(CAO) Sáng 21/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tháng 8 năm 2020 về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 63 tỉnh, TP ở các đầu cầu.
Tại đầu cầu TPHCM, tham dự có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; đại diện các sở, ngành TP.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân của các đoàn công tác, tiến độ giải ngân đầu tư công đến nay có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Cụ thể, có 5 Bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên, có 29 Bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 35%; 15 Bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
Nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân là do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư và nhà thầu. Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế, công tác tổ chức triển khai tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập, các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Về giải ngân chậm nguồn vốn ODA do có nhiều đặc thù, nhiều dự án lớn đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện…
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Tính đến ngày 15/8, TP đã giải ngân gần 21.000 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch vốn. Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành nhưng chưa thực hiện thủ tục giải ngân tại Kho bạc Nhà nước TP là 2.533 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân đạt 55,8% kế hoạch vốn đã giao.
Hiện nay, TPHCM đang triển khai 1.643 dự án đầu tư công với tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2020 là 42.139 tỷ đồng, việc giải ngân hết số vốn này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TPHCM, đồng thời còn là một nhân tố quan trọng để giải quyết việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm hơn 21.000 doanh nghiệp TPHCM giải thể và ngưng hoạt động.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Thư
“Với vai trò là một đô thị lớn, TPHCM xác định phải nỗ lực nhiều hơn, bởi lẽ nếu TPHCM giải ngân vốn đầu tư công thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của TPHCM và cả nước. Trên tinh thần đó, TPHCM sẽ nỗ lực cao nhất, phấn đấu cả năm 2020 giải ngân đạt trên 95%” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho hay: Trong thời gian tới, TP tập trung thực hiện một số giải pháp như nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trong việc giải ngân. Rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án và điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện dự án, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ thi công dự án...
Để tạo điều kiện cho TPHCM đẩy nhanh công tác giải ngân, TPHCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo giải quyết các khó khăn vướng mắc đối với 12 dự án đầu tư trên địa bàn TP để TPHCM triển khai thực hiện. Đồng thời, Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 126 dự án chậm thực hiện do vướng quy định về xử lý phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý nằm xen cài trong các dự án giúp TPHCM và các địa phương trong cả nước có cơ sở thực hiện...