nước ngoài bị mất việc trở về quê hương do dịch COVID-19.
Hợp tác giáo dục, đào tạo tiếp tục là lĩnh vực được hai nước ưu tiên, coi trọng, trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2021, có khoảng 14.000 sinh viên Lào học ở Việt Nam.
Việc hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương có chung đường biên giới giữa hai nước tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới hai nước.
Thời gian qua, Đảng, Chính phủ và người dân Việt Nam đã luôn dành sự giúp đỡ kịp thời cho Lào thông qua các khoản viện trợ thường xuyên hằng năm cũng như những giúp đỡ đột xuất trong các trường hợp đặc biệt.
Các dự án viện trợ dành cho Lào dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vẫn được đôn đốc tiến độ triển khai, tiêu biểu như các dự án Nhà Quốc hội Lào, Bệnh viện Xiengkhuang, Phân vùng nông nghiệp tại hai tỉnh Huaphanh và Xiengkhuang.
Đặc biệt, dự án Nhà Quốc hội Lào - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã được bàn giao cho Lào nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 8 vừa qua.
Đây cũng là công trình được các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Lào đánh giá rất cao, là tòa nhà đang giữ nhiều kỷ lục nhất tại Lào, không chỉ ở sự quy mô nhất, phức tạp nhất, hiện đại nhất, mà còn có nhiều hạng mục nhất và có kiến trúc đặc trưng văn hóa của Lào nhất cho tới nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh di chuyển từ Phủ Chủ tịch đến Trụ sở Chính phủ để tiến hành hội đàm. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Để hỗ trợ Lào phát triển lâu dài, Việt Nam đã mở thị trường 100 triệu dân cho Lào, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Lào xuất, nhập khẩu hàng hóa qua tất cả các cảng biển của Việt Nam.
Việt Nam và Lào cũng đang phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm giúp kết nối cơ sở hạ tầng hai nước như tuyến đường cao tốc nối Hà Nội-Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane… sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân hai nước.
Bên cạnh đó, hai nước cũng phối hợp tuyên truyền và giáo dục về quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào cho thế hệ trẻ hai nước; cơ bản hoàn thành dự án biên dịch bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập sang tiếng Lào, bộ phim tài liệu Chủ tịch Kaysone Phomvihane với Việt Nam.
Việt Nam và Lào cũng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, Liên hợp quốc, Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong; góp phần nâng cao vị thế hai nước trên trường quốc tế.
Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Phankham Viphavan trên cương vị mới, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2022, một lần nữa khẳng định quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào là quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và là tài sản chung vô giá của hai dân tộc mà thế hệ hôm nay vẫn đang gìn giữ, bảo vệ, phát huy và sẽ tiếp tục truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.