TPHCM: Xét nghiệm định kỳ cho người dân các khu phong tỏa 2-3 ngày/lần

Thứ Bảy, 10/07/2021 16:28  | A. Quân

|

(CAO) Sáng 10/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc giao ban trực tuyến với TPHCM.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đến nay TPHCM thực hiện xét nghiệm định kỳ cho các khu phong tỏa với tần suất 2-3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao 5-7 ngày/lần; các ổ dịch có nguy cơ rất cao thực hiện test nhanh kháng nguyên, đồng thời thực hiện mẫu gộp 5 trên phạm vi tổ dân phố, mở rộng các khu phố đến từng gia đình.

Phát động thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19”

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đã phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn có tên “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19”, vận động toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân thành phố đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia đẩy lùi dịch bệnh.

Nếu test nhanh dương tính thì các lực lượng sẽ xét nghiệm mẫu đơn bằng phương pháp Realtime RT-PCR, điều tra các trường hợp F1 để chuyển cách ly, điều trị sớm. TP tiếp tục lên phương án bổ sung thêm 6.000 giường để phục vụ công tác điều trị.

Bên cạnh đó thành phố tiếp tục tăng cường chuẩn bị máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác xét nghiệm, truy vết trên tinh thần tổ chức sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm, “không dàn hàng ngang”, kết hợp hài hòa giữa test nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR…

Tận dụng thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Y tế và thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm… để sớm phát hiện và “bóc ngay” ca F0 ra khỏi cộng đồng, giữ vững “vùng xanh”, đưa “vùng đỏ” dần xuống thành “vùng cam”, tiếp tục xuống “vùng vàng” và nhanh chóng trở về trạng thái an toàn.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại TPHCM

Chỉ cần xét nghiệm đại diện hộ gia đình để tiết kiệm test nhanh

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh phải chuẩn bị công tác xét nghiệm, điều trị cho kịch bản 5 ngày tới số ca mắc tại TPHCM có thể lên tới 10.000 người.

Theo Thứ trưởng, ngành y tế đã đánh giá lại năng suất của 17 phòng xét nghiệm trên địa bàn (xét nghiệm được khoảng 7.000 mẫu/ngày). Nếu có sự hỗ trợ của các đơn vị, bộ ngành, có thể tăng công suất lên 30.000 mẫu/ngày. Công suất này chỉ đáp ứng được cho xét nghiệm các trường hợp F1 đang ở trong khu cách ly tập trung.

Theo kịch bản, ước tính trong 15 ngày tới, với 1.600 ca mắc/ngày (trung bình 1 ca F0 có khoảng 30 trường hợp F1), thành phố cần sử dụng khoảng 2 triệu test nhanh và gần 3 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ rà soát lại Trung tâm Xét nghiệm Realtime RT-PRC do Tập đoàn VinGroup tài trợ, với 30 máy, công suất có thể đạt được 20.000-25.000 mẫu/ngày.

Nhóm ở khu vực nguy cơ rất cao sẽ được thực hiện mẫu gộp toàn bộ gia đình, dự kiến cần sử dụng 1,6 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR và 1,3 triệu test nhanh. Tuy nhiên, do những gia đình trong khu vực này đã hoàn toàn được giãn cách, do vậy Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng chỉ cần xét nghiệm đại diện hộ gia đình để tiết kiệm test nhanh.

“Bộ phận thường trực sẽ cân nhắc và điều chỉnh hợp lý để giảm bớt số lượng test nhanh; thực hiện 2 mũi xét nghiệm ‘giáp công’ (từ các vùng nóng ra và xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực an toàn) để mở rộng ‘vùng xanh’ cho thành phố”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang