TPHCM: Phòng chống dịch COVID-19 từ sớm, từ xa, trước khi dịch xâm nhập

Thứ Hai, 17/05/2021 22:59

|

(CAO) Chiều 17/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID – 19. Cùng dự có Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức.

Triển khai 69 chốt, trạm kiểm dịch tại các cửa ngõ vào TPHCM

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính đến nay, TPHCM có 270 trường hợp mắc bệnh COVID-19. Trong đó, 69 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 25,56%); đã có 256 trường hợp điều trị khỏi. Hiện các cơ sở y tế của TP đang điều trị 14 bệnh nhân dương tính mới và 3 ca tái dương tính. Sức khỏe các bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng chuyển nặng.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng từ Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang chuyển đến với chẩn đoán mắc COVID-19 viêm phổi bội nhiễm, tràn khí màng phổi phải, tăng huyết áp, đái tháo đường typ II.

Hiện tại bệnh nhân đang thở máy, sử dụng ECMO, kháng sinh phổ rộng, tình trạng hiện tại tổn thương đông đặc 2 phổi, chức năng phổi chỉ còn 10% - 20%, xét nghiệm còn dương tính với virus SARS-CoV-2; tiên lượng rất nặng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã hội chẩn với Tiểu Ban điều trị COVID-19 quốc gia để thống nhất về chẩn đoán và phương pháp điều trị.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp

Đối với tầm soát nhóm nguy cơ trong bệnh viện cho biết, từ ngày 12/5/2021 đến nay, tăng cường giám sát nguy cơ dịch bệnh trong bệnh viện bằng xét nghiệm tầm soát đã lấy mẫu xét nghiệm cho 77.668 người. Đối với nhân viên y tế, đã lấy mẫu xét nghiệm 50.962 người, trong đó 37.052 mẫu âm tính, 13.910 mẫu chờ kết quả. Cùng với đó bệnh nhân, thân nhân, đã được lấy mẫu xét nghiệm là 29.770 người, 22.738 mẫu âm tính, 7.050 mẫu chờ kết quả.

Về tầm soát các nhóm nguy cơ cao trong cộng đồng, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, từ ngày 30/4/2021 đến 6 giờ ngày 17/5/2021, tiếp tục triển khai giám sát dựa vào xét nghiệm các nhóm, khu vực nguy cơ cao (chợ, trung tâm thương mại, cơ sở vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu lưu trú công nhân, khu dân cư, khu công nghiệp, cơ sở tôn giáo...). Đã lấy 33.002 mẫu, trong đó 31.318 mẫu âm tính và 1.684 mẫu đang chờ kết quả.

Đại diện Sở Y tế TP cũng cho biết, ngành Y tế sẽ phối hợp với đơn vị liên quan chuẩn bị tổ chức diễn tập phương án ứng phó tình huống xảy ra dịch bệnh trong khu công nghiệp. Cùng với đó là sẵn sàng phương án xử lý tình huống dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng; xây dựng kế hoạch tăng cường năng lực xét nghiệm COVID-19 và tổ chức cách ly điều trị trong tình huống có 5.000 người bệnh mắc COVID-19.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, đối với việc kiểm tra các cơ sở phải ngưng hoạt động và hạn chế theo quy định của TP, từ cấp quận, phường đã có 763 đợt kiểm tra với 3.092 cơ sở. Có 526 cơ sở bị nhắc nhở, 5 cơ sở bị tạm ngưng hoạt động, 144 cơ sở bị xử phạt (34 cơ sở xử phạt lần 2 và nếu bị xử phạt lần nữa sẽ tạm ngưng hoạt động). Tổng số tiền xử phạt các cơ sở vi phạm là gần 1 tỷ đồng. Về đeo khẩu trang, các quận huyện đều ra quận thực hiện. Trong giai đoạn đầu chủ yếu là nhắc nhở, sau đó là xử phạt theo quy định. Đến nay có 66 trường hợp bị nhắc nhở và 485 trường hợp bị xử phạt.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho biết, Công an TP và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai 69 chốt, trạm kiểm dịch tại các cửa ngõ vào TP, chợ đầu mối và các chợ truyền thống trên địa bàn TP từ 0 giờ ngày 15/5. Mỗi ngày các chốt kiểm tra 12,5 nghìn lượt phương tiện 28,5 nghìn lượt người. Nhìn chung, người dân đồng tình chủ trương của TP để TP được an toàn và chấp hành tốt.

Phát huy vai trò các Tổ nhân dân, Tổ phòng chống COVID – 19 cộng đồng

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta phải hành động quyết liệt vì sự an toàn, vì sức khỏe của người dân. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là giữ vững thành quả phòng chống dịch COVID - 19. “Công việc phòng chống dịch hiện nay là ưu tiên hàng đầu, nếu không sẽ phải trả giá rất lớn” – đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, đối với TPHCM, trong 20 ngày mới chỉ phát hiện 1 trường hợp mắc COVID – 19 liên quan đến ca bệnh tại tỉnh Hà Nam vào TPHCM nhưng nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất cao. Điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu hệ thống chính trị và người dân lơ là; không quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động hiệu quả trong phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện nghiêm chỉ đao của Trung ương và TP về phòng chống dịch. “Phòng chống dịch từ xa, sớm, trước khi có dịch với tinh thần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính. Trong đó, đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe Nhân dân trên hết và trước hết”. – đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo từng cơ quan đơn vị phải chủ động hoàn chỉnh phương án, kịch bản, để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống trong phạm vi chức năng, quyền hạn và địa bàn quản lý. Thực hiện tốt công điện của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID – 19 các cơ quan, đơn vị không được rời TP; luôn “trực chiến” sẵn sàng phòng chống dịch. Từng UBND phường xã, thị trấn công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh các trường hợp không chấp hành các quy định phòng chống dịch. Đồng thời khẩn trương kiện toàn các đội tuần tra, giám sát phòng chống dịch và giải tán các trường hợp tụ tập trên 30 người ngoài các trường học, bệnh viện theo quy định.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh các bệnh viện hiện nay cũng là tuyến đầu trong phòng chống dịch. Vì vậy, lãnh đạo Sở Y tế phải yêu cầu từng Giám đốc bệnh viện trình bày phương án phòng chống dịch bệnh cụ thể bằng văn bản. Một số bệnh viện của TP có nhiều người từ các địa phương khác để khám và điều trị, nếu có trường hợp nào đó sẽ lan lây đến nhiều địa phương khác.

Bên cạnh đó là định kỳ hậu kiểm công tác phòng chống dịch theo các lĩnh vực phụ trách theo các bộ chỉ số tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch đã được ban hành. Kiên quyết đình chỉ và rút giấy phép các cơ sở vi phạm quy định phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, kiểm soát dịch bệnh trên đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Phát huy vai trò các tổ Nhân dân, tổ COVID – 19 cộng đồng; vận động người dân đến nơi có ca bệnh phải khai báo y tế. Đối với các doanh nghiệp, đồng chí lưu ý, phải tổ chức ký kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và tổ công đoàn trong phòng chống dịch. Nếu doanh nghiệp vi phạm cam kết cho ngừng hoạt động vì việc ký cam kết nhằm bảo vệ cho doanh nghiệp, người dân và bảo vệ người lao động. Riêng Ban Quản lý các Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao TP cần nâng mức kiểm soát sàng lọc dịch bệnh tại các doanh nghiệp ở mức cao nhất. Nếu chưa an toàn phải dừng hoạt động để chấn chỉnh và chỉ được hoạt động khi đảm bảo an toàn.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Thông tin – Truyền thông phối hợp Sở Nội vụ TP kích hoạt lại Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch tại UBND TP. Phối hợp Sở Y tế TP tham mưu UBND TP áp dụng mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, trong đó truy vết ca nhiễm, giám sát các trường hợp cách ly tại nhà, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang trích xuất từ camera.

Bình luận (0)

Lên đầu trang