Tôn giáo là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước

Thứ Ba, 30/08/2022 17:57

|

(CAO) Nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022), sáng 30/8, tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM, Chính phủ tổ chức hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; các Ủy viên Trung ương Đảng gồm: Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và TPHCM; các chức sắc, chức việc của 43 tôn giáo và các chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội khóa XV.

Góp phần tích cực vào thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo

Theo Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tính đến nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với khoảng 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, trong đó có trên 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng và duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ và các ban, ngành đoàn thể phát động...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, trong đó phần đông tín đồ trong độ tuổi lao động chính là lực lượng sản xuất đông đảo tham gia vào tất cả các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, đã và đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, cùng với các thành phần xã hội khác đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào có đạo biết cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội với những mô hình cụ thể, như: trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật; đào tạo lao động nông thôn; phòng thuốc phước thiện, xe cứu thương miễn phí; xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; xây cầu, làm đường nông thôn... góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo cho người có công và giúp đỡ người nghèo, người yếu thế trong xã hội “để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Các chức sắc tôn giáo phát biểu tại hội nghị.

Trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, các tổ chức tôn giáo tích cực hướng dẫn chức sắc, tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động hoãn, hủy, tạm dừng nhiều hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở thờ tự… Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo đã tích cực đóng góp các nguồn lực và chung tay với các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, như trên 3.000 tình nguyện viên tôn giáo tham gia tuyến đầu chống dịch; ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ và hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ phòng, chống Covid-19 ở Trung ương và địa phương; hỗ trợ hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các vùng dịch cùng hàng triệu suất ăn miễn phí cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng…

Tại hội nghị, các chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tôn giáo phát biểu đều khẳng định, các tôn giáo tiếp tục hành động góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.

Duy trì đường hướng hành động gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trong suốt tiến trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng tổ quốc, hàng chục ngàn chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng… Ngày nay, các tổ chức tôn giáo cũng đang góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội, bằng cách hỗ trợ hàng nghìn chuyến xe chuyển bệnh nhân miễn phí, tổ chức các chương trình từ thiện giúp bệnh nhân khó khăn, tổ chức nhiều lớp học tình thương, hỗ trợ học phí sách vở, xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, xây dựng cầu dân sinh, nhà tình thương, đóng góp xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường…

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, "Sống tốt đời, đẹp đạo" có lẽ là kim chỉ nam hành động của các tổ chức tôn giáo với biết bao nhiêu nghĩa cử cao đẹp về tính nhân văn, tình đoàn kết. Hàng năm, các tổ chức tôn giáo còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Y học cổ truyền và đoàn thể các cấp hỗ trợ hàng nghìn chuyến xe chuyển bệnh nhân miễn phí; tổ chức các chương trình từ thiện đối với các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trong quá trình điều trị bệnh; tổ chức nhiều lớp học tình thương… với trị giá hàng ngàn tỷ đồng, góp phần đáng kể vào công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, an toàn, an dân tại các địa phương và trên cả nước.

Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM ủng hộ 1 tỷ đồng tặng Quỹ “Vì người nghèo” TPHCM.

"Có thể nói, đất nước có phong trào gì thì các tôn giáo hưởng ứng tích cực, đóng góp hiệu quả cho phong trào đó. Đất nước có khó khăn, thách thức thì với tinh thần đại đoàn kết, tôn giáo đồng hành cùng đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ đất nước. Tôn giáo luôn sát cánh, đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc trong mọi khó khăn, thách thức, thời cơ và thuận lợi." - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp tích cực, hiệu quả của các tôn giáo trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong phòng chống đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế - xã hội thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến các mục tiêu trọng tâm được xác định tại Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, xây dựng đất nước phát triển theo hướng có công nghiệp hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó, tôn giáo được khẳng định là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Nhằm phát huy những bài học quý về sự chung tay của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các tổ chức tôn giáo tiếp tục vận động các chức sắc, chức việc tiếp tục thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; góp phần xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước sát với thực tế, đi vào cuộc sống để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh đó, duy trì đường hướng hành động gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong đời sống xã hội. Đồng thời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; phát huy nguồn lực, thế mạnh của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương về tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật, đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, tham mưu với Đảng, nhà nước để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng cơ chế huy động và phát huy mọi nguồn lực xã hội, trong đó có tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước…

Bình luận (0)

Lên đầu trang