(CAO) Đến tối ngày 19-11, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục đưa người phương tiện vào trong hầm để giải cứu hai công nhân đang mắc kẹt ở hầm sâu 600m.
Ngay sau khi dùng bữa trưa và bữa tối, đội cứu hộ của lực lượng công an, quân đội, dân quân…khẩn trương bước vào hiện trường để cùng nhau phối hợp đưa nạn nhân ra khỏi hầm càng sớm càng tốt.
Theo Trung tá Phạm Tuấn Linh –Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ công an tỉnh Hòa Bình cho biết, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn vì đường hầm dài tới gần 700m, nhỏ hẹp, địa chất phức tạp.
Ngoài ra, lực lượng cứu hộ không thể dùng các phương tiện hiện đại mà phải dùng biện pháp thô sơ như đưa xe rùa, xô, chậu vào trong để đưa bùn, than ra ngoài.
Lực lượng cứu hộ khẩn trương làm việc đưa hai công nhân thoát khỏi hầm. - Ảnh: Đoàn Tuấn
Để đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, nhà chức trách bố trí mỗi tốp 10 người làm việc trong một thời gian nhất đình rồi lại thay tốp khác để đảm bảo người cứu hộ không bị ngạt khí trong hầm sâu.
Khi phóng viên hỏi về thông tin kỹ thuật, kết cấu phía trong hầm khai thác than có đảm bảo an toàn lao động hay không?, ông Đặng Thanh Hòa – cán bộ vật tư công ty TNHH Tân Sơn cho biết – ông chỉ là cán bộ vận chuyển các thiết bị vật tư vào bên trong đường hầm, còn các phương tiện, chỉ số kỹ thuật liên quan đến vấn đề an toàn lao động thì ông không phải là người trực tiếp làm việc này.
Dù trời tối lực lượng cứu hộ vẫn khẩn trương làm việc. - Ảnh: Đoàn Tuấn
Cũng theo ông Hòa, nguyên nhân dẫn đến việc sập hầm là do công ty đã ngừng hoạt động cách đây 2 năm để đợi xin giấy phép. Trong quá trình nghỉ làm nước mưa đã đọng lại và hình thành cái túi nước gần với nơi đang khai thác nên khi công nhân khai thác than gặp phải túi nước đã gây vỡ tràn nước xuống khu vực đang làm nên sập hầm.
Điều phối hoạt động cứu hộ các công nhân. - Ảnh: Đoàn Tuấn
Đến tối ngày 19-11, tỉnh Hòa Bình đã huy động hơn 300 người tham gia cứu hộ.
Lực lượng cứu hộ đẩy nhanh tiến độ cứu các công nhân. - Ảnh: Đoàn Tuấn