TPHCM: Tổ chức Lễ Khai hạ - Cầu an đầu năm mới 2022

Thứ Hai, 07/02/2022 15:05

|

(CAO) Sáng 7/2 (mùng 7 Tết Nhâm Dần 2022), tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh), TPHCM tổ chức Lễ Khai hạ - Cầu an đầu năm mới 2022.

Đến dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Hồ Hải; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hoà Bình; Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại lễ Khai hạ

Lễ Khai hạ - Cầu an thường diễn ra vào mùng 7 Tết âm lịch hàng năm, là một điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ và TPHCM để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa được tổ chức tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt hay còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu.

Theo đó, ngay từ trước 30 Tết, có lễ Dựng nêu và lễ Thượng kỳ để đến đầu năm thì làm lễ Hạ nêu; đồng thời sắm sửa lễ vật cúng tế trời, đất, tổ tiên và trở lại công việc hàng ngày.

Cây nêu (thường là cây tre) dài 5 - 6 m, được trồng trước sân nhà, trên có treo một vòng tròn nhỏ và nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng theo từng địa phương - được dựng lên nhằm xua đuổi những điều xấu tránh xa nơi cư ngụ của dân làng. Lễ Hạ nêu hay là Lễ Khai hạ - Cầu an, Khai sơn, Khai bút hay Khai ấn, tức là ngày bắt đầu lên rừng, ra ruộng hay đến công sở theo kế sinh nhai...

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Dân tộc ta đã có truyền thống hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Để đất nước có được như ngày hôm nay, biết bao thế hệ tiền nhân đã hy sinh giành được độc lập, thống nhất lãnh thổ.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên thực hiện nghi thức khai bút đầu năm

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên khẳng định: Bổn phận của các thế hệ nối tiếp phải nhớ ơn, gìn giữ, dựng xây và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Sống, học tập, lao động, xây dựng và phát triển đất nước để xứng đáng của các thế hệ tiền nhân đã ngã xuống cho đất nước này.

“Đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm xây dựng TP phát triển ngày càng tốt hơn nữa, trước mắt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Lần thứ XIII của Đảng. Cùng chung tay xây dựng đất nước cường thịnh với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh”- đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và mong muốn TP tiếp tục cố gắng, đã đoàn kết, đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm, quyết tâm hơn nữa, đã thành công, thành công hơn nữa để năm sau luôn luôn phát triển hơn năm trước.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên xin hứa đồng bào, các bậc tiền nhân sẽ cố gắng hết sức để góp phần xây dựng TP ngày càng phát triển bền vững...

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) dưới thời vua Gia Long (1802 - 1820) và vua Minh Mạng (1820 - 1841), là người đã có công vào sự nghiệp mở mang, phát triển vùng đất phía Nam của Tổ quốc, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định.

Khi còn giữ chức Tổng Trấn thành Gia Định, dưới sự quản lý, điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm. Sinh thời, Đức Tả quân Lê Văn Duyệt cùng người dân trong vùng vẫn hay làm các nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa. Các nghi thức tế lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn.

Đoàn nghi thức vào Lăng để bắt đầu buổi lễ Khai hạ

Để học tập tinh thần trung quân ái quốc, phẩm chất chính trực, công bằng... người dân TPHCM đã đến xin ấn Tả Quân về treo trong nhà như để nhắc nhở con cháu noi gương ông và cũng là để cầu may một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Trong lễ Cầu an - Khai hạ, thường kèm theo những chầu hát bội rất sống động, với các tuồng tích như: Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu...

Bình luận (0)

Lên đầu trang