Thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả tràn lan:

Trách nhiệm của Bộ Y tế?

Thứ Bảy, 17/05/2025 06:23

|

(CATP) Trong vòng mấy năm qua, nhiều cán bộ cấp cao của Bộ Y tế vướng vòng lao lý liên quan đến việc tiếp tay sản xuất thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả. Điều đó cho thấy, còn nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý và ngay chính Bộ Y tế cũng đã buông lỏng quản lý.

Nhận "tiền cảm ơn" của doanh nghiệp để cấp giấy phép

Vụ án xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Bộ Y tế, khiến 5 cán bộ thuộc cục này bị khởi tố, trong đó có Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, là vụ án điển hình cho sự buông lỏng quản lý. Hay nói cách khác, đó là vụ án hối lộ, ăn trên sức khỏe của người dân, gây chấn động dư luận. Bằng những đồng tiền bẩn, một số cán bộ cấp cao của Bộ Y tế đã góp phần "giết" người dân, những khách hàng tiêu thụ sản phẩm giả, kém chất lượng của những người làm ăn gian dối. Vậy mà trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vẫn khẳng định: "Bộ Y tế đã làm hết trách nhiệm".

Bộ Y tế đã làm gì với những vụ án gây chấn động khi để việc sản xuất thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, sữa giả tung hoành nhiều năm?

Lấy vụ án xảy ra tại Cục ATTP để phân tích, xem Bộ Y tế đã thể hiện trách nhiệm như thế nào. Tại Cơ quan điều tra, nguyên Cục trưởng Phong khai mỗi lần đi hậu kiểm về, Phó phòng Giám sát ngộ độc, thuộc Cục ATTP Cao Văn Trung đã đưa cho ông một phong bì 50 triệu đồng, nói là: "Doanh nghiệp (DN) cảm ơn". Cục này có 4 lần đi cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thực hành sản xuất tốt (giấy chứng nhận GMP), một lần đi cấp lại cho 2 nhà máy và một lần đi hậu kiểm.

"Như vậy, anh Trung đã đưa cho tôi tổng 250 triệu đồng", ông Phong khai. Bị can Đinh Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo ATTP cũng thuộc cục này, khai: Sai phạm của đơn vị đã tạo điều kiện cho DN lợi dụng sự lỏng lẻo của quy định pháp luật; qua đó cũng giảm khách quan trong công tác kiểm tra, hậu kiểm. Bị can Minh thừa nhận, trước khi tiếp nhận hồ sơ công bố đều dựa hết vào tài liệu mà DN cung cấp, là chưa đảm bảo tính khách quan, toàn diện.

Nhiều sản phẩm sữa giả được phát hiện

Kết quả điều tra ban đầu xác định, để được sản xuất thực phẩm chức năng, DN phải được cấp giấy chứng nhận GMP với thời hạn 3 năm. Muốn được tiêu thụ thực phẩm chức năng trên thị trường, DN phải được Cục ATTP cấp giấy phép công bố sản phẩm. Tuy nhiên, để được sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả, bị cáo Mạnh đã thông đồng, móc ngoặc và đưa tiền "lobby" cho một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục ATTP. Nhóm này đã chi khoảng 3,2 tỷ đồng cho nhiều lãnh đạo, cán bộ để được giảm một số lỗi khi thẩm định, hậu kiểm.

Đó là theo lời khai của các bị can, còn thực nhận bao nhiêu tiền hối lộ, Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ, vì nhóm này sản xuất hàng giả từ năm 2016. Thủ đoạn làm giả của nhóm này là mua nguyên liệu trôi nổi, hoặc của Trung Quốc, rồi gắn nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu. Nhiều thành phần hàng hóa chỉ đạt dưới 30% so với công bố.

Liên tục xảy ra nhiều vụ án liên quan đến attp, ai chịu trách nhiệm?

Thực tế trong thời gian qua, việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng là thực phẩm chức năng, dược phẩm, sữa giả liên tục xảy ra, có thể nêu cụ thể:

Ngày 03/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Sản xuất hàng giả là thực phẩm" và "Lừa dối khách hàng" xảy ra tại Công ty Asia Life, Công ty Chị Em Rọt và một số công ty liên quan tại TPHCM và tỉnh Đắk Lắk. Đến nay, đã khởi tố 5 bị can.

Ngày 10/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group và các cơ quan, tổ chức liên quan; đến nay đã khởi tố 5 bị can.

Ngày 11/4, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội khởi tố vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm", khởi tố 1 bị can.

Ngày 20/4, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", khởi tố 14 bị can.

Ngày 21/4, Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm", khởi tố 1 bị can. Các sản phẩm thực phẩm bị thu giữ có: chuối sấy giòn, bắp khô bò lá chanh, ngô nếp chiên bơ, đậu phộng mix vị, hoa quả sấy, táo đỏ, bánh nhãn, bánh kem gấu...

