Việt Nam lên tiếng về thông tin tàu trinh sát và máy bay Trung Quốc tại đá Chữ Thập

Thứ Năm, 24/06/2021 17:30  | A. Quân

|

(CAO) Chiều 24/6, Bộ Ngoại giao tổ chức buổi họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin gần đây tàu trinh sát và máy bay Trung Quốc được phát hiện tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa nêu rõ:

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm đến chủ quyền, các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị.

“Trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế như hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, có đóng góp thiết thực và tích cực vào việc duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Về việc Trung Quốc mới đây đã triển khai dự án gắn thẻ tên nhằm ghi nhận các loài thực vật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối.

Ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy máy bay và tàu trinh sát Trung Quốc ở Đá Chữ Thập (quần đảo Trường Sa - Việt Nam) ngày 9/6/2021.

Việt Nam sẵn sàng trao đổi, hợp tác với EU trong vấn đề quyền con người

Trước câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam đối với Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2020 của Cơ quan đối ngoại châu Âu (EU), bà Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Chúng tôi ghi nhận những đánh giá về thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ quyền lao động, chống lao động trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới trong Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2020 của Cơ quan đối ngoại EU. Rất tiếc là trong báo cáo còn một số nội dung chưa khách quan, dựa vào những thông tin không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam”.

Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định tại Hiến pháp 2013 các văn bản pháp luật liên quan; được tôn trọng, triển khai trên thực tế; được khẳng định qua các thành tựu trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.

Các nỗ lực và thành công đó cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong nhiều khuôn khổ song phương, đa phương; trong đó có Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.

“Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam. Thực tế là hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng internet, mạng xã hội quốc tế và trong nước. Tại Việt Nam, không ai bị xét xử, bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền”, người phát ngôn khẳng định.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm, như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Quá trình điều tra, xét xử và giam giữ được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật, quyền của người bị giam giữ được đảm bảo.

Người phát ngôn khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với EU; sẵn sàng trao đổi, hợp tác với EU trong vấn đề quyền con người trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua cơ chế đối thoại nhân quyền thường niên và các khuôn khổ trao đổi song phương khác.

Việt Nam luôn ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân

Trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin Việt Nam đề nghị các nước, vùng lãnh thổ tiêm chủng cho người Việt Nam ở sở tại, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua và hiện nay, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; chỉ đạo Bộ Ngoại giao thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên giữ liên lạc, kịp thời động viên, thăm hỏi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Theo bà Hằng, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng trao đổi với các cơ quan chức năng ở sở tại; đề nghị tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo sức khỏe, chăm sóc y tế, tiêm chủng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó có những người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Xác minh thông tin người Việt Nam bị lôi kéo sang làm việc trái phép tại Campuchia

Trả lời câu hỏi về việc có thông tin nhiều người Việt Nam bị lôi kéo hoặc bị lừa theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp để sang Campuchia làm việc trái phép, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã nhận được một số thông tin, yêu cầu giúp đỡ của công dân Việt Nam bị lôi kéo, làm việc bất hợp pháp tại đây.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ công dân, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân; tiến hành điều tra, làm rõ các vụ việc đưa người Việt Nam nhập cảnh, làm việc trái phép tại nước này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bà  Lê Thị Thu Hằng cho biết, để ngăn chặn các vụ việc đưa người Việt Nam nhập cảnh, làm việc trái phép ở nước ngoài, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm đưa người di cư trái phép cùng những rủi ro khi di cư qua các kênh không chính thức, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về di cư bất hợp pháp, những quy định về xuất, nhập cảnh trong phòng, chống dịch COVID-19.

Theo bà Hằng, khi cần hỗ trợ cung cấp thông tin về tội phạm di cư bất hợp pháp, công dân có thể liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại hoặc liên hệ với đường dây nóng bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Bình luận (0)

Lên đầu trang