(CAO) Chiều 29-9, UBND phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin một số vấn đề liên quan đến vụ việc đưa hai cô gái vào Trung tâm hỗ trợ xã hội. Chủ trì buổi họp, ông Võ Văn Tiến – Bí thư Đảng ủy phường Tam Bình đã có lời xin lỗi gia đình và sẽ chỉ đạo xử lý các cán bộ vi phạm.
Mở đầu buổi họp, Trung tá Huỳnh Văn Dư – Trưởng Công an phường Tam Bình cho biết, khu vực chợ đầu mối nông sản và một số khu vực lân cận là địa bàn phức tạp về tình hình an ninh trật tự xã hội.
Thực hiện theo kế hoạch 191 của công an phường về việc phòng ngừa đấu tranh kéo giảm phạm pháp hình sự trên địa bàn, vào lúc 16 giờ ngày 18-9-2017, tổ kiểm tra công an phường phối hợp với bộ phận UBND phường tiến hành kiểm tra quán cà phê “MU” ở số A46 đường D, khu dân cư chợ Đầu Mối, khu phố 5, phường Tam Bình.
Tại thời điểm kiểm tra không có chủ quán nên nhân viên không xuất trình được giấy phép kinh doanh, có hai cô gái đang ở tại đây, gồm: Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1996, quê Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (SN 2001, quê Đồng Nai) không đăng ký tạm trú và không xuất trình được giấy CMND khi có yêu cầu kiểm tra của tổ công tác.
Để làm rõ thêm, tổ công tác mời cả hai về trụ sở công an phường làm việc. Mặc dù các cán bộ đã nhiều lần đề nghị Nhung và Kiều cung cấp thông tin về quê quán cũng như nơi tạm trú, nhưng cả hai một mực không khai ra, không cho số điện thoại của người thân để công an phường liên hệ lên bảo lãnh.
Ông Võ Văn Tiến – Bí thư Đảng ủy phường Tam Bình chủ trì buổi họp báo
Đến 19 giờ 45 phút cùng ngày, Nhung và Kiều vẫn không khai báo gì thêm nên tổ công tác đã phối hợp với cán bộ chuyên trách của UBND phường làm thủ tục đưa cả hai vào Trung tâm hỗ trợ xã hội theo Quyết định 29/2017 của UBND TPHCM có hiệu lực từ ngày 1-8.
Theo Điều 2 của Quyết định số 29 về quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định. Người sinh sống nơi công cộng là người thực hiện hoạt động sinh hoạt thường ngày như tắm, giặt, ăn ngủ nơi công cộng. Nơi công cộng là vỉa hè, lòng lề đường, gầm cầu, quảng trường, công viên, nơi vui chơi giải trí, nhà ga, trạm xe buýt, bến xe, bến tàu, chợ và những nơi công cộng khác. Người không có nơi cư trú ổn định là không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không một nơi ở cố định.
Sau khi xảy ra sự việc trên, phía gia đình của em Nhung đã phản ứng và cho rằng UBND phường Tam Bình xử lý vụ việc như vậy là không đúng quy định của pháp luật nên đã nhờ các cơ quan báo chí lên tiếng, từ đó khiến cho dư luận bức xúc.
Trước tình hình trên, Quận ủy, UBND quận Thủ Đức đã chỉ đạo UBND phường Tam Bình xác minh làm rõ vụ việc thì xác định cán bộ xử lý vụ việc là sai, nóng vội. Vào chiều 29-9, UBND phường đã tổ chức tiếp xúc với gia đình em Nhung, ông Võ Văn Tiến cho biết trong quá trình làm việc, cán bộ phụ trách đã có những sơ suất dẫn đến sự việc đáng tiếc, nhận khuyết điểm, xin lỗi gia đình và hai em Nhung, Kiều.
UBND phường tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí
Phóng viên báo Công an TP.HCM đã đặt vấn đề về cách xử lý tốt nhất khi gặp các trường hợp tương tự, trung tá Huỳnh Văn Dư cho biết “do cán bộ xử lý quá nóng vội, chưa xác minh sâu, thiếu thận trọng nên dẫn đến việc đưa hai em vào trung tâm hỗ trợ xã hội là chưa đúng. Nếu như khi các em kiên quyết không khai báo về nhân thân, nơi ở thì cần thêm một bước nữa là phối hợp với Hội phụ nữ phường, có thời gian tổ chức tiếp xúc với các em, tìm hiểu thêm vì sao các em không cho biết về nhân thân, chỗ ở, từ đó sẽ có hướng giải quyết tốt hơn.
Trong vụ việc trên, khi cán bộ chưa xác minh được nơi ở, nhân thân, vội xử lý vụ việc dẫn đến nhầm lẫn đối tượng với Quyết định 29 của UBND TP. Với trường hợp này, khi cán bộ đã làm hết cách mà vẫn không xác định được nơi ở thì lúc đó chuyển các em vào Trung tâm bảo trợ xã hội cũng không muộn”.
Kết thúc buổi họp báo, ông Võ Văn Tiến cho biết, sang tuần sau sẽ chỉ đạo các cán bộ có liên quan làm giải trình để có biện pháp xử lý vi phạm.