Thực phẩm chức năng giả chất thành đống trong các kho chứa

Tất cả những vụ án như vậy đều liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế, nhưng không thấy trách nhiệm của bộ này. Thủ tướng Phạm Minh Chính bức xúc cho rằng, đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng và thẳng thắn cho rằng, do có sự buông lỏng của một số cơ quan và địa phương liên quan.

Thủ tướng chỉ ra: Các cơ quan, địa phương liên quan đã buông lỏng công tác quản lý thời gian qua; vậy trách nhiệm thuộc về ai và cần phải có người chịu trách nhiệm việc này? Tại sao có các cơ quan chức năng nhưng vẫn có tình trạng trên xảy ra, cho đến khi lực lượng Công an khởi tố các vụ án, bắt tạm giam các đối tượng. Thủ tướng yêu cầu: Phải tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, phải có tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm.

Một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên, là vụ sản xuất sữa giả với quy mô rất lớn tại Hà Nội và các tỉnh. Tối 12/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 8 bị can liên quan đến vụ án. Thông tin này làm người tiêu dùng bị sốc, bởi số lượng sữa giả tiêu thụ là rất lớn, ngang nhiên hoạt động từ hơn 4 năm qua, bán ra thị trường 600 loại sữa bột giả, với hơn nửa triệu sản phẩm sữa giả tung hoành gần 5 năm trên thị trường, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Rất nguy hiểm khi họ sản xuất cả các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

Bước đầu, cơ quan Công an xác định từ tháng 8/2021 đến nay, Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Đây là những loại sữa giả không chối cãi, khi các thành phần công bố trên sản phẩm như chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... nhưng thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này, mà thay thế bằng một số nguyên liệu đầu vào khác, bổ sung một số chất phụ gia.

Lô hàng 100 tấn thực phẩm chức năng giả bị cơ quan Công an phát hiện, thu giữ

Bộ y tế đã làm gì?

Sáng 15/4, Tiến sĩ Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế, khẳng định: Bộ Y tế luôn nhất quán trong công tác chỉ đạo điều hành thông qua việc xây dựng, trình và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP. Bà Nga còn cho rằng, việc quản lý ATTP được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó quản lý an toàn thực phẩm của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương và UBND các cấp được quy định tại các Điều 62, 63, 64, 65; Trách nhiệm "Chủ trì việc phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm" được quy định tại khoản 5 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, phải là cơ quan chủ chốt trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Vậy mà trong thời gian qua, Bộ Y tế đã buông lỏng quản lý. Bằng chứng là nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phải lãnh 17 năm tù về tội "Nhận hối lộ" liên quan đến kit/test trong đại dịch Covid-19. Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng phải nhận án tù treo vì liên quan đến việc để ngoài sổ sách 3,84 triệu USD khi ký hợp đồng sản xuất thuốc Tamiflu phòng chống cúm A (H5N1) với các DN, trong đó có Dược Cửu Long; 4 cán bộ khác của Bộ Y tế cũng bị khởi tố trong vụ án này.

Nghiêm trọng hơn, vì tiếp tay cho thuốc giả, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhận 3 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế; Công ty CP VN Pharma và một số đơn vị liên quan. Một số cán bộ của Cục quản lý dược cũng ra tòa trong vụ án này.

Trong vòng mấy năm qua, Bộ Y tế có 1 bộ trưởng, 2 thứ trưởng, 3 vụ trưởng, 1 cục trưởng, 1 cục phó và nhiều cán bộ cấp trưởng, phó phòng phải dính vòng lao lý. Điều đó cho thấy, Bộ Y tế đã buông lỏng quản lý như thế nào. Giờ đến nguyên Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cùng một số cán bộ cục này bị bắt do tiếp tay với tội phạm sản xuất thực phẩm chức năng giả.

Dư luận đặt câu hỏi: Ngay tại Cục ATTP - Bộ Y tế, nơi nắm giữ kỷ cương trong quản lý ATTP, nhưng một số cán bộ lại tiếp tay cho việc sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả. Vậy ai chịu trách nhiệm?

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 4 tháng đầu năm 2025, các đơn vị và địa phương đã bắt giữ và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm. Trong đó, hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng...

Đây là những con số quá lớn, cho thấy thực tế sữa giả, thực phẩm chức năng giả, hàng giả là vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua và chỉ bị phát hiện sau rất nhiều năm có mặt trên thị trường, khi có phản ánh. Rõ ràng, những lỗ hổng trong quản lý quá lớn, dẫn đến chính những người làm công tác quản lý an toàn thực phẩm, quản lý dược lại tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng, thuốc giả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang