Chiều 23/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi chủ trì tại điểm cầu Thành ủy
Chủ trì tại điểm cầu Thành ủy có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải.
Tại điểm cầu UBND TP có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.
Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND TP - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP cùng đại diện các sở ngành, quận/huyện, TP Thủ Đức tại các điểm cầu.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì tại điểm cầu UBND TP. Ảnh: Huyền Mai
Tổng công suất lấy mẫu tối đa đạt 334.000 - 445.000 mẫu/ngày
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết: Tính đến nay, TP có là 46.178 ca nhiễm COVID-19; trong đó từ ngày 9/7 đến 06 giờ ngày 23/7/2021 có 40.255 ca nhiễm phát hiện qua ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, 382 trường hợp tử vong. Các ca nhiễm hiện hay được ghi nhận phần lớn tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.
TP đang điều trị cho 35.813 trường hợp dương tính mới (bao gồm PCR (+) và test nhanh dương), trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân cần can thiệp ECMO. Trong ngày 22/7/2021 có 2.046 bệnh nhân xuất viện.
Để quyết liệt thực hiện tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần của Chỉ thị 16, TP đã chỉ đạo và huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở để cùng phối hợp triển khai
Bên cạnh việc phát động phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19”, TP đã thành lập các Tổ công tác, Trung tâm điều phối xét nghiệm, Trung tâm mua sắm trang thiết bị , Trung tâm phân tích dữ liệu, Trung tâm điều phối tiêm vắc xin… với mục đích là đưa các hoạt động vào nề nếp, triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Về công tác xét nghiệm, để điều hành toàn bộ công tác lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm và trả kết quả với phương châm “Rõ - Chắc - Nghiêm - Nhanh”, Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 đã bố trí tổng số nhân sự lấy mẫu với 4.456 người, tương ứng 2.228 đội. Công tác xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm kiểm soát và tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Thành phố cũng thay đổi phương thức lấy mẫu tại nhà nên năng lực lấy mẫu hiện nay vào khoảng: 150-200 mẫu/đội/ngày. Tổng công suất lấy mẫu tối đa mỗi ngày đạt khoảng 334.000 - 445.000 mẫu/ngày. Đồng thời, đánh giá năng lực thật sự của các phòng xét nghiệm, từ đó cân đối việc tổ chức lấy mẫu giám sát với việc lấy mẫu khẩn đáp ứng truy vết, chống dịch. Đảm bảo không để dồn ứ mẫu và trả kết quả đúng thời gian quy định.
Trong thời gian từ ngày 9/7/2021 đến nay đã tiến hành 1.619.292 test xét nghiệm được thực hiện (1.328.046 test xét nghiệm kháng nguyên nhanh và 291.246 test xét nghiệm PCR). Việc trả kết quả xét nghiệm qua app trên điện thoại thông minh đã triển khai thí điểm ở một số phòng xét nghiệm; dự kiến sẽ triển khai đồng loạt trên tất cả các mẫu xét nghiệm ở cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức báo cáo kết quả 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16. Ảnh: Huyền Mai
Hơn 14.000 nhân lực y tế tham gia phòng chống dịch
Về công tác cách ly, điều trị và tiêm vắc xin, TP hiện có 12 khu cách ly tập trung của TP với sức chứa 8.680 người (hiện đang cách ly 4.121 trường hợp, năng lực còn lại là 4.559 chỗ); 345 khu cách ly của các quận – huyện và TP Thủ Đức với sức chứa khoảng 45.094 người (hiện đang cách ly 8.259 người); 72 khách sạn tổ chức cách ly tương ứng 5.249 buồng/phòng.
Bên cạnh đó, có 32 khách sạn, ước khoảng 2.308 buồng/phòng đang chờ khảo sát, thẩm định; tổng số phòng còn trống có thể tiếp nhận ngay là 2352 buồng/phòng. Các quận - huyện, TP Thủ Đức cũng đã vận động được 460 khách sạn đạt tiêu chuẩn cơ bản đồng thuận thực hiện chủ trương cách ly F1 tại khách sạn, với sức chứa khoảng 17.373 phòng.
Để giảm áp lực tại các khu cách ly tập trung, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, tạo được tâm lý thoải mái cho người được cách ly, Thành phố đã triển khai hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho các trường hợp F1 đủ điều kiện và theo dõi bằng ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát cách ly tại nhà.
Về năng lực điều trị, hiện nay công tác thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 được thực hiện theo hệ thống 5 tầng điều trị. Tổng số nhân lực ngành Y tế đang tham gia chống dịch trên địa bàn TP là 14.129 người, trong đó đội ngũ y, bác sĩ của TP là 10.022 người, Trung ương và các tỉnh thành hỗ trợ là 4.107 người; đã phân bổ 6.531 người về các quận, huyện và TP Thủ Đức, 7.407 người tại các bệnh viện dã chiến và 191 người tại các khu cách ly tập trung.
Nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị COVID-19, UBND TP đã hướng dẫn phối hợp với các quận - huyện, TP Thủ Đức tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 không triệu chứng, không kèm bệnh lý nền hoặc đã được điều trị ổn định và không béo phì thuộc địa bàn quản lý; sử dụng các cơ sở hạ tầng có sẵn như khu ký túc xá của trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học để thành lập khu cách ly tập trung; đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cơ bản và đảm bảo các trang thiết bị, vật tư để điều trị các trường hợp nhẹ và kịp thời chuyển lên tuyến trên đối với các trường hợp chuyển bệnh nặng.
Về trang bị cơ sở vật chất đáp ứng tình hình dịch, bên cạnh việc huy động nguồn lực sẵn có từ các bệnh viện TP, ngành Y tế sẽ ưu tiên phân bổ các trang thiết bị do Mặt trận Tổ quốc TP chuyển đến từ các nhà tài trợ, cũng như các thiết bị y tế được Bộ Y tế chi viện. Thành phố cũng thành lập Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời trực thuộc UBND TP để kịp thời đáp ứng yêu cầu điều trị của các cơ sở cách ly, bệnh viện trên địa bàn.
Về công tác tiêm vắc xin, tính đến nay, Thành phố đã triển khai tiêm được 991.872 liều vắc xin, trong đó 943.251 người mũi 1 và 48.657 người mũi 2. Sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm Vắc xin hơn 800.000 liều trong 1 tuần vào cuối tháng 6/2021, TP đã tiếp tục khởi động chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều đợt 5 trong thời gian 2-3 tuần từ ngày 22/7 để không chịu áp lực về thời gian hoàn thành mục tiêu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện về giãn cách. Đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt này là người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và người mắc bệnh nền.
Hỗ trợ cho người lao động tự do đạt 100% kế hoạch
Về các giải pháp sản xuất an toàn, UBND TP đã cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn khi đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm” (chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân). Hiện có 1.282 doanh nghiệp đang thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly, với tổng số trên 84.000 lao động.
Về công tác hỗ trợ người lao động, người dân, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: Thành phố đã khẩn trương, kịp thời triển khai hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP; cụ thể:
Hỗ trợ cho 269.631/269.631 người lao động tự do (đạt 100%) với số tiền: 404.446.500.000 đồng; 26.332/46.060 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (đạt 57,17%) với số tiền 52.898.600.000 đồng; 84/1.227 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (đạt 6,85%) với số tiền 168.200.000 đồng; 4.934/4.977 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động (đạt 99,14%) với số tiền 9.868.000.000 đồng; 10.030/12.607 thương nhân tại các chợ truyền thống (có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ) với số tiền 15.161.220.000 đồng (đạt 79,56%).
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động vận động các mạnh thường quân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp chăm lo cho các đối tượng khó khăn với tổng kinh phí gần 235,6 tỉ đồng, bao gồm tiền mặt và hàng hóa, nhu yếu phẩm.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng đã tiếp nhận số tiền ủng hộ hơn 1.828 tỷ 109 triệu đồng từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP; các tỉnh, thành trong cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; trong đó có 807 tỷ 092 triệu đồng tiền mặt. Về quỹ Ủng hộ mua Vắc-xin phòng dịch COVID-19 đã có 105 đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ số tiền 2.293 tỷ 363 triệu đồng; đến nay, đã tiếp nhận ủng hộ 287 tỷ 156 triệu đồng.
Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai “Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19” qua Cổng thông tin 1022 với mục tiêu chung “không một người dân nào bị bỏ lại phía sau” trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Cung ứng hàng hóa thiết yếu đạt trung bình hơn 5.000 tấn/ngày
Về đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, sản lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường TP trung bình hơn 5.000 tấn/ngày; để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục vụ người dân, TP đã chỉ đạo các hệ thống phân phối, doanh nghiệp bình ổn thị trường nâng khả năng dự trữ hàng hóa lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn.
Đồng thời, tổ chức huy động nhiều nguồn lực, kết nối các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa hình thành thêm một kênh bổ trợ, chuỗi cung ứng “linh hoạt” phục vụ kịp thời nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân với hơn 1.000 điểm bán/ngày với giá bán bằng hoặc thấp hơn giá bình ổn thị trường.
Chương trình “Chợ Nghĩa tình”, “Siêu thị 0 đồng”… cũng được tạo điều kiện hoạt động để đưa hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các khu cách ly, khu phong tỏa.
Về đảm bảo giao thông, mật độ giao thông trên toàn địa bàn TP giảm khoảng 80 - 90% so với trước khi thực hiện giãn cách toàn TP. Đã cấp Phiếu nhận diện được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng, chống dịch COVID -19 (có mã QR Code) cho 18.658 xe với 549 đầu mối doanh nghiệp, đảm bảo lưu thông vận chuyển hàng hóa xuyên suốt trên địa bàn Thành phố và ưu tiên (theo luồng xanh) khi qua các trạm kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh phía Nam.
Về công tác thông tin, tuyên truyền, TP đã có nhiều giải pháp để nắm bắt thông tin và tình hình dư luận quần chúng nhân dân, đồng thời chủ động tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí về quá trình thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Duy trì họp báo định kỳ và cung cấp thông tin khi cần thiết cho báo chí đối với các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch.
Về tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong phòng, chống dịch bệnh, TP đã đẩy mạnh áp dụng CNTT với nhiều ứng dụng, phần mềm mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong đó, triển khai việc khai báo y tế điện tử bằng mã QR trên phạm vi toàn TP và đang thực hiện kết nối liên thông với Hệ thống Tờ khai y tế của Bộ Y tế, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 23/7/2021; vận hành thí điểm phần mềm VHD (VietNam Health Declaration) nhằm giám sát cách ly tại nhà từ ngày 17/7/2021; chuẩn hoá hơn gần 44.000 địa chỉ ca dương tính, điểm phong toả, điểm dịch tễ để đưa lên Bản đồ COVID-19 của TP, tích hợp thông tin về bệnh viện của 5 tầng điều trị, điểm xét nghiệm, điểm tiêm chủng lên bản đồ.
Công an TP đã huy động gần 14.000 CBCS tham gia phòng chống dịch
Công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tại 12 chốt, trạm ở cửa ngõ ra vào TP, các lực lượng chức năng đã tiến hành tổng kiểm soát 1.423.447 lượt phương tiện các loại, kiểm tra 1.350.605 lượt người; lập biên bản xử phạt vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh 4.911 trường hợp, với tổng số tiền 10.412.000.000 đồng.
Công an TP đã huy động 13.853 cán bộ chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch; Bộ Tư lệnh TP cũng đã điều động 27.769 cán bộ, chiến sỹ, dân quân phục vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa và mở đợt cao điểm phun khử khuẩn diện rộng toàn TP.
Trên cơ sở các kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc phát sinh; đồng thời thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 22/7/2021 của Thành ủy TPHCM, UBND TP xác định phương hướng sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 01/8/2021 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Đặc biệt, thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn Thành phố; tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng cho các tầng lớp nhân dân để thực hiện nghiêm và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19; vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; tiếp tục vận động các nguồn lực, kịp thời chăm lo cho người dân, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Hầu hết người dân ủng hộ hoàn toàn quy định phòng chống dịch
Báo cáo đánh giá tại hội nghị nêu rõ: Qua 15 ngày triển khai thực hiện, Thành phố đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của Nhân dân, thông qua nhiều kênh thông tin phản ánh đã cho thấy hầu hết người dân đã và đang hoàn toàn ủng hộ với những quyết sách và phương thức chống dịch mà các ngành, các cấp đang triển khai.
Toàn bộ hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở đều tham gia vào công tác phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng ngành. Các tổ chức tôn giáo và các nhân sĩ, trí thức, doanh nghiệp… đều có nhiều đóng góp, chung tay cùng Thành phố nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong thời gian thực hiện tăng cường và siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Nổi bật nhất là số ca nhiễm vẫn còn tăng cao, đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ.
Trong công tác thông tin, tuyên truyền vẫn còn tình trạng đưa thông tin xấu, bịa đặt, gây hoang mang, dư luận ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về Thành phố tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương hạn chế nên giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.
Việc thực hiện của các doanh nghiệp đối với mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly gặp một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện khi một số lao động ban đầu đồng thuận nhưng sau đó lại không muốn tham gia và tình trạng một số chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hàng ngày; điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Việc hỗ trợ cho các đối tượng còn hạn chế do TP đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế việc đi lại, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa, nên tiến độ chi hỗ trợ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn.