Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Bộ Công an chủ trì hội thảo. Đến dự còn có GS.TS, Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; thiếu tướng Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị CAND và đại diện các cục nghiệp vụ, các cơ quan báo chí trong lực lượng CAND...
Hội thảo diễn ra với nhiều đóng góp tham luận của các đại biểu
Đánh giá về tình hình chung, thiếu tướng Trần Vi Dân cho biết, trong bối cảnh hiện nay, khi nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi là không ít những thách thức, trong đó có sự tác động tiêu cực, đảo lộn nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội. Những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút ý chí chiến đấu và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng nêu trên, báo chí cách mạng nước ta nói chung, báo chí CAND nói riêng đã phát huy vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần to lớn trong đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các nhà báo lão thành, nhà nghiên cứu khoa học đã làm rõ vai trò của báo chí cách mạng trong đó có báo chí CAND; đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác báo chí CAND với nhiệm vụ đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; dự báo những thuận lợi, khó khăn, những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến báo chí nói chung, báo chí CAND nói riêng và những vấn đề đặt ra với công tác chỉ đạo, định hướng báo chí trong quá trình tham gia đấu tranh chống suy thoái; đề xuất các giải pháp phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả của báo chí CAND trong thông tin, tuyên truyền, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức.
Nhiều tham luận tại hội thảo đã nêu bật những thành tựu đạt được và thách thức đặt ra, phương hướng hành động đối với các cơ quan báo chí Công an. Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn đánh giá cao hội thảo đã bắt nhịp với nhu cầu chung của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn chúng ta đang đấu tranh với nạn tham nhũng, sự suy thoái về đạo đức, tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn đánh giá cao hội thảo và đóng góp tham luận
Báo chí truyền thông có chức năng dẫn dắt dư luận xã hội, có sự vận động lớn từ báo chí truyền thống sang hiện đại ,có tác động rộng rãi trong xã hội. Thế mạnh của báo chí CAND là nắm những nguồn tin nhanh, chính xác, nhưng để xử lý được nguồn tin này là một vấn đề không dễ dàng. Do đó “các nhà báo công an phải có cơ chế tự bảo vệ mình, lực lượng CAND bảo vệ người làm báo Công an không để xảy ra lộ lọt”, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nói.
Nêu tham luận tại hội thảo, trung tướng Đồng Đại Lộc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, đánh giá cao báo của lực lượng Công an trong việc tuyên truyền thông tin chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Đóng góp chung vào việc bảo vệ an ninh trật tự xã hội.
Trung tướng Đồng Đại Lộc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân nêu tham luận tại hội thảo
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành trao đổi với các đại biểu trong giờ nghỉ
Điều đó được phản ánh về các thông tin tội phạm tham nhũng, các vấn đề an ninh trật tự, xã hội khác một cách kịp thời. Bên cạnh đó là những phản ánh điển hình tiên tiến trong Công an và ngoài Công an đã phổ biến kinh nghiệm tốt đối với ngành và người dân.
Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó giám đốc Trung tâm Điện ảnh, phát thanh Truyền hình CAND cho rằng báo chí CAND đấu tranh chống biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nhưng đồng thời cũng phải xây dựng hình ảnh nhà báo Công an có trách nhiệm phản bác lại, không thờ ơ trước những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch,…
Nhà báo, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đề nghị có những bài bình luận, chuyên luận, nâng cao tính chiến đấu, tính phê phán; kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây làm chủ đạo để chống tốt hơn; có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời; bảo vệ những người sử dụng ngòi bút để đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.
Còn PGS.TS Lê Văn Cương nêu ý kiến, trước những sự kiện, những vấn đề nghi ngờ liên quan đến lực lượng Công an cần có thông báo chính thức, giúp các báo có thông tin chuẩn xác và từ đó sẽ đưa tin chính xác, góp phần định hướng dư luận.
Tăng cường các bài viết tôn vinh, tuyên truyền hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CAND, những tấm gương “người tốt, việc tốt” trong lực lượng CAND không chỉ trên báo chí CAND mà cả báo chí ngoài lực lượng. Mở rộng hợp tác, giao lưu thông tin, tránh hiểu nhầm về lực lượng Công an.
Phát biểu tổng kết hội thảo, thượng tướng Nguyễn Văn Thành khẳng định, các tham luận tại Hội thảo là những ý kiến đầy tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà báo, nhà nghiên cứu, rất quý giá từ thực tiễn, là cơ sở quan trọng làm sáng tỏ và thống nhất nhận thức của một số vấn đề về lý luận, thực tiễn đối với vai trò của báo chí cách mạng nói chung và báo chí CAND nói riêng; đã đề xuất một số giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: "Báo chí Công an đã có cách làm sáng tạo, mở rộng chuyên mục phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, chủ động trong các vụ việc, sự kiện nhạy cảm".
Trước tình hình hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức đặc biệt là cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với công nghệ số, báo chí CAND cũng cần phải chú ý đảm bảo thông tin, tôn chỉ mục đích, thận trọng và có trách nhiệm, tránh tình trạng lợi dụng xúc phạm đời tư cá nhân.
Đồng thời, chú trọng đào tạo, nhận rõ chức năng, nhiệm vụ hiện nay của mỗi phóng viên, nhà báo CAND trong đó nêu cao tính trung thực, dũng cảm. Báo chí CAND phải chủ động hơn trong thông tin vì đây là nguồn tài nguyên giúp lãnh đạo trong công tác chỉ đạo. Tăng cường công tác quản lý, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cũng chỉ ra cần phải có biện pháp phòng chống rủi ro, phải chủ động hơn nữa trong những vụ việc nhảy cảm. Trong đó, phải chú ý đến Luật báo chí, đảm bảo yêu cầu, tôn chỉ mục đích và thận trọng, có trách nhiệm với thông tin đăng tải.