Xuất hiện nhiều thủ đoạn tội phạm mới, tinh vi

Thứ Sáu, 10/05/2024 15:35  | Thanh Hòa

|

(CAO) Nhiều loại tội phạm tiếp tục phát sinh với phương thức, thủ đoạn tội phạm mới, hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều lĩnh vực: đấu thầu, đất đai, tài chính, ngân hàng, giáo dục, xăng dầu, khai thác tài nguyên,...

Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong những tháng đầu năm 2024, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị cơ bản được bảo đảm, tuy nhiên, nhiều loại tội phạm đã tăng mạnh.

Thời gian qua, nhiều loại tội phạm tiếp tục phát sinh với phương thức, thủ đoạn tội phạm mới, hoạt động có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin, phạm tội trên không gian mạng liên quan đến nhiều lĩnh vực: đấu thầu, đất đai, tài chính, ngân hàng, giáo dục, xăng dầu, khai thác tài nguyên,...

Các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 50.160 vụ án hình sự (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, xảy ra nhiều vụ giết người với tính chất côn đồ, manh động, man rợ, nguy hiểm như vụ Nguyễn Đăng Khoa (TPHCM) giết chị Vi Thị Thống, phân xác đem phi tang để cướp tài sản; vụ Hoàng Minh Hào (TP Hà Nội) đã giết chị Lê Thùy Linh để cướp tài sản; vụ Nguyễn Văn Chinh (Nghệ An) đã dùng dao nhọn đâm chết ông Nguyễn Văn Hùng; vụ Trần Văn Linh (Ninh Bình) đã dùng dao đâm chết Nguyễn Văn Duy....

Tội phạm về ma tuý đã khởi tố 14.162 vụ (tăng 12,8%), trong đó, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đặc biệt nghiêm trọng, có những vụ án mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thu giữ số lượng lớn ma túy, điển hình như vụ Tik Xayasane cùng đồng bọn (Quảng Trị) vận chuyển trái phép 100kg ma túy tổng hợp; vụ Nông Thanh Tới, Nông Thị Lan Thùy và Lý Thị Vang (Lạng Sơn) vận chuyển trái phép 29.917,19 gam Methamphetamine;...

Xuất hiện thủ đoạn mới, đóng gói ma tuý, thả trôi trên biển có gắn định vị để mang vào Việt Nam tiêu thụ như từ ngày 29/3/2024 đến 01/4/2024, tại khu vực biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang, lực lượng chức năng đã thu giữ 84 kg ma tuý được các đối tượng thả trôi trên biển và có gắn định vị theo dõi;...

Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường cũng gia tăng, đã khởi tố 19.810 vụ, trong đó, phát sinh nhiều tội phạm với phương thức, thủ đoạn, hoạt động tinh vi, phạm tội có tổ chức, có sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nhà nước, liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đấu thầu, đất đai ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn.

Điển hình như vụ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Ban Quản lý dự án công trình xây dựng Y tế tỉnh Bắc Ninh (AIC Bắc Ninh); Vụ Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan;...

Bị can Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuấn Ân
Các bị can bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân

Tình trạng giả danh cán bộ Công an, Kiểm sát để lừa đảo chiếm đoạt với hình thức tinh vi cũng có xu hướng tăng, điển hình như Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ 46 đối tượng làm việc tại 03 công ty của những người Đài Loan (Trung Quốc); được đào tạo, hướng dẫn và cấp phát các thiết bị, máy móc, kịch bản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh tổng đài viễn thông, cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản; Vụ nhóm lừa đảo dùng công nghệ cao và xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật lừa bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai 170 tỷ đồng;...

Tội phạm tham nhũng, chức vụ cũng tăng 2%, ngành Kiểm sát đã khởi tố mới 468 vụ. Các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, có sự cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ Nhà nước với các công ty, doanh nghiệp tư nhân, trong các lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kinh doanh xăng dầu.

Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp cũng tăng 24,1%, trong đó chủ yếu liên quan các hành vi nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản,...

Nguyên nhân một số loại tội phạm mới khởi tố tăng là do ảnh hưởng tình hình kinh tế xã hội có nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực dẫn đến gia tăng nhiều loại tội phạm; công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở để một số cán bộ lợi dụng phạm tội; sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân; mặt khác, công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm của các cơ quan chức năng được đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả hơn, đặc biệt là nhiều tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ được phát hiện điều tra, xử lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang