TPHCM: Chuyển đổi số và cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử

Thứ Ba, 07/07/2020 09:47  | A. Quân

|

(CAO) Ngày 3/7/2020, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 2392/QĐ-UBND cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TPHCM và Quyết định số 2393/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TPHCM.

Kiến trúc Chính quyền điện tử TPHCM là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của TP, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TPHCM phát triển thành đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, TP cần có các định hướng, giải pháp để chủ động tối ưu hoá các lợi ích từ chuyển đổi số trong mối tương quan với Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh và Kiến trúc Chính quyền điện tử TP, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực do quá trình chuyển đổi số gây nên, nhất là phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Thúc đẩy chuyển đổi số tại TPHCM cũng chính là thúc đẩy nhiều việc đang làm và sẽ làm ở mức cao hơn, như Kho dữ liệu dùng chung (hạ tầng dữ liệu) hay Đề án xây dựng đô thị thông minh (hướng đến xã hội số).

Ảnh minh họa

Về cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TPHCM

Cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hồ Chí Minh (được phê duyệt tại Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 của  UBND TP) nhằm phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 (được ban hành theo Quyết định số 2323/QĐ-BTTT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Cập nhật kiến trúc hiện tại với các kết quả triển khai đã thực hiện từ khi Kiến trúc được ban hành đến nay.

Làm rõ sự tương quan và phù hợp của Kiến trúc Chính quyền điện tử với định hướng chuyển đổi số của TP, Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Đảm bảo các chương trình đầu tư công nghệ thông tin đạt được hiệu quả đúng mục tiêu đề ra.

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông của các hệ thống thông tin của TP nhằm theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các giải pháp công nghệ mới như công nghệ dữ liệu lớn (Big Data); ảo hoá, điện toán đám mây; xu hướng tăng cường tính di động; Internet vạn vật (Internet of things – IoT).

Xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử của TPHCM ở mức tổng thể, làm cơ sở để các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và phường, xã, thị trấn có thể tham chiếu khi phát triển, nâng cấp, kết nối và triển khai các hệ thống thông tin tại đơn vị...

Về Chương trình chuyển đổi số của TPHCM

Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế, xã hội. Trong khi đó, TPHCM là thành phố lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước nên cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số.

Chương trình Chuyển đổi số của TPHCM được xây dựng dựa trên Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử TP. Các nội dung chủ yếu của Chương trình Chuyển đổi số của thành phố gồm:

Đến năm 2030, TPHCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của TPHCM là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành với tinh thần: “Là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực. Thực hiện tăng trưởng xanh”.

Mục tiêu cơ bản đến 2025:

100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử TPHCM được xác thực điện tử.

40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử thành phố được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất từ hệ thống Trung ương.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

60% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, quận, huyện có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố không phải cung cấp lại.

90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo thành phố và kết nối hệ thống báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; đến cuối năm 2025, phấn đấu 100% cấp tỉnh, 80% cấp huyện thực hiện họp thông qua hệ thống tại các cuộc họp của Ủy ban nhân dân.

Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở được kết nối với các CSDL quốc gia (gồm CSDL quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm) để phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế xã hội;

TPHCM thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử;

Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%;

Thành phố thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về CNTT (IDI), nhóm 3 về chỉ số cạnh tranh (GCI), nhóm 2 về đổi mới sáng tạo (GII), nhóm 3 về an toàn, an ninh mạng (GCI);

Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh;

Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%...

Mục tiêu cơ bản đến 2030:

100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận, huyện và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường, xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp trong toàn xã hội (trừ những dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước), giảm 40% thủ tục hành chính;

Tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp;

TPHCM thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%;

TPHCM thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về CNTT (IDI), nhóm 2 về chỉ số cạnh tranh (GCI), nhóm 2 về đổi mới sáng tạo (GII), nhóm 3 về an toàn, an ninh mạng (GCI);

Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang toàn thành phố, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G;

Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%...

Bình luận (0)

Lên đầu trang