(CAO) TP.HCM sẽ vận hành 4 trung tâm “cốt lõi” của Đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, từ đầu năm 2019.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi công bố kết quả triển khai 4 Trung tâm thuộc Đề án, do Sở Thông tin và Truyền thông TP tổ chức chiều 28-11.
Trong Đề án được phê duyệt, TP đề ra 4 giải pháp trọng tâm cần ưu tiên thực hiện là: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, Trung tâm An toàn thông tin.
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP cho biết, tháng 1-2019, Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung, trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành thành phố. Thành phố sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Kho dữ liệu dùng chung giai đoạn 2 (hoàn chỉnh) vào quý III/2019.
Ông Dương Anh Đức thông tin tại buổi họp báo
Trong khi đó, Trung tâm điều hành giai đoạn 1 sẽ đặt tại UBND TPHCM trên cơ sở tích hợp thông tin từ các hệ thống camera hiện có của các sở, ngành, các trung tâm; hệ thống liên thông tổng đài khẩn cấp 113-114-115; hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022. Trong quý 1/2019, thành phố sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
Đối với Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, trước mắt TP sẽ thành lập Phòng mô phỏng tại Viện Nghiên cứu phát triển tháng 1-2019, phục vụ cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 11; sau đó tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Trung tâm trong quý I/2019.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Dương Anh Đức cho biết, trong tháng 12-2018, TP sẽ phê duyệt Đề án thành lập Công ty cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin trên cơ sở Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn hoàn thành việc thành lập công ty trong quý I-2019.
Trung tâm được thành lập theo mô hình công ty cổ phần để có “cơ chế mở”, qua đó thu hút được nhân lực tốt nhất cho vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho TP. Nếu Trung tâm là đơn vị sự nghiệp và quản lý nhà nước sẽ khó huy động được các nguồn lực.
Dự kiến cuối năm 2018, TPHCM sẽ sơ kết việc triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ trong quản lý, quản trị đơn vị tại các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Đồng thời TP sẽ phê duyệt Khung kiến trúc đô thị thông minh, tổ chức triển khai trong toàn thành phố vào quý III/2019.
Theo ông Dương Anh Đức, TPHCM mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp từ người dân, doanh nghiệp về các giải pháp để triển khai xây dựng thành công đô thị thông minh. Đề án sẽ thường xuyên được cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn, ý kiến góp ý của người dân và doanh nghiệp; phù hợp với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu thế phát triển đô thị thông minh trên thế giới